Chuyên gia mắt cảnh báo hậu quả do chơi pháo

11-01-2021 13:09 | Camera bệnh viện
google news

SKĐS - Việc mua bán, tàng trữ, sử dụng pháo nổ là hành vi trái pháp luật. Tuy nhiên, pháo lậu nhập từ nước ngoài về, pháo tự chế trong dân... khiến tai nạn do đốt pháo vẫn xảy ra đâu đó... Hậu quả là hàng năm chỉ tính riêng Bệnh viện Mắt Trung ương vẫn có hàng chục ca tai nạn mắt do pháo vào cấp cứu.

Ai đó chứng kiến tai nạn pháo sẽ nhớ cả đời bởi nó gợi lại ký ức đau đớn của chiến tranh, hậu quả và di chứng nặng nề để lại trên nạn nhân, thường là người trẻ, còn cả một tương lai dài trước mắt. Các chuyên gia ngành mắt xếp tai nạn do pháo thuộc vào nhóm chấn thương mắt do hỏa khí.

Pháo nổ là nỗi kinh hãi của cả bác sĩ và bệnh nhân

Ngoài các tổn thương toàn thân như bỏng, cụt chi, dị vật phần mềm... các tai nạn pháo còn gây những tổn thương nghiêm trọng cho mắt bao gồm: Bỏng da mi, bỏng kết giác mạc.  Dị vật bề mặt nhãn cầu, dị vật nội nhãn, dị vật hốc mắt: Có thể do cát, vụn xi, mảnh pháo hoặc đất cát từ hiện trường của vụ nổ pháo bắn vào mắt. Nghiêm trọng hơn, sức ép của vụ nổ pháo có thể xé toang nhãn cầu, làm thoát dịch và mô nội nhãn ra ngoài. Nếu vỏ bọc nhãn cầu còn nguyên vẹn thì sức ép, xung chấn cũng sẽ gây tổn thương các môi trường nội nhãn như phù giác mạc, chảy máu trong, rách đứt mống mắt, sa lệch thể thủy tinh, bong dịch kính, phù và rách vỡ màng Bruch - võng mạc.

Cần nói thêm là các dị vật li ti trên bề mặt giác mạc hoặc dị vật chui được vào trong con mắt sẽ gây hủy hoại các mô mắt, là nguồn nhiễm trùng và viêm nhiễm dai dẳng, đau đớn kéo dài đến vài năm cho nạn nhân cho dù phương tiện phẫu thuật, trình độ bác sĩ và thuốc men đã có những tiến bộ vượt bậc. Thiết nghĩ, chính vì thú vui chết người này kinh khủng như vậy nên Chính phủ mới cấm pháo, cấm buôn lậu và vận chuyển pháo nghiêm ngặt cho đến ngày hôm nay.

 chơi pháoMột trường hợp chấn thương mắt do pháo.

Còn những mối nguy hại khác ngoài pháo nổ

Pháo hoa, pháo sáng, các loại chai nổ tự chế (chai chứa vôi tôi, chai sâmpanh hay cocacola lắc mạnh...) đều có thể là thứ đồ chơi ở những quốc gia không cấm chúng. Ở nước ta khi luật pháp cấm mua bán, tàng trữ và sử dụng trái phép pháo nổ thì pháo thăng thiên, pháo ống Trung Quốc tiếp tục là thủ phạm gây mù lòa, tuy là hãn hữu, trong các đám tiệc, mừng năm mới. Tuy không phát nổ nhưng lao đi với tốc độ tên lửa, cháy và phát nhiệt cao các loại pháo này cũng làm bỏng mắt, vỡ mắt mỗi dịp Tết cho gần chục người, tính riêng bệnh nhân đến khám chữa tại Bệnh viện Mắt Trung ương. Chúng ta vẫn còn nhớ nạn nhân bị bỏng đùi trên sân Mỹ Đình khi đi cổ vũ cho Đội tuyển bóng đá Quốc gia. Quả pháo đó nếu vào vùng mặt thì mắt và gương mặt xinh đẹp của cổ động viên nữ đó sẽ bị hủy hoại thế nào?

