Chuyên gia môi trường ủng hộ làm hồ chứa nước Ka Pét ở Bình Thuận

10-09-2023 07:47 | Xã hội

SKĐS - PGS.TS Vũ Thanh Ca, giảng viên cao cấp Đại học Tài nguyên và môi trường Hà Nội phân tích các yếu tố cần thiết xây dựng hồ chứa nước Ka Pét (Bình Thuận) và giải pháp ít xâm hại đến môi trường.

Giải pháp nào cho dự án hồ chứa nước Ka Pét ở Bình Thuận để không phải 'khai thác' 600 ha rừng?Giải pháp nào cho dự án hồ chứa nước Ka Pét ở Bình Thuận để không phải "khai thác" 600 ha rừng?

SKĐS - Dư luận đang rất quan tâm trước thông tin hàng trăm ha đất rừng sẽ phải dành cho dự án hồ thủy lợi Ka Pét ở huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận.

Có cần xây hồ Ka Pét?

PGS.TS Vũ Thành Ca phân tích, do ảnh hưởng bởi điều kiện tự nhiên, tỉnh Bình Thuận là một trong những tỉnh có nguồn nước khan kiếm vào loại bậc nhất ở nước ta. Tài nguyên nước tỉnh Bình Thuận bao gồm tài nguyên nước mặt và tài nguyên nước dưới đất. Bình Thuận là tỉnh có tiềm năng tài nguyên nước dưới đất kém phong phú, nguồn nước dưới đất ven biển bị nhiễm mặn ở nhiều nơi. Nước dưới đất tại nhiều vùng núi bị nhiễm phèn. Do vậy, nước mặt đóng vai trò chính trong việc cung cấp nước cho các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Các sông, suối đa số có lưu vực hẹp, độ dốc lòng sông lớn, dòng chảy phụ thuộc vào lượng mưa, nhiều sông suối không có nước vào mùa khô. Riêng sông La Ngà có dòng chảy dồi dào hơn do mưa nhiều và lưu vực ngoài tỉnh rộng. Lượng dòng chảy mùa lũ trên các sông khu vực phía Nam chiếm từ 75 - 85%, mùa cạn từ 15 - 25% dòng chảy năm; lượng dòng chảy mùa lũ trên các sông khu vực trung tâm từ 60 - 75%, mùa cạn từ 25 - 40% dòng chảy năm; lượng dòng chảy mùa lũ các sông khu vực phía Bắc từ 35 - 45%, mùa cạn từ 55 - 65% lượng dòng chảy năm.

Chuyên gia môi trường ủng hộ làm hồ chứa nước Ka Pét (Bình Thuận) - Ảnh 2.

Hồ chứa nước Ka Pét sẽ giải bài toán thiếu nước sản xuất cho Bình Thuận.

Hàng năm tổng lượng bốc hơi tại Bình Thuận được ước tính đạt từ 1.000 - 1.111 mm, phân bố không đều theo các tháng. Các tháng mùa khô từ tháng 12 năm trước đến đầu tháng 5 năm sau dao động từ 100 - 145 mm, trong đó tháng có tổng lượng bốc hơi cao nhất là tháng 3 dao động từ 130 - 145 mm. Sang các tháng mùa mưa tổng lượng bốc hơi giảm rõ rệt, dao động từ 76 - 116 mm và tháng có tổng lượng bốc hơi nhỏ nhất là tháng 10, dao động từ 82 - 86 mm; trùng với thời gian mùa mưa chính. Tại một số khu vực khô hạn, do nắng nhiều, nhiệt độ cao và gió thổi mạnh, lượng bốc thoát hơi lên tới 1.200-1.400 mm/năm, gần như gấp đôi lượng mưa.

"Như vậy, có thể thấy là tại nhiều nơi của Bình Thuận, lượng bốc hơi năm lớn hơn lượng mưa nên đất về cơ bản luôn ở trạng thái khô hạn. Nếu như không có nguồn bổ sung, trong những năm hạn nặng Bình Thuận sẽ bị thiếu nước cực kỳ nghiêm trọng vào mùa khô", PGS.TS Vũ Thành Ca phân tích.

