Ông Lê Đình Quảng, Phó Trưởng Ban Chính sách - Pháp luật (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) đã trả lời báo chí về một số điểm đáng quan tâm trong dự thảo Luật BHXH (sửa đổi)
- Xin ông cho biết nội dung ông quan tâm nhất trong dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) lần này?
Ông Lê Đình Quảng: Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) sẽ trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu vào Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV vào tháng 11 tới đây. Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) đã bám sát 5 chính sách lớn trong đề nghị xây dựng dự án Luật đã được Quốc hội thông qua, trong đó tập trung vào 11 nội dung lớn, cơ bản.
Có thể nói, dự thảo Luật lần này đã thể chế hóa mạnh mẽ nội dung, yêu cầu cải cách chính sách bảo hiểm xã hội theo tinh thần của Nghị quyết 28-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương.
Trong các chính sách sửa đổi của dự thảo Luật lần này, tôi quan tâm nhất tới 2 chính sách lớn. Đó là chính sách xây dựng hệ thống bảo hiểm xã hội đa tầng, linh hoạt và chính sách mở rộng diện bao phủ đối tượng thụ hưởng BXHH.
Cụ thể hơn, đó là 2 vấn đề lớn đáng chú ý: BHXH một lần và giảm điều kiện về số năm đóng BHXH tối thiểu để được hưởng chế độ hưu trí từ 20 năm theo quy định hiện hành xuống còn 15 năm.
- Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) lần này hướng tới mở rộng độ bao phủ và tiến tới BHXH toàn dân. Ông có nhận định gì về các nội dung này?
Ông Lê Đình Quảng: Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) đã thể hiện được tinh thần yêu cầu của Đảng và Nhà nước về cải cách chính sách BHXH theo Nghị quyết 28-NQ/TW và bảo đảm quyền an sinh xã hội theo quy định của Hiến pháp.
Từ trước đến nay, chúng ta đã xác định, BHXH là trụ cột của hệ thống an sinh xã hội rồi, nhưng giờ phải cải cách chính sách BHXH để thực sự trở thành trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội. Tiếp nữa là từng bước mở rộng vững chắc diện bao phủ bảo hiểm xã hội, hướng tới BHXH toàn dân.
Vì vậy, bên cạnh việc bổ sung trợ cấp hưu trí xã hội để hình thành hệ thống bảo hiểm xã hội đa tầng và mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, việc sửa đổi bổ sung các quy định nhằm mở rộng, gia tăng quyền, lợi ích để thu hút và "giữ chân" người lao động trong hệ thống BHXH để được hưởng lương hưu là hết sức quan trọng.
- Được biết việc sửa đổi Luật BHXH lần này sẽ kết hợp cùng các luật sắp sửa đổi trong thời gian tới như Luật Công đoàn, Luật Việc làm. Vậy theo ông, những nội dung được đề cập trong dự thảo Luật lần này đã đầy đủ và đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn chưa?
Ông Lê Đình Quảng: Theo tôi, những vấn đề lớn được đề cập trong dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) là đủ. Nhưng có những điểm nhỏ cần tiếp tục phải cải thiện.
Ví dụ, thời gian vừa qua, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam có tổ chức hội thảo góp ý kiến dự thảo Luật BHXH (sửa đổi). Nhiều cán bộ công đoàn và người lao động có đề xuất hoán đổi thời gian đóng BHXH với điều kiện tuổi nghỉ hưu trong trường hợp thời gian tham gia BHXH đã vượt trần trong lúc tuổi nghỉ hưu chưa đủ so với quy định của pháp luật. .
- Ý kiến của ông về đê xuất giảm thời gian đóng BHXH từ 20 năm xuống 15 năm để được hưởng lương hưu trong dự thảo Luật BHXH sửa đổi thế nào?
Ông Lê Đình Quảng: Dự thảo Luật BHXH sửa đổi đã sửa đổi theo hướng quy định người lao động khi đủ tuổi nghỉ hưu mà có thời gian đóng BHXH từ đủ 15 năm trở lên thì được hưởng lương hưu hằng tháng.
Qua tham khảo đa số ý kiến của người lao động, họ đồng tình với quy định này. Chính sách tạo điều kiện tốt cho quyền lợi của người lao động, nhất là người lao động tham gia vào quan hệ lao động muộn, bởi quy định thời gian đóng đủ 20 năm BHXH mới được hưởng lương hưu là khá dài với nhiều người. Giảm điều kiện về số năm đóng giúp những lao động đó có cơ hội hưởng chế độ hưu trí.
Trong các chế độ của BHXH, chế độ hưu trí là chính sách tốt nhất, bền vững nhất, bảo đảm an sinh xã hội cho người lao động.
Rõ ràng, việc giảm điều kiện về số năm đóng BHXH để được hưởng lương hưu thuận lợi cho người lao động, cũng góp phần làm giảm tình trạng rút BHXH một lần. Vì nhiều người biết được hưởng lương hưu, biết chế độ hưu trí bền vững thì sẽ ở lại hệ thống,
Tôi có băn khoăn về cách tính lương hưu. Hiện nay, lao động nam tham gia BHXH 20 năm, lao động nữ tham gia BHXH15 năm thì tính mức hưởng lương hưu bằng 45%. Sau đó, mỗi năm người lao động tham gia bảo hiểm xã hội được tính bằng 2%, mức hưởng lương hưu tối đa không quá 75%.
Như vậy, có thể thấy, tỷ lệ phần trăm hưởng lương hưu với những người đóng BHXH 15 năm rất thấp. Trong lúc đó, mức lương làm cơ sở đóng BHXH của nhóm lao động trực tiếp cũng rất thấp. Chưa kể, nếu chưa đủ tuổi đời, người lao động cũng sẽ bị trừ tỷ lệ hưởng lương hưu. Tất cả đều ảnh hưởng tới lương hưu thực nhận của họ sau này.
- Xin trân trọng cảm ơn ông!