Chia sẻ thông tin tại hội thảo khoa học "Tiếp cận mới trong chẩn đoán và điều trị các bệnh lý lồng ngực" diễn ra hôm nay 6/10 tại Bệnh viện Bạch Mai, TS.BS Ngô Gia Khánh, Trưởng Khoa Phẫu thuật lồng ngực - Mạch máu, Bệnh viện Bạch Mai cho biết: Ung thư phổi là một trong những ung thư có tỷ lệ mắc và tử vong cao nhất không chỉ riêng ở Việt Nam mà còn chung trên toàn thế giới. Đặc biệt lâu nay chúng ta nghĩ ung thư này xảy ra nhiều với nam giới, tuy nhiên qua con số thống kê cho thấy tỷ lệ nữ mắc bệnh này cũng không phải ít, cùng đó bệnh nhân mắc ung thư phổi có trẻ hoá hơn.
"Tại Bệnh viện Bạch Mai, trong nhóm bệnh phẫu thuật lồng ngực, khoảng 30% là phẫu thuật ung thư phổi, sau đó đến tuyến giáp"- TS.BS Ngô Gia Khánh thông tin.
Cũng theo chuyên gia, tỷ lệ bệnh nhân ung thư phổi tiếp cận với điều trị đúng cách không nhiều, vì hầu hết phát hiện muộn nên khi điều trị không theo được phác đồ chuẩn, nên tốn nhiều công sức và tốn kém, nhưng tiên lượng không tốt. Trên thế giới, tuỳ từng nước, tỷ lệ chẩn đoán sớm ung thư phổi từ khoảng 30 - 50% (giai đoạn 1, u chỉ 1-2 cm). Song ở Việt Nam, tỷ lệ phát hiện bệnh sớm lúc còn phẫu thuật được - tức là khoảng giai đoạn 2-3, chỉ đạt dưới 20%, chỉ khoảng 12-15%.
"Hiện nay có nhiều phương pháp điều trị ung thư phổi gồm: phẫu thuật, hóa chất, xạ trị, gen trị liệu và liệu pháp miễn dịch. Vũ khí để điều trị ung thư phổi hàng đầu và quan trọng nhất là phẫu thuật, cắt bỏ khối u, sau đó là điều trị bổ trợ bằng các phương pháp khác. Thế nhưng phương pháp ưu tiên nhất mà bệnh nhân không đủ điều kiện để phẫu thuật được là hạn chế lớn, mất đi cơ hội điều trị"- TS.BS Ngô Gia Khánh nói.
Cũng theo chuyