Nhằm mang đến những thông tin bổ ích cũng như giải đáp các thắc mắc thường gặp về bệnh Glôcôm, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với BS.CKII. Tăng Hồng Châu - Hội viên Hội phẫu thuật thủy tinh thể và tật khúc xạ Hoa Kỳ (ASCRS) - Giám đốc Bệnh viện Mắt Sài Gòn Lê Thị Riêng với 32 năm kinh nghiệm trong ngành Nhãn khoa và ThS.BS. Nguyễn Phú Tùng - Giám đốc Bệnh viện Mắt Sài Gòn Ngô Gia Tự với hơn 26 kinh nghiệm điều trị các bệnh về mắt, đặc biệt là bệnh Glôcôm.
PV: Xin chào BS.CKII. Tăng Hồng Châu và ThS.BS. Nguyễn Phú Tùng. Theo thống kê từ Tổ chức Y tế Thế giới, Glôcôm là nguyên nhân gây mù loà đứng thứ hai hiện nay. Tuy nhiên nhiều người Việt Nam còn xa lạ và chưa có nhiều thông tin về căn bệnh này. Vậy bác sĩ có thể cho biết Glôcôm là gì và có bao nhiêu loại Glôcôm thường gặp được không ạ?
BS.CKII. Tăng Hồng Châu: Bệnh Glôcôm hay còn gọi là bệnh cườm nước hay thiên đầu thống là bệnh lý ở mắt khi hệ thống thoát thủy dịch bị tắc nghẽn, khiến nhãn áp tăng cao dẫn đến tổn thương thị lực.
Bệnh Glôcôm thường được phân thành 2 loại là Glôcôm góc mở và Glôcôm góc đóng. Trong đó Glôcôm góc mở là dạng phổ biến nhất chiếm hơn 90% số ca.
- Glôcôm góc mở: Thủy dịch vẫn đến được hệ thống thoát dịch, nhưng không thoát được do đường thoát bị tắc nghẽn, làm nhãn áp tăng cao, gây tổn thương thần kinh thị giác.
- Glôcôm góc đóng: Thủy dịch không thể đến hệ thống thoát dịch, nên bị ứ đọng, khiến nhãn áp tăng cao và gây tổn thương trong thời gian ngắn. Dấu hiệu đột ngột, có thể xuất hiện các triệu chứng như đau nhức mắt dữ dội, giảm thị lực trầm trọng, buồn nôn và cần phải được cấp cứu.
PV: Đối tượng nào sẽ có nguy cơ mắc Glôcôm thưa bác sĩ?
ThS.BS. Nguyễn Phú Tùng: Bất kỳ độ tuổi nào cũng có nguy cơ mắc bệnh Glôcôm, kể cả trẻ em hoặc thanh thiếu niên. Đặc biệt thời gian gần đây đối tượng mắc phải Glôcôm đang dần trẻ hoá và tăng lên một cách đáng báo động. Một số đối tượng có nguy cơ cao mắc Glôcôm cần chú ý gồm những người:
- Có bố mẹ hoặc anh chị em ruột bị Glôcôm.
- Trên 40 tuổi.
- Nhãn áp cao.
- Đang bị tiểu đường, tăng huyết áp.
- Có tiền sử dụng corticoid kéo dài.
- Cận thị hoặc viễn thị nặng.
Ngoài ra, một số nguyên nhân khác có thể dẫn đến bệnh Glôcôm có thể kể đến như:
- Các thuốc dùng trong điều trị bệnh Parkinson, động kinh, trầm cảm, dị ứng, rối loạn tiền liệt tuyến… có thể gây khởi phát cơn góc đóng.
- Steroids dùng trong thuốc nhỏ điều trị viêm kết mạc/viêm màng bồ đào, thuốc xịt điều trị hen phế quản, kem thoa da… cũng có thể gây khởi phát Glôcôm.
- Một số chấn thương gây tổn thương cấu trúc góc, xuất huyết tiền phòng, viêm dẫn đến Glôcôm thứ phát.
PV: Thưa bác sĩ, tại sao Glôcôm lại có biệt danh là "kẻ cắp ánh sáng thầm lặng" và bệnh lý này sẽ ảnh hưởng đến thị lực bệnh nhân như thế nào ạ?
BS.CKII. Tăng Hồng Châu: Glôcôm là loại bệnh tiến triển âm thầm, gần như không có dấu hiệu gì trong giai đoạn đầu, bệnh chỉ được phát hiện sớm nếu bệnh nhân khi khám mắt định kỳ. Điều này khiến bệnh nhân rất khó phát hiện và chữa trị kịp thời, hầu hết mọi người chỉ đi khám khi gặp những dấu hiệu nghiêm trọng như suy giảm thị lực rõ rệt, đau đầu dữ dội, buồn nôn,...
Thời gian mắc Glôcôm càng lâu thì thị lực càng tổn thương nghiêm trọng, hậu quả lớn nhất nếu không chữa trị kịp thời chính là mũ vĩnh viễn. Hiện nay, Glôcôm là nguyên nhân gây mù phổ biến đứng thứ hai ở nhiều khu vực trên thế giới.
