Có nhiều nguyên nhân dẫn tới mất cân bằng giới tính khi sinh, tại Việt Nam có 3 nhóm nguyên nhân sau:
1. Văn hóa trọng nam khinh nữ dẫn đến mất cân bằng giới tính khi sinh
Do ảnh hưởng của nền văn hóa châu Á, trọng nam khinh nữ, đánh giá vai trò của nam giới là trụ cột trong gia đình… nên tâm lý ưa thích và mong muốn có con trai để "sau này về già có chỗ dựa dẫm"; "nối dõi tông đường, kéo dài dòng họ"… đã ăn sâu trong tâm thức của nhiều người Việt Nam. Điều này cũng trở thành nền văn hóa truyền thống của người Việt Nam qua nhiều thế hệ. Tâm lý yêu thích con trai là nguyên nhân gốc rễ của hiện tượng mất cân bằng giới tính khi sinh ở Việt Nam.
Theo bà Hà Thị Quỳnh Anh, chuyên gia về giới và nhân quyền của Quỹ Dân số Liên hợp quốc: Nguyên nhân dẫn đến mất cân bằng giới tính khi sinh ở Việt Nam là do việc lựa chọn giới tính trên cơ sở định kiến giới. Nhiều gia đình ở Việt Nam còn mang nặng tư tưởng phải sinh được con trai để nối dõi tông đường, thờ cúng tổ tiên, tăng cường sức lao động và làm chỗ dựa cho cha mẹ khi về già... Tư tưởng này xuất phát từ tư tưởng trọng nam khinh nữ đã hiện hữu trong suy nghĩ, thực hành của người dân Việt Nam từ hàng nghìn năm nay.
2. Hệ thống an sinh xã hội chưa phát triển
Do hệ thống an sinh xã hội cho người cao tuổi ở Việt Nam chưa phát triển, đặc biệt là ở nông thôn, nhiều người già không có lương hưu, hay trợ cấp xã hội… Nhưng với người già họ luôn cần sự chăm sóc về y tế, sức khỏe và tinh thần. Điều này lại phụ thuộc vào khả năng phụng dưỡng của con cái.
Theo quan niệm của gia đình truyền thống, trách nhiệm đó chủ yếu thuộc về con trai. Không phải họ không muốn được con gái chăm sóc, mà vì tâm lý e ngại với con rể và với gia đình thông gia… Vì thế trong mỗi gia đình, cha mẹ luôn cảm thấy lo lắng cho tương lai và bất an khi về già nếu không có con trai.
Hơn nữa, ở nhiều vùng nông thôn, các công việc nặng nhọc đều đòi hỏi sức lao động cơ bắp của nam giới (cày bừa, xây dựng, khuân vác…). Chính vì vậy, con trai vừa là trụ cột về tinh thần, vừa là trụ cột về kinh tế cho cả gia đình.
Tình trạng bất bình đẳng giới vẫn diễn ra hằng ngày ở mỗi gia đình. Nhưng những chính sách giải quyết các vấn đề liên quan đến bất bình đẳng giới chưa thật sự thỏa đáng, cũng góp phần thúc đẩy một số phụ nữ chủ động tìm kiếm các dịch vụ lựa chọn giới tính trước sinh. Những người phụ nữ này cũng tin rằng khi mình có con trai thì sẽ khẳng định được vị trí của mình đối với chồng, gia đình chồng.
Những chuẩn mực xã hội mới, mỗi cặp vợ chồng chỉ sinh từ 1-2 con. Trong khi đó, các cặp vợ chồng vừa mong muốn có ít con, lại mong muốn trong số đó phải có con trai… cũng là nguyên nhân khiến các cặp vợ chồng tìm kiếm và sử dụng các dịch vụ lựa chọn giới tính trước sinh.
3. Sự phát triển của khoa học công nghệ dẫn đến lựa chọn giới tính trước sinh
Chính sự mong mỏi có con trai trong mỗi gia đình cùng với những tiến bộ khoa học công nghệ trong sản khoa… không ít gia đình đã lạm dụng những tiến bộ này để thực hiện lựa chọn giới tính trước sinh.
Cũng theo bà Hà Thị Quỳnh Anh: Tất cả những nguyên nhân trên dẫn đến việc mỗi năm ở Việt Nam có khoảng 40.800 trẻ em gái không được sinh ra (theo Báo cáo Dân số thế giới năm 2020 do Quỹ Dân số Liên hợp quốc thực hiện). Con số này được tính dựa trên sự khác biệt giữa số ước tính trẻ em gái phải được sinh ra theo quy luật tự nhiên và số trẻ em gái thực tế được sinh ra trong một năm.
Ở Việt Nam, Pháp lệnh Dân số đã có quy định nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi dưới mọi hình thức, tuy nhiên việc thực hiện các quy định này chưa nghiêm.
Mời độc giả xem thêm video:
Hướng dẫn tự lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại nhà