Vào sáng ngày 13/5, trong lúc thực hiện một động tác khó, vận động viên Wushu Nguyễn Văn Phương đã bất ngờ ngã xuống sàn và không thể đứng dậy. Đối với một vận động viên, điều đó thật đáng tiếc vô cùng. Vậy làm thế nào để phòng tránh các chấn thương có thể xảy ra?
Báo Sức khỏe & Đời sống đã trao đổi cùng BS. Nguyễn Tiến Lộc - Bác sĩ điều trị tại Khoa Y học Thể thao, Viện Chấn thương Chỉnh hình – Bệnh viện Quân Y 175 – nơi đang trực tiếp điều trị cho "Nữ hoàng tốc độ" Lê Tú Chinh do chấn thương gối.
Khoảnh khắc VĐV Nguyễn Văn Phương ngã quỵ trên sàn đấu vì chấn thương. Video: Tuấn Anh.
- Thưa bác sĩ, hiện nay người hâm mộ lo lắng và thắc mắc liên quan đến tình trạng chấn thương của VĐV Nguyễn Văn Phương. Thông thường, để chấn thương khớp gối tới mức gục ngã tại sàn thi đấu thì cần phải có một lực tác động từ bên ngoài. Nhưng ở trường hợp Nguyễn Văn Phương tự gặp chấn thương sau một tình huống xoay người, ngã xuống sàn và không thể tiếp tục thi đấu. Bác sĩ lý giải như thế nào về điều này?.
Nhìn chung, một chấn thương khớp gối có thể do hai nguyên nhân. Do lực tác động trực tiếp từ bên ngoài vào (ví dụ như va chạm trực tiếp trong bóng đá), và lực tác động gián tiếp (do đáp chân sai tư thế, hoặc do một chấn thương từ trước làm tổn thương sụn trong khớp gối).
Ở trường hợp của Nguyễn Văn Phương, tuy chưa có câu trả lời cụ thể từ Ban huấn luyện viên, nhưng chúng ta có thể nghi ngờ đến tổn thương do lực tác động gián tiếp. Nhiều ý kiến cho rằng vấn đề mà Nguyễn Văn Phương đang phải đối mặt là các tổn thương liên quan đến khớp gối, cụ thể là dây chằng.
- Vậy với lực tác động gián tiếp như thế, có thể gây ra những tổn thương như thế nào cho VĐV Nguyễn Văn Phương?
Ở trường hợp của Nguyễn Văn Phương, anh ấy vừa đáp chân xuống sau khi thực hiện một động tác khó, dẫn đến khớp gối bị vặn xoắn trong khi đang phải chịu gần như toàn bộ trọng lượng cơ thể. Với cơ chế như trên, bộ phận có khả năng bị tổn thương lớn nhất là sụn chêm, là phần sụn đệm nằm giữa khớp gối.
Ở người bình thường, sụn chêm là cấu phần "giảm sốc" tự nhiên của cơ thể, giúp chúng ta đi lại, chạy bộ cảm thấy nhẹ nhàng hơn. Khi khớp gối bị vặn xoắn, cộng thêm tác động của trọng lực, sẽ khiến sụn chêm bị xé rách. Bên cạnh sụn chêm, dây chằng cũng là thành phần dễ bị tổn thương khi gặp phải lực tác động như thế này.
Tổn thương sụn chêm và dây chằng ở bên trong khớp gối đều có thể khiến cho Nguyễn Văn Phương không thể đứng dậy và đi lại ngay lập tức. Sau khi dây chằng bị đứt và sụn chêm rách có thể kẹt giữa khớp gối khiến cho người bị tai nạn bị kẹt khớp gối và gây đau đớn rất nhiều.
- Đối với một chấn thương như thế, điều gì cần được thực hiện đầu tiên để giảm các tác hại về sau?
Ở trường hợp sụn chêm rách bị kẹt trong khớp gối, đây là một tình trạng cấp cứu, không nên cố vặn khớp gối để sụn chêm vào vị trí cũ mà nên đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được sơ cứu đúng cách. Nếu như khớp gối không kẹt, có thể nẹp cố định và chườm đá nhằm mục đích giảm đau cho người gặp nạn.
Trong thời gian chưa được các BS chuyên ngành Y học Thể thao đánh giá, người bị chấn thương khớp gối không nên quay lại chơi thể thao vì có thể điều này sẽ khiến tình trạng tổn thương lặp lại, hoặc trầm trọng hơn.
Đặc biệt, sụn chêm là một thành phần rất quý của cơ thể, nên hiện nay quan điểm điều trị của ngành Y học Thể thao luôn hướng đến bảo tồn tối đa như khâu sụn chêm rách thay vì cắt bỏ một phần. Một khớp gối mà sụn chêm bị tổn thương, nếu không nhận được chăm sóc y tế, sẽ khiến khớp gối bị thoái hóa sớm, về lâu dài điều trị sẽ rất tốn kém.
- Vậy làm sao để phòng tránh các chấn thương có thể xảy ra như trường hợp của VĐV Wushu Nguyễn Văn Phương?
Đối với những người chơi thể thao nghiệp dư, điều quan trọng nhất là khởi động thật kỹ và luyện tập các tư thế đáp chân đúng trong từng môn thể thao cụ thể. Để tránh các tổn thương không đáng có đối với các lực tác động trực tiếp, chúng ta cần tập luyện để có một cơ đùi khỏe mạnh.
Từ đó, khớp gối được cơ đùi hỗ trợ, sẽ trở nên vững chắc hơn, sức chịu đựng và thích nghi với các lực tác động từ bên ngoài cũng lớn hơn. Ngoài ra, gần đây có một số từ ngữ chuyên môn như "Luyện tập thụ thể không gian", chúng ta có thể hiểu ngắn gọn là "luyện cảm giác chân".
Các vận động viên chuyên nghiệp hầu hết đều phải trải qua các bài tập như vậy. Quay lại với chúng ta là những người chơi thể thao không chuyên, có thể tập cảm giác chân, thăng bằng cơ thể bằng cách tập đứng vững trên gối, hoặc bóng Bosu.
PV: Xin trân trọng cảm ơn bác sĩ!
Mời xem video được quan tâm:
SEA Games 31- Lo ngại chấn thương & cách phục hồi.