"Có nhiều ý kiến cho rằng Bình Thuận nên bỏ trồng trọt để tập trung làm công nghiệp và dịch vụ. Bình Thuận là địa phương có rất nhiều đặc sản nông nghiệp quý, có tiếng tăm trong phạm vi trong nước và quốc tế. Việc duy trì sản xuất nông nghiệp, tận dụng những tiềm năng của đất đai và đảm bảo sinh kế cho người dân không những đảm bảo an sinh xã hội mà còn tạo ra những giá trị gia tăng cho du lịch, nghỉ dưỡng, dịch vụ, là những ngành kinh tế chủ đạo của địa phương", PGS.TS Vũ Thành Ca.

Để giải quyết bài toán thiếu nước, khắc phục những biến động của thời tiết và tác động của biến đổi khí hậu, cần phải trữ lượng nước vào mùa mưa để sử dụng cho cả năm, đặc biệt là vào mùa khô, tức là làm hồ chứa. Hồ Ka Pét cùng hệ thống kênh dẫn nước sẽ cấp nước sinh hoạt cho người dân thành phố Phan Thiết, khu vực Hàm Thuận Nam, cấp nước cho sản xuất công nghiệp, nước tưới tiêu và các ngành kinh tế khác.

Có đáng không nếu phải hy sinh hơn 600 ha rừng để làm hồ Ka Pét?

PGS.TS Vũ Thành Ca khẳng định, rừng là một sinh cảnh cực kỳ quan trọng, cung cấp những dịch vụ môi trường tối quan trọng cho con người. Đặc biệt, rừng đặc dụng nằm trong các khu bảo tồn thiên nhiên cần được bảo vệ một cách nghiêm ngặt và chỉ được chuyển đổi mục đích sử dụng theo đúng các quy định của pháp luật.

"Tuy nhiên, tầm quan trọng của rừng không có nghĩa là hoàn toàn không được phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng. Theo các thông tin tôi được biết, khu vực chuyển đổi rừng thành lòng hồ thủy lợi chủ yếu là khu vực rừng nghèo; và khoảng 137 ha rừng đặc dụng được chuyển đổi là khu vực rừng nghèo nhất của khu bảo tồn thiên nhiên Núi Ông. Cần chú ý rằng ngoài khu bảo tồn thiên nhiên Núi Ông, trước đây các cây gỗ to, có giá trị của khu vực rừng dự kiến thành lòng hồ đã bị khai thác.

Mãi tới năm 2002 tới nay mới có chủ trương đóng cửa rừng. Rừng mất khu vực lòng hồ cũng là rừng thứ sinh chứ không phải nguyên sinh. Như vậy, thiệt hại do mất rừng cũng thấp hơn rất nhiều. Các tính toán ban đầu của tôi về giá trị các dịch vụ môi trường mà rừng mang lại cũng như hồ mang lại cho thấy việc hồ sẽ mang lại các giá trị dịch vụ môi trường lớn hơn nhiều lần so với rừng", PGS.TS Vũ Thành Ca cho biết.

Tất nhiên, việc xây dựng một loạt các hồ chứa để đảm bảo cung cấp nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất sẽ gây ra những tác động nhất định tới môi trường và hệ sinh thái. Các tác động này có thể là những tác động tốt và tác động xấu. Đối với các hồ chứa và khu vực thượng nguồn các hồ chứa, việc tạo được một khu vực chứa nước trong hồ sẽ giúp tạo sinh cảnh mới, sinh cảnh đất ngập nước, với các điều kiện môi trường thuận lợi cho các động, thực vật thủy sinh và tôm, cá phát triển. Mực nước trong hồ cũng làm dâng cao mực nước dưới đất ở các khu vực xung quanh hồ, giúp các hệ sinh thái tại khu vực xung quanh hồ có đủ nước và phát triển tốt hơn.

