Hà Nội

Chuyên gia Nhật Bản nói gì về bệnh Marburg?

24-03-2023 11:08 | Y tế
google news

SKĐS - PGS.TS Toshie của Đại học Nagoya, Nhật Bản cho rằng việc bùng phát dịch bệnh Marburg khó có thể xảy ra, nhưng cần có những biện pháp đề phòng nghiêm ngặt, bởi tỷ lệ tử vong của bệnh là rất cao.

Sau khi đại dịch COVID – 19 bùng phát khiến cả thế giới chao đảo thì con người tiếp tục phải chịu đựng các đợt dịch bệnh nguy hiểm khác như cúm mùa, đậu mùa khỉ, viêm gan cấp tính không rõ nguyên nhân, sốt xuất huyết, cúm A… và mới đây, Bộ Y tế Việt Nam đã có công văn số 1452/BYT-DP về việc tăng cường giám sát phòng, chống dịch bệnh Mác-bớc (Marburg), một dịch bệnh được cho là "đặc biệt nguy hiểm".

Virus Marburg không dễ lây như COVID – 19 nhưng đặc biệt nguy hiểm - Ảnh 1.

Bệnh Marburg là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do một loại virus mới là Marburg gây ra.

Nhiều người dân lo ngại, không biết Marburg có phải là một loại vius dễ lây lan hay không? Căn bệnh này có thực sự nguy hiểm và nếu để so sánh với COVID-19 thì mức độ nguy hiểm của nó ra sao? 

Trao đổi với Báo Sức khỏe và Đời sống, PGS.TS Toshie của Đại học Nagoya, Nhật Bản cho biết, bệnh Marburg là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do một loại virus mới là Marburg gây ra. Sẽ rất nguy hiểm nếu để bị mắc bệnh, nhưng nó khác với COVID – 19, bởi COVID – 19 có thể dễ dàng lây cho người khác qua đường hô hấp, còn virus Marburg lây khi phải tiếp xúc rất gần hoặc tiếp xúc trực tiếp với người bệnh.

"Bệnh chỉ lây từ người qua người khi có các cử chỉ gần gũi như ôm hôn, quan hệ tình dục… hay tiếp xúc trực tiếp với máu người bệnh, từ sữa mẹ… nên khả năng lây truyền là không cao như COVID-19. Việc bùng phát dịch bệnh Marburg cũng không dễ, ở Nhật Bản cũng chưa có trường hợp nào bị mắc căn bệnh này và theo như tôi đánh giá thì khả năng virus lây truyền sang Việt Nam là không cao", PGS.TS Toshie nhận định.

Virus Marburg không dễ lây như COVID – 19 nhưng đặc biệt nguy hiểm - Ảnh 2.

PGS.TS Toshie của Đại học Nagoya, Nhật Bản.

Tuy nhiên, Chuyên gia Toshie cũng khuyến cáo, việc bùng phát dịch có thể khó xảy ra, nhưng mọi người vẫn cần phải có những biện pháp đề phòng nghiêm ngặt, kiểm soát chặt chẽ, bởi nếu để bị mắc bệnh thì sẽ vô cùng nguy hiểm vì tỷ lệ tử vong của bệnh này rất cao.

Đồng quan điểm trên, PGS.TS Đỗ Duy Cường - Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới - Bệnh viện Bạch Mai cho rằng, cần thận trọng nhưng không nên quá lo ngại với căn bệnh này. Bởi loài vật trung gian để truyền bệnh là loại dơi ăn quả gây bệnh Marburg chỉ có ở châu Phi, tại Việt Nam không có. Từ tiếp xúc với dơi ăn quả mới có thể gây bệnh sau đó mới có thể từ người sang người.

Hơn nữa, điều đáng lo ngại nhất là những bệnh lây truyền qua đường hô hấp vì tính chất lây truyền nhanh, nhưng đối với virus Marburg, chỉ có thể lây truyền khi tiếp xúc gần. Ngoài ra, căn bệnh do virus này gây ra nguy hiểm nhưng hiện tại chưa đủ yếu tố để lan ra toàn cầu cũng như đến Việt Nam.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), thời gian ủ bệnh Marburg là từ 2 ngày đến 3 tuần. Các triệu chứng bắt đầu đột ngột với sốt dữ dội và đau đầu. Vài ngày sau khi khởi phát, nhiều bệnh nhân bị nôn mửa, tiêu chảy và đau bụng kéo dài tới một tuần.

Các trường hợp nặng có kèm theo chảy máu trong tuần đầu tiên. Một số bệnh nhân nôn ra máu hoặc đi ngoài ra máu. Bệnh nhân cũng bị chảy máu nướu răng, ở mũi và cơ quan sinh dục. Bệnh có thể lan đến hệ thần kinh khiến người bệnh trở nên lú lẫn, dễ cáu gắt và hung dữ.

Hầu hết các trường hợp tử vong sau hơn một tuần mắc bệnh, thường đi kèm với sốc và mất máu nghiêm trọng.

Mời bạn đọc xem tiếp video: Bộ Y tế yêu cầu giám sát chặt, phòng bệnh Marburg đặc biệt nguy hiểm xâm nhập

Bộ Y Tế Yêu Cầu Giám Sát Chặt, Phòng Căn Bệnh Truyền Nhiễm Đặc Biệt Nguy Hiểm Xâm Nhập - SKĐS


Quỳnh Mai
Ý kiến của bạn