Hà Nội

Chuyên gia mách một số giải pháp giúp trẻ em hạn chế sử dụng thiết bị di động

05-09-2019 15:30 | Đời sống
google news

SKĐS - Trong thời đại 4.0, cùng với sự phát triển như vũ bão của ngành công nghệ thông tin, trẻ em bị ảnh hưởng không nhỏ bởi các thiết bị di động.

Cuộc sống bận rộn của các bậc làm cha làm mẹ cộng với điều kiện kinh tế phát triển, đã vô tình tạo nên sự tiếp tay đáng kể cho vấn đề này khiến các em ngày càng say mê và có thể nói là “nghiện” các thiết bị di động thậm chí dẫn đến nghiện game và nó gần như món ăn tinh thần không thể thiếu hàng ngày, nhất là khi thời gian giành cho những sân chơi bổ ích ngày càng bị hạn chế với các em.

Vậy giải pháp nào để giúp trẻ em hạn chế sử dụng các thiết bị di động nói riêng, thiết bị điện tử nói chung. Sau đây là tư vấn của chuyên viên tâm lý Mai Thị Nguyệt -Khoa Tâm lý, Bệnh viện Nhi đồng 2 sẽ giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về vấn đề này.

Dấu hiệu để nhận biết trẻ nghiện game, internet và mạng xã hội

- Trẻ luôn nghĩ về game, internet, mạng xã hội, lúc nào cũng tìm tòi để chơi và sử dụng.

- Cảm thấy bồn chồn, ủ rũ, khó chịu hoặc dễ bị kích thích khi giảm thời gian, không được chơi hay không được sử dụng.

- Sa sút học tập, giảm chất lượng cuộc sống, mất dần các mối quan hệ ý nghĩa do dành nhiều thời gian cho game, internet và mạng xã hội (không quan tâm đến người xung quanh, thu hẹp giao tiếp với mọi người)

- Chơi game, sử dụng internet hoặc mạng xã hội quá 6 giờ/ ngày (nghiện).

Sự thật là “Thế giới ảo” rất có thể dần thay thế “cuộc sống thật” và gây ra các vấn đề về sức khỏe, học tập cũng như các vấn đề về trạng thái như: căng thẳng, trầm cảm, lo âu hay rối loạn giác ngủ.

Nghiện game, internet, mạng xã hội gây ra các vấn đề về sức khỏe, học tập cũng như các vấn đề về trạng thái như: căng thẳng, trầm cảm, lo âu hay rối loạn giác ngủ.

Truy tìm nguyên nhân:

- Phụ huynh bận rộn, ít quan tâm, chia sẻ, ít dành thời gian cùng tạo ra những sân chơi bổ ích để giúp giải tỏa những căng thẳng nội tâm của trẻ.

- Do thiếu vắng sự yêu thương chăm sóc của cha hoặc mẹ (ví dụ: gia đình ly tán gây rối nhiễu về mặt tâm lý của trẻ dẫn đến việc tìm kiếm các thiết bị điện tử để giải tỏa tâm lý, áp lực cuộc sống…)

- Do thiếu vắng những thú vị trong cuộc sống thường nhật, gặp các rối loạn khó khăn trong học tập hay mối quan hệ với mọi người xung quanh.

- Để trốn tránh đối diện với những vấn đề sức khỏe, thể chất và tâm lý như: lo âu, trầm cảm…

- Do sự hấp dẫn của game, internet và mạng xã hội có nhiều yếu tố khiến trẻ dễ bị hấp dẫn như: thích sắm vai, tính mạo hiểm, ganh đua, chiến thắng và phần thưởng…

Ngoài ra, game, internet, mạng xã hội còn giúp người sử dụng ẩn danh thoải mái tán gẫu, kết bạn, hẹn hò, bày tỏ những suy nghĩ, quan điểm cá nhân hay tạo dựng hình ảnh cá nhân theo cách mình mong muốn.

Giải pháp để hạn chế sử dụng thiết bị di động:

Thông điệp dành cho cha mẹ và gia đình:

- Cha mẹ cần là một tấm gương trong việc sử dụng và kiểm soát việc sử dụng các thiết bị di động để chơi game, internet và mạng xã hội, bởi vì mọi thái độ và hành động của các bậc phụ huynh luôn là bài học thực tiễn sâu sắc để các con noi theo và học tập mỗi ngày.

- Cha mẹ cần dành thời gian tìm hiểu, cùng sử dụng, đặc biệt là hướng dẫn con sử dụng và phòng ngừa tác động xấu từ game, internet, và mạng xã hội.

- Cha mẹ cần dành thời gian quan tâm, nhắc nhở, và xây dựng mối quan hệ thân thiết với trẻ, để sớm phát hiện những vấn đề khó khăn, căng thẳng, rối nhiễu tâm lý để hỗ trợ giải tỏa kịp thời.

Đối với trẻ em, khi trẻ có dấu hiệu mê say hoặc nghiện game, internet và mạng xã hội:

Cha mẹ phải gần gũi và lên kế hoạch xây dựng, cách thức kiểm soát mức độ sử dụng các thiết bị điện tử và cùng trẻ thống nhất thực hiện thông qua những cam kết :

- Ngắt kết nối mạng khi không thực sự cần thiết.

- Dùng phần mềm quản lý tự ngắt máy tính, điện thoại.

- Cùng lập thời gian biểu và cho trẻ tham gia các hoạt động bổ ích như giải trí, thể thao, hoạt động sở thích, hoạt động tập thể ngoài trời và luôn có sự hỗ trợ để trẻ thực hiện đảm bảo thành công thời gian đầu. Luôn khuyến khích động viên kịp thời để trẻ có hứng thú tham gia tích cực.

Cho trẻ đi can thiệp một số chuyên gia có chuyên môn như: Tâm lý học đường, chuyên gia tâm lý lâm sàng, chuyên gia tham vấn tâm lý… (khi cần)



Nguyễn Hân
Ý kiến của bạn