Mới đây, báo chí phản ánh về việc thịt lợn “đội lốt” thịt bò ở Hà Nội. Sự việc diễn ra tại xã Cổ Nhuế , quận Bắc Từ Liêm và một số hộ ở Thọ Lộc, Phúc Thọ.
Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh sử dụng hóa chất để tẩm ướp, biến thịt lợn thành thịt bò cũng là một hành động coi thường sức khỏe của người tiêu dùng.
Trước thông tin này, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, giảng viên Viện Công nghệ và Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội nhận định “hô biến thịt lợn thành thịt bò là hành vi gian lận thương mại”. Hơn nữa, nếu sử dụng hóa chất để tẩm ướp, biến thịt lợn thành thịt bò cũng là một hành động coi thường sức khỏe của người tiêu dùng.
Nếu hóa chất tẩm ướp có nguồn gốc tự nhiên thì không gây hại cho sức khỏe nhưng nếu sử dụng hóa chất có nguồn gốc công nghiệp, dạng bột thì sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ. Bởi những nguyên liệu làm thịt bò giả như thịt lợn sề, thịt trâu chết bằng cách tẩm ướp hóa chất, tạo màu đều rất độc.
Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, trước kia cũng xảy ra chuyện tẩm ướp những loại hóa chất không rõ nguồn gốc gây hại sức khỏe người tiêu dùng vào từng miếng thịt bò, nhiều tiểu thương còn chế biến thịt lợn sề, thịt trâu bằng “công nghệ” luyện thịt hết sức tinh vi, nhìn bằng mắt thường, chúng ta rất khó nhận ra đó là miếng thịt bò giả.
“Không chỉ có vậy, nhiều tiểu thương còn biến hóa bằng cách sử dụng thủ thuật pha thịt sau khi giết mổ trâu, lợn sề bằng cách chọn những tảng thịt lớn, lọc không để sót chút mỡ nào, nhất là thịt trâu phải lọc hết những thớ gân trắng” - PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh cho biết.
Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, nếu hóa chất tẩm ướp để biến thịt lợn thành thịt bò sử dụng hóa chất công nghiệp dạng bột sẽ rất độc hại.
Để tránh mua phải thịt bò giả, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh khuyến cáo người tiêu dùng có thể dựa vào các dấu hiệu sau để phân biệt:
Khi mua thịt, chỉ cần dùng tay ấn vào miếng thịt, nếu đúng là thịt bò sẽ nhận thấy rõ sự đàn hồi của miếng thịt. Với những loại thịt được tẩm ướp hóa chất, ta sẽ nhận thấy rất rõ nó không có sự đàn hồi trên miếng thịt”, chuyên gia về công nghệ thực phẩm khẳng định.
Thịt bò thật có màu hồng đậm hoặc đỏ au; trong khi đó thịt bò giả dù được tưới huyết bò vẫn nhạt màu hơn, không đều, không tự nhiên; Bắp bò có gân đặc trưng; Thớ thịt bò bé và dài, mỡ màu vàng nhạt; thịt lợn có thớ to và ngắn, nhìn không mịn, mỡ màu trắng đục;
Thịt trâu giả thịt bò có màu đen sẫm, thớ thịt to và thô, phần mỡ có màu trắng.
Khi mua thịt bò nên chọn cắt ra từ súc thịt lớn, không mua miếng thịt nhỏ vì rất có thể đó là thịt lợn trộn vào. Ngoài ra, những loại thịt giả thường có mùi tanh chứ không có mùi hôi nồng đặc trưng của thịt bò
Thịt bò thật có mùi hôi của bò, kể cả sau khi chế biến vẫn giữ nguyên màu sắc hồng sậm, vị ngọt và mùi thơm rất đặc trưng. Còn thịt giả sau khi nấu sẽ nhợt nhạt, nếu không may mua phải thịt lợn hay trâu đã chết lâu thì thậm chí còn có mùi tanh rất khó chịu.
Trao đổi với phóng viên chiều 10/10, ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế cho biết, Cục đã yêu cầu Sở Y tế vào cuộc điều tra và công khai thông tin cho báo chí. Nếu vi phạm sẽ xử lý vi phạm nghiêm đối hộ kinh doanh thịt gia súc có hành vi gian lận trên địa bàn.