Hà Nội

Chuyên gia: Nguy hại khi dùng cát biển thay thế cát sông

03-03-2024 12:39 | Xã hội
google news

SKĐS - Khai thác cát mặn ven biển sẽ làm gia tăng thiếu hụt bùn cát và làm gia tăng xói lở bờ biển. Trong tương lai, chúng ta sẽ phải chấp nhận mất đất, mất nhà để lấy cát làm đường...

Bắt quả tang tàu khai thác cát trái phép lúc rạng sángBắt quả tang tàu khai thác cát trái phép lúc rạng sáng

SKĐS – Rạng sáng 28/12, trong quá trình làm nhiệm vụ tại địa bàn giáp ranh giữa Hà Nội và Hưng Yên, lực lượng chức năng đã phát hiện 1 phương tiện thuỷ có hành vi khai thác cát trái phép trên sông Hồng.

Cát nhân tạo không thể thay thế cát tự nhiên

Ngày 1/3, Thủ tướng trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội Nguyễn Huy Thái, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bạc Liêu, về giải pháp sử dụng cát nhân tạo thay thế cát tự nhiên cho dự án giao thông tại đồng bằng sông Cửu Long. Theo Thủ tướng, hiện nay nhu cầu sử dụng vật liệu san lấp, đắp nền cho các dự án tại đồng bằng sông Cửu Long rất lớn. Riêng 4 dự án cao tốc trọng điểm đang triển khai cần khoảng 56 triệu m3, chưa kể nhu cầu vật liệu cát để đắp nền cho các dự án khác do địa phương làm chủ đầu tư.

Chuyên gia: Nguy hại khi dùng cát biển thay thế cát sông- Ảnh 2.

Chuyên gia cảnh báo hệ lụy nghiêm trọng khi gia tăng khai thác cát biển.

Nếu sử dụng cát nhân tạo (được nghiền từ các loại đá) để thay thế hoàn toàn cát tự nhiên thì cần khai thác các mỏ đá với khối lượng rất lớn cũng như phải bố trí rất nhiều dây chuyền sản xuất mới đáp ứng đủ nhu cầu và có giá thành cao hơn nhiều so với cát tự nhiên. Việc áp dụng giải pháp này để thay thế hoàn toàn cát tự nhiên tại đồng bằng sông Cửu Long là không khả thi. Vì thế, cát nhân tạo chỉ được ưu tiên sử dụng ở một số hạng mục với khối lượng không lớn như sản xuất bêtông nhựa, bêtông xi măng...

Để đáp ứng kịp thời nguồn cát đắp cho các dự án giao thông ở đồng bằng sông Cửu Long, Bộ Giao thông Vận tải đã triển khai Dự án thí điểm sử dụng nguồn cát biển thay thế cát sông. Kết quả cho thấy cát biển ở tỉnh Trà Vinh đáp ứng các yêu kỹ thuật làm nền đường ôtô, có thể sử dụng cát biển/cát nhiễm mặn đắp nền đường ôtô trong điều kiện nhiễm mặn tương tự như khu vực thí điểm.

PGS.TS Vũ Thành Ca, giảng viên cao cấp Đại học Tài nguyên và môi trường Hà Nội phản đối phương án dùng cát biển thay thế cát sông. Theo ông, hàng năm sóng luôn đưa một thêm một lượng cát ra xa và do vậy bờ mất thêm cát. Lượng cát này trong điều kiện tự nhiên thì sẽ được các sông đưa về bồi đắp vào. Hiện nay, vì các đập thủy điện đã chặn hết cát thượng nguồn rồi nên bờ biển Việt Nam, đặc biệt là đồng bằng sông Cửu Long và Đồng bằng sông Hồng đang xói lở rất mạnh.

Việc khai thác cát biển sẽ là tác nhân gây nên sụt lún, bản thân phù sa khi lắng đọng sẽ bị nèn chặt tự nhiên và giảm thể tích. Hiện tượng nèn chặt này sẽ gia tăng khi có các công trình xây dựng như nhà cửa, đường sá... đè ở trên. Thông thường, sụt lún đất do hiện tượng này sẽ được phù sa hàng năm bồi đắp bù vào mùa nước nổi. Hiện nay, các đập thủy điện đã chặn hết phù sa thượng nguồn rồi nên đồng bằng sông Cửu Long và Đồng bằng sông Hồng của Việt Nam đang sụt lún mạnh. Việc gia tăng khai thác cát biển sẽ để lại hậu quả khôn lường như gia tăng nước biển dâng.

"Khai thác cát mặn ven biển sẽ làm gia tăng thiếu hụt bùn cát và làm gia tăng xói lở bờ biển. Trong tương lai, chúng ta hoặc là chấp nhận mất đất, mất nhà để lấy cát làm đường, hoặc là tốn rất rất nhiều tiền để xây dựng các công trình phá sóng, bảo vệ bờ", PGS.TS Vũ Thành Ca nói.

Về giải pháp làm cát cát nhân tạo bằng đá để san nền, theo PGS.TS Vũ Thành Ca là không nên vì trong thực tế Việt Nam ta không có nhiều đá, mà phá đá sẽ gây ra rất nhiều hệ lụy về kinh tế, môi trường sinh thái.