PV: Vậy bác sĩ có thể cho biết nếu phát hiện trong giai đoạn đầu, bệnh Glôcôm có thể chữa khỏi hoàn toàn được không ạ?
BS.CKII. Tăng Hồng Châu: Bệnh nguy hiểm ở chỗ không có thuốc hoặc phẫu thuật nào có thể phục hồi được những tổn thương thị giác mà Glôcôm gây ra. Bệnh không thể điều trị khỏi hoàn toàn, những bệnh nhân đến điều trị chỉ có thể giữ được phần thị lực còn lại và phải tiếp tục duy trì sử dụng thuốc suốt đời. Các loại thuốc điều trị chỉ có tác dụng làm chậm tiến trình của bệnh chứ không đảo ngược được tình trạng. Nếu bệnh nhân tự ý ngưng dùng thuốc thì bệnh sẽ chuyển sang giai đoạn nặng và có nguy cơ bị mù vĩnh viễn.
PV: Làm cách nào để phòng tránh và chữa trị được căn bệnh này thưa bác sĩ?
ThS.BS. Nguyễn Phú Tùng: Việc khám mắt định kỳ và tầm soát bệnh thường xuyên để điều trị sớm là vô cùng quan trọng. Đây là phương pháp duy nhất để có thể phát hiện Glôcôm và chữa trị kịp thời trong giai đoạn vàng. Khi xã hội đang trở lại trạng thái "bình thường mới", mọi người nên tới các bệnh viện chuyên khoa mắt để tầm soát các bệnh về mắt, sớm phát hiện ra các căn bệnh nguy hiểm và "thầm lặng" như bệnh Glôcôm.
Đối với những ai đã mắc bệnh Glôcôm thì việc tuân thủ tái khám định kỳ mỗi 3 tháng và dùng thuốc đều đặn là vô cùng quan trọng. Thuốc điều trị sẽ có tác dụng giữ lại phần thị lực còn lại và giữ cho thị lực không bị giảm sút thêm. Trong một số trường hợp nghiêm trọng như nhãn áp tăng quá cao, Glôcôm trẻ em hoặc góc đóng cấp tính,...các điều trị khác như laser/phẫu thuật thường sẽ được chỉ định theo hướng dẫn của bác sĩ. Bác sĩ sẽ như người bạn đồng hành cùng bệnh nhân Glôcôm, giúp việc chữa trị được diễn ra liên tục và kịp thời.
PV: Trân trọng cảm ơn BS.CKII. Tăng Hồng Châu và ThS.BS. Nguyễn Phú Tùng về những thông tin trên.
Thông qua những chia sẻ trên, BS.CKII. Tăng Hồng Châu và ThS.BS. Nguyễn Phú Tùng nhấn mạnh việc cộng đồng cần tích cực kiểm tra sức khoẻ mắt thường xuyên là vô cùng quan trọng:
- Việc khám/tầm soát bệnh thường xuyên và điều trị sớm là cách duy nhất để nhanh chóng phát hiện và chữa trị Glôcôm trong giai đoạn vàng.
- Phát hiện càng sớm sẽ càng ít tổn thương, thị lực của bệnh nhân sẽ được giữ lại càng nhiều.
- Tùy theo tình trạng của bệnh nhân mà bác sĩ sẽ đưa ra các phương án điều trị phù hợp như sử dụng thuốc nhỏ mắt, điều trị bằng laser, phẫu thuật hoặc kết hợp cả ba phương pháp trên. Trong đó phương pháp điều trị bằng thuốc nhỏ mắt vẫn là phương pháp được khuyến cáo hàng đầu.
Hi vọng qua chia sẻ của bác sĩ, quý vị độc giả sẽ hiểu thêm về căn bệnh Glôcôm cũng như những cách phòng tránh, điều trị bệnh để bảo vệ tốt thị lực của bản thân và gia đình!
Hệ thống Bệnh viện Mắt Sài gòn phối hợp với Công ty TNHH Novartis Việt Nam triển khai chuỗi hoạt động "Cẩn thận với kẻ cắp ánh sáng - Căn bệnh Glôcôm" nhằm tăng cường nhận thức về bệnh tại Việt Nam. Hoạt động cung cấp các kiến thức quan trọng về bệnh Glaucoma (còn gọi là Glôcôm hay tăng nhãn áp), khuyến khích cộng đồng kiểm tra sức khoẻ mắt thường xuyên, hướng đến xây dựng một xã hội khoẻ mạnh và bền vững.
Ngày 23/11/2021, buổi tọa đàm trực tuyến thảo luận về bệnh cũng đã diễn ra với sự tham gia của các chuyên gia, bác sĩ đến từ Hệ thống Bệnh viện Mắt Sài Gòn. Để xem lại buổi phát sóng, vui lòng truy cập tại đây.