Hà Nội

Chuyên gia lý giải xoá lối đi tự mở qua đường sắt mãi không xong

14-12-2022 18:49 | Xã hội
google news

SKĐS - Theo chuyên gia giao thông, giải quyết vấn đề hành lang ATGT đường sắt đã triển khai trong nhiều năm qua, đặc biệt tập trung xử lý các lối đi tự mở. Nhưng thực tế cho thấy, số lượng các lối đi tự mở qua đường sắt bị xóa bỏ rất ít so với số lượng mới mọc thêm.

Khảo sát thực tế, dọc tuyến đường sắt Bắc Nam chạy qua các phố Lê Duẩn (quận Hai Bà Trưng), Giải Phóng (quận Hoàng Mai), Ngọc Hồi (huyện Thanh Trì) của TP Hà Nội, không khó bắt gặp những lối đi dân sinh tự mở như thế này. Các lối mở này chủ yếu là do các hộ dân sinh sống dọc tuyến đường sắt tự mở để tiện di chuyển tắt ra đường bộ hoặc đi vào các ngõ xóm có đông các hộ dân sinh sống. Mặc dù những lối đi này tạo thuận tiện cho người dân đi lại, thế nhưng đang tiềm ẩn rất nhiều rủi ro mất an toàn giao thông.

Chuyên gia lý giải lối đi tự mở qua đường sắt mãi không xoá nổi - Ảnh 1.

Lối đi tự mở qua đường sắt đoạn qua Phố Lê Duẩn.

Chuyên gia lý giải lối đi tự mở qua đường sắt mãi không xoá nổi - Ảnh 2.

Theo Đề án 358 của Thủ tướng Chính phủ, đến năm 2025 phải xóa bỏ hoàn toàn lối đi tự mở qua đường sắt, nhưng đến hết quý III/2022 vẫn còn hơn 3.600 lối đi tự mở (chiếm 71%) tổng giao cắt đường sắt và đường bộ trên cả nước.

Từ năm 2015 đến nay, TNGT liên quan đến đường sắt đã giảm dần cả về số vụ, số người chết và số người bị thương. Tuy vậy, các vụ TNGT xảy ra tại các lối đi tự mở vẫn chiếm tỷ lệ khá lớn, từ 37-48%. Trong số 119 vụ TNGT đường sắt trong 8 tháng đầu năm nay, có đến 50 vụ (chiếm 42%) xảy ra tại các lối đi tự mở. Điều đó cho thấy, việc xóa các đường ngang dân sinh trái phép sẽ góp phần giảm rất sâu số vụ TNGT liên quan đến đường sắt.

Chuyên gia lý giải lối đi tự mở qua đường sắt mãi không xoá nổi - Ảnh 3.

Tuyến đường sắt Bắc Nam đoạn qua đường Ngọc Hồi (Hoàng Mai) đường ngang dân sinh mọc san sát nhau.

Chuyên gia lý giải lối đi tự mở qua đường sắt mãi không xoá nổi - Ảnh 4.

TS. Khương Kim Tạo - Nguyên phó chánh văn phòng Uỷ ban An toàn Giao thông Quốc gia cho biết, giải quyết vấn đề hành lang ATGT đường sắt đã triển khai trong nhiều năm qua, đặc biệt tập trung xử lý các lối đi tự mở. Nhưng thực tế cho thấy, số lượng các lối đi tự mở qua đường sắt bị xóa bỏ rất ít so với số lượng mới mọc thêm.

"Ở một số đoạn lối đi tự mở qua đường sắt mọc san sát nhau ảnh hưởng đến tốc độ tàu chạy cũng như tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông. Vì vậy, chúng ta cũng cần phải nghiên cứu lại", ông Khương Kim Tạo nhấn mạnh.

Xác định xóa bỏ lối đi tự mở là giải pháp căn cơ để hạn chế thấp nhất TNGT đường sắt, thời gian qua Cục Đường sắt Việt Nam đã triển khai thực hiện nhiều giải pháp để đôn đốc các địa phương, doanh nghiệp. Tuy nhiên công tác tổ chức lập kế hoạch, lộ trình tổng thể để xóa bỏ lối đi tự mở của một số địa phương còn chậm.

Chuyên gia lý giải lối đi tự mở qua đường sắt mãi không xoá nổi - Ảnh 5.

Nhiều phương tiện lưu thông qua lối ngang tự mở không rào chắn, không biện pháp an toàn tiềm ẩn nhiều rủi ro mất an toàn giao thông.

Theo PGS.TS. Doãn Minh Tâm - Nguyên Viện trưởng Viện Khoa học công nghệ, Bộ Giao thông Vận tải, thực tiễn cho thấy nếu công tác quản lý không tốt người dân có thể tự mở lối dân sinh qua đường sắt, chính vì vậy các cơ quan có thẩm quyền, chính quyền địa phương phải tăng cường kiểm tra, xử lý và có các biện pháp ngăn ngừa, tuyên truyền và giáo dục đến người dân. Nhưng để thực hiện được, đòi hỏi phải có kinh phí, phân công nhiệm vụ rõ ràng.

Khó khăn về kinh phí là lý do được nhiều địa phương đưa ra để lý giải cho việc chậm trễ thực hiện Quyết định 358 về xóa lối đi tự mở. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia giao thông, khó khăn về kinh phí chỉ là một lý do, thực chất, ở một số địa phương còn thiếu sự quyết tâm trong việc đặt ra mục tiêu, kế hoạch cụ thể để hoàn thành nhiệm vụ được giao. Bởi từ kinh nghiệm của một số địa phương cho thấy, với tiến độ chậm trễ này, dù có kịp bố trí kinh phí, việc hoàn thành mục tiêu gần như bất khả thi.

Cũng theo các chuyên gia giao thông, đã đến lúc cần quy định rõ trách nhiệm của chính quyền địa phương các cấp đối với hành lang an toàn giao thông đường sắt và phải có biện pháp với những địa phương không hoàn thành nhiệm vụ.

Xem thêm video được quan tâm:

Nam thanh niên hoại tử mũi sau tiêm filler


Đức Sơn
Ý kiến của bạn