Chuyên gia môi trường độc lập Đào Nhật Đình cũng chung quan điểm này. Ông cho rằng việc gia tăng khai thác cát ở Đồng bằng sông Cửu Long chẳng khác nào "đào mồ chôn chính mình" bởi khu vực này đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi sụt lún, nước biển dâng. Gia tăng khai thác cát sẽ khiến đồng bằng sông Cửu Long "chìm" nhanh hơn, ảnh hưởng vô cùng xấu đến môi trường.

"Khai thác cát biển cực kỳ nguy hiểm, ngoài làm mặn hóa vùng đất xung quanh còn gây ra các hệ lụy khủng khiếp. Cát biển có thể phá được tới 95% năng lượng sóng; trong khi công trình nhân tạo chỉ phá được tối đa khoảng 40% tới 50%. Chi phí bảo vệ để ứng phó với lượng năng lượng sóng còn lại vô cùng tốn kém", PGS.TS Vũ Thành Ca.

Nên tận dụng tro xỉ nhà máy nhiệt điện

Với thực tế nguồn tài nguyên cát sông ngày càng khan hiếm, đặc biệt là trong bối cảnh ngành GTVT đang triển khai các dự án xây dựng đường ô tô trên cả nước (nhất là tại khu vực đồng bằng Sông Cửu Long), việc cung ứng kịp thời vật liệu cát sông phục vụ cho các dự án đang gặp nhiều khó khăn, vì vậy yêu cầu cấp bách là cần phải nghiên cứu, thử nghiệm nhằm tìm ra loại vật liệu thay thế cho cát sông nhằm đáp ứng nhu cầu trong tương lai.

Giải pháp nào cho bài toán thiếu cát để thực hiện các công trình giao thông? PGS.TS Vũ Thành Ca đề xuất, để có chất san lấp cho các cao tốc ở Đồng bằng sông Cửu Long là dùng tro xỉ các nhà máy nhiệt điện than. Giải pháp tốt nhất là dùng tro xỉ các nhà máy nhiệt điện than ở miền Trung, miền Nam để san nền. Trước đây, chúng ta đã sử dụng tro xỉ than để lát đường, lát sân, đóng gạch xây nhà. Hiện nay, tro xỉ các nhà máy nhiệt điện đã được chứng nhận hợp chuẩn và việc sử dụng tro xỉ nhiệt điện để san nền phù hợp với các quy định pháp luật của Việt Nam.

Riêng về phương án xử dụng tro xỉ nhiệt điện, nhóm nghiên cứu gồm các nhà khoa học của Trường Đại học Xây dựng Hà Nội cho hay, nhìn chung chất lượng các loại vật liệu đầu vào không đồng đều tùy thuộc vào công nghệ, nguồn... 

Hiện nguồn cung về tro, xỉ nhiệt điện tại Việt Nam là rất lớn, tới từ 30 nhà máy nhiệt điện, mỗi năm có khoảng 16 triệu tấn. Hành lang pháp lý và kỹ thuật để sử dụng tro, xỉ nhiệt điện làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng và vật liệu san lấp đã được hoàn thiện, ban hành, bao gồm các Nghị định, Thông tư và hệ thống tiêu chuẩn, chỉ dẫn kỹ thuật, định mức kinh tế kỹ thuật.

Các nhà máy nhiệt điện hiện cũng đang tích cực hỗ trợ cho các đơn vị xử lý, tiêu thụ để bù đắp chi phí vận chuyển tro xỉ đến các công trình xây dựng giao thông có vị trí không quá xa so với nơi phát thải để thay vật liệu san nền là cát sông. Cùng với các giải pháp kỹ thuật hợp lý, việc sử dụng tro xỉ làm vật liệu san lấp, nền đường ô tô tại các khu vực gần nguồn tro xỉ sẽ đem lại hiệu quả kinh tế - kỹ thuật so với việc sử dụng vật liệu san lấp truyền thống đang càng ngày càng khan hiếm.

Bộ Xây dựng cho biết, việc sử dụng tro, xỉ, thạch cao phát thải từ các nhà máy nhiệt điện, hóa chất, phân bón, sản xuất thép và các cơ sở công nghiệp khác làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng và trong công trình xây dựng là phù hợp với chủ trương của Chính phủ tại các Quyết định số 1696/QĐ-TTg ngày 23/9/2014, Quyết định số 452/QĐ-TTg ngày 12/4/2017 của Thủ tướng Chính phủ.

Tàu hết đăng kiểm ngang nhiên hút cát bán ngay trên sôngTàu hết đăng kiểm ngang nhiên hút cát bán ngay trên sông

SKĐS - Ngày 17/1, Phòng Cảnh sát giao thông, Công an thành phố Hà Nội đã tiếp nhận hồ sơ vụ việc hút cát trái phép trên sông Hồng từ Công an tỉnh Hưng Yên để tiếp tục xác minh, làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật.

Xem thêm video đang được quan tâm:

Dự báo thời tiết hôm nay ngày 3/3: Miền Bắc đột ngột nắng nóng sau chuỗi ngày rét đậm /SKĐS


Tô Hội
Ý kiến của bạn