Mỹ là quốc gia cho phép chơi đủ các loại pháo trong đó có pháo hoa. Ta thử xem hậu quả của thú vui này bên cạnh niềm vui nó đem lại ra sao ở quốc gia này nhé: Theo thống kê, mỗi năm vào dịp Quốc khánh Mỹ ngày 4/7 có khoảng 10.000 người Mỹ bị tai nạn pháo hoa phải cấp cứu trên cả nước; 65% là những người đứng xem, tuổi khoảng từ 15 trở xuống chiếm 36%. Cá biệt đã có tai nạn chết người do pháo nổ năm 2017 (!)

May thay ở nước ta, pháo hoa phần lớn đều do lực lượng quân đội triển khai và được bảo quản, bảo vệ nghiêm ngặt nên tai nạn pháo hoa rất hiếm gặp. Tuy nhiên, mới đây, Nghị định 137 có hiệu lực từ ngày 11/1/2021 cho phép cơ quan, tổ chức,

doanh nghiệp, cá nhân chỉ cần có năng lực hành vi dân sự đầy đủ sẽ được sử dụng pháo hoa dịp lễ, tết, sinh nhật, cưới hỏi, hội nghị, khai trương, ngày kỷ niệm và trong hoạt động văn hóa nghệ thuật... Đây có thể là sự nới lỏng, khiến  nhu cầu về pháo hoa gia tăng trong tiệc tùng, khai trương, khánh thành... Trước thực tế này, việc nhắc lại những nguy cơ và hậu quả của tai nạn do pháo nói chung và pháo hoa nói riêng thiết nghĩ là cần thiết.

Lời khuyên khi gặp tai nạn mắt do pháo

Tai nạn do pháo hoa, cũng như các loại pháo kể trên gây các tổn thương nghiêm trọng cho mắt, đều là những nguyên nhân gây giảm thị lực hoặc mù lòa.

Khi bị tai nạn do pháo không nên hoảng loạn, nên ghi nhớ những điều sau đây: Tìm kiếm hỗ trợ y tế ngay lập tức. Không day dụi, không rửa mắt.  Không đè ép lên mắt.  Không tự ý tra mỡ hay dùng thuốc giảm đau trước khi đến các trung tâm y tế.

Lưu ý về quy định an toàn

Mặc dù pháo hoa được Nhà nước hoặc chính quyền địa phương quản lý và tổ chức bắn hàng năm vào các dịp lễ Tết, hay do tổ chức, cá nhân có đủ năng lực hành vi thực hiện nhưng khi đi xem pháo hoa, đốt pháo hoa để đảm bảo an toàn chúng ta cần lưu ý các điều sau: Tôn trọng hàng rào bảo vệ của khu vực bắn pháo hoa, tuân thủ các quy định an toàn, xem pháo hoa cách điểm bắn ít nhất là khoảng 160 m. Không cầm nắm, nhìn ngó vào các quả pháo chưa nổ. Không nghịch ngợm các công cụ trợ giúp, các mảnh văng, các chi tiết còn sót lại của pháo hoa. Chúng đều có nhiệt độ cao, có hóa chất có thể gây bỏng. Trẻ em đi xem pháo hoa cần có một người lớn giám sát.  Không chơi đùa, chạy nhảy khi pháo đang bắn. Dọn dẹp các vật liệu dễ cháy, lá khô, cỏ khô khỏi vùng bắn pháo hoa.  Chuẩn bị nước hoặc bột khô để dập các mảnh pháo cháy dở.

Một mùa xuân mới, mùa xuân của hy vọng, của những mong ước thoát khỏi và kiểm soát được dịch bệnh, vượt lên những khó khăn của kinh tế toàn cầu sắp đến! Chúc an toàn và an lành cho mọi người!


TS.BS. Hoàng Cương (BV Mắt TW)
Ý kiến của bạn