Tiếng nổ lớn kèm theo vết nứt ở nhiều nơi
Ngày 2/8, UBND H.Tuy Đức (Đắk Nông) cho biết lực lượng chức năng đã di dời hàng chục hộ dân trên địa bàn xã Quảng Trực đến nơi an toàn. Trước đó, khuya 31/7, tại bon Bu Krắc (xã Quảng Trực), lực lượng chức năng ghi nhận có 2 tiếng nổ lớn, đi kèm với sự rung chấn từ mặt đất. Đến sáng 1/8, lực lượng chức năng phát hiện nhiều vết nứt gãy trên mặt đất. Các vết nứt có chiều dài hàng trăm mét, rộng 10 - 15 cm. Đến ngày 2/8, vết nứt kéo dài đến bon Bu Prăng (nằm cạnh bon Bu Krắk). Hiện UBND H.Tuy Đức đang triển khai nhiều biện pháp để đảm bảo an toàn cho người dân.
Trong khi đó, trên tuyến QL14, đoạn qua TP.Gia Nghĩa (Đắk Nông) cũng ghi nhận vết nứt dài kéo dài khoảng 20 m. Ngay trong sáng 2/8, lực lượng chức năng đã di dời 16 hộ dân trên địa bàn P.Nghĩa Thành (TP.Gia Nghĩa) đến nơi an toàn.
Ngày 2/8, UBND tỉnh Lâm Đồng vừa có chỉ đạo đến các sở ngành và UBND huyện Lâm Hà khẩn trương kiểm tra và xác định nguyên nhân sạt lở, sụt lún tại vị trí gần khu vực cụm công trình đầu mối thuộc dự án xây dựng hồ chứa nước Đông Thanh (xã Đông Thanh, huyện Lâm Hà). Lên phương án xử lý và báo cáo kết quả trước ngày 15/8. Theo báo cáo của UBND huyện Lâm Hà, thời gian mưa kéo dài suốt nhiều ngày qua đã ảnh hưởng đến dự án này.
Cụ thể ngày 1/7, cơ quan chức năng phát hiện khu vực sườn sát khu vực thi công gói thầu số 13 xuất hiện nhiều vết nứt rộng 20-30 cm ngang qua đất vườn và 3 hộ dân. Đến ngày 28/7, khu vực này xuất hiện thêm các vết nứt mới có chiều rộng lên đến 50cm, lan ra đến khu vực thiết kế đường tránh ngập của dự án. Dọc theo các vết nứt có hiện tượng sụt lún, nơi sụt sâu nhất đến 1,5m khiến đất nứt nẻ, hư hỏng, sạt lở taluy, móng nhà, nền bê tông nhà người dân. Tổng cộng có 9 hộ dân bị ảnh hưởng nhà cửa và đất sản xuất với gần 54.000 m2.
Chiều 2/8, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) tỉnh Đắk Nông có báo cáo nhanh liên quan đến tình hình mưa lụt trên địa bàn. Theo thống kê sơ bộ, tính đến 11 giờ ngày 2/8, mưa lũ đã làm ngập, ảnh hưởng 159 căn nhà, ngập úng khoảng 359 ha cây trồng các loại; khoảng 150 ha ao nuôi thủy sản của người dân bị ngập, tràn bờ; di dời 79 hộ dân tại những khu vực có nguy cơ cao bị sạt lở.
Để ứng phó với mưa lớn, nguy cơ ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai yêu cầu các tỉnh Bắc bộ, Bắc Trung bộ, Tây nguyên và Nam bộ theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lớn, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất, thông tin kịp thời, đầy đủ đến các cấp chính quyền, người dân biết để chủ động phòng tránh, ứng phó, giảm thiểu thiệt hại.
Mưa kéo dài làm giảm sức bền của đất
PGS.TS Trần Tân Văn, Viện Khoa học địa chất và Khoáng sản cho rằng "thủ phạm" dẫn đến các vết nứt đều do mưa lớn kéo dài ngày xảy ra trên diện rộng. PGS.TS Trần Tân Văn đã lý giải hiện tượng nứt đất cả hai điểm đều do mưa lớn dài ngày khiến đất trở nên nặng, sức bền giảm, dẫn tới nguy cơ sạt lở. Vết nứt là một trong những dấu hiệu đầu tiên của một vụ sạt lở. Vết nứt xuất hiện sẽ gây ra tiếng động, mà mọi người cho rằng đó là tiếng nổ. Vết nứt thường bắt đầu từ trên đỉnh của khối trượt. Theo diễn biến này, nếu vết nứt rộng thêm, khả năng trượt sẽ càng cao.
"Trong vài ngày, nếu vết nứt phát triển từ 200 m đến hàng cây số, có nghĩa khối trượt đang dịch chuyển và nguy cơ sạt lở lớn có thể xảy ra", PGS.TS Trần Tân Văn nhận định.
Ông giải thích, vết nứt thường bắt đầu từ trên đỉnh của khối trượt. Tức là, trên địa hình sườn dốc (thường dốc dần về phía hồ nước), vết nứt sẽ ở phía trên đỉnh khối trượt và vuông góc với khối trượt sắp xảy ra. Theo diễn biến này, nếu vết nứt rộng thêm thì khả năng trượt sẽ càng cao.
PGS Văn cho hay, sự cố sạt lở từng xảy ra trên địa bàn, như tại đường vào thác Liêng Nung hồi năm 2021. Ông cho biết, ở những nơi có địa hình dốc và các hoạt động nhân sinh như xây nhà cửa, làm mất chân sườn dốc sẽ có nguy cơ xảy ra trượt khi mưa lớn kéo dài ngày làm đất bão hòa cao. Ông lưu ý cần giảm thiểu hoạt động nhân sinh tác động đến sườn dốc ví dụ đào đường, san phẳng, giải phóng mặt bằng xây nhà cửa có ảnh hưởng làm mất chân sườn dốc đều cần giảm thiểu.
PGS.TS Trần Tân Văn thông tin, trước đây có đề án chính phủ tiến hành quan trắc toàn diện nhằm xây dựng bản đồ cảnh báo cho tỉnh miền núi, trong đó có Đà Lạt, Đăk Nông, tuy nhiên trong vòng 1-2 năm đề án tạm dừng. "Nhìn chung có thể dự báo địa hình đồi núi mưa to lớn kéo dài ngày dễ xảy ra trượt lở. Về phương án lâu dài cần có xây dựng bản đồ dự báo cảnh báo sớm", ông nói.
Chuyên gia khuyến cáo, trước mắt chính quyền cần di dời, tạm sơ tán người dân, sau đó cử chuyên gia đến hiện trường khảo sát, quan trắc diễn biến. "Nếu vết nứt lớn và rộng dài ra, độ nguy hiểm càng cao, do đó cần căn cứ độ dài vết nứt để dự báo quy mô khối trượt, trên cơ sở đó thực hiện di dời phù hợp", ông nói.
Với người dân, có thể nhận biết vết nứt, tiếng động, chân sườn dốc có nước và bùn đất chảy ra là những dấu hiệu trực tiếp của chuẩn bị trượt lở cần đề phòng, di dời trước khi tiến hành quan trắc và khảo sát.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Chính Phủ Yêu Cầu Sửa Nghị Định, Không Tăng Học Phí Năm Học 2023-2024 | SKĐS