Việc cung cấp đủ nước tưới cây tại một số khu vực canh tác nông nghiệp sẽ cải thiện môi trường và hệ sinh thái khu vực đất canh tác nông nghiệp, do vậy cũng là một tác động tốt tới môi trường và hệ sinh thái đất canh tác. Các hồ chứa cũng cung cấp nguồn nước cho sinh hoạt, hoạt động công nghiệp, du lịch, dịch vụ. Những lợi ích kinh tế - xã hội do hồ chứa cung cấp tính bằng tiền sẽ rất lớn.

Tuy nhiên, các hồ chứa này sẽ làm ngập và do vậy chuyển một số khu vực rừng thành khu vực có mặt nước, tức là tác động xấu tới hệ sinh thái rừng. Việc di dân khỏi khu vực lòng hồ sẽ yêu cầu tạo quỹ đất mới, có thể dẫn tới phá rừng hoặc khai hoang các khu đất hoang, và do vậy cũng sẽ ảnh hưởng tới hệ sinh thái rừng và một số hệ sinh thái hoang dã khác.

"Xây dựng hồ Ka Pét không phải di dời dân. Việc cung cấp nước từ hồ vào mùa khô có tác động tốt tới khu vực tỉnh Bình Thuận, là nơi đang thiếu nước trầm trọng. Xây dựng hồ Ka Pét có đầy đủ các tác động tốt nêu trên, trong khi không có hết các tác động xấu. Với các luận chứng nêu trên, tôi ủng hộ phương án làm hồ Ka Pét", PGS.TS Vũ Thành Ca cho hay.

Việc trồng rừng thay thế rừng sẽ mất hoàn toàn có hiệu quả tạo được thảm thực vật giống như rừng tự nhiên. Vấn đề là trồng rừng phải trồng các cây bản địa chứ không phải cây ngoại lai và không kết hợp trồng rừng với trồng các cây hoa màu ngắn ngày, dọn sạch cỏ ở mặt đất rừng. Có thể làm được việc này bằng cách sử dụng hạt giống, cây giống lấy từ khu rừng bị mất hoặc các khu rừng lân cận để trồng.

Trồng rừng xong cần chăm sóc, giám sát và bảo vệ thật chặt chẽ. Phải đảm bảo sau khi trồng, không cho ai được xâm phạm, làm thay đổi quá trình tự nhiên của đất rừng. Nếu làm tốt, sau một thời gian thì hệ sinh thái rừng tự nhiên sẽ phục hồi. Nhất là khu vực dự kiến trồng rừng nằm ở trong hoặc cạnh khu bảo tồn thiên nhiên Núi Ông. Các khu vực này có lượng mưa vừa phải. Nếu chăm sóc và bảo vệ tốt, do có nước nên thảm thực nhiều tầng tại các khu vực rừng trồng sẽ nhanh chóng khôi phục. Tôi cho rằng trong khoảng thời gian từ 10 năm tới 20 năm, việc trồng đúng phương pháp, chăm sóc, quản lý và bảo vệ tốt sẽ giúp ta có những khu rừng trồng có chất lượng với thành phần loài của động, thực vật gần giống rừng tự nhiên.

Trồng rừng thay thế ở dự án hồ thủy lợi Ka Pét cần ưu tiên cây bản địaTrồng rừng thay thế ở dự án hồ thủy lợi Ka Pét cần ưu tiên cây bản địa

SKĐS - Bình Thuận là một trong những tỉnh khô hạn nhất Việt Nam, khi trồng rừng thay thế, cần tổ chức trồng các loại cây rừng bản địa, bởi chúng có tác dụng phòng hộ bảo vệ nguồn nước, chống xói mòn, sạt lở đất...

Xem thêm video đang được quan tâm:

Trưa 9/9: 4 Đối Tượng Đập Phá Cơ Sở Cai Nghiện, Dùng Gạch Tấn Công Lực Lượng Công An | SKĐS



Tô Hội
Ý kiến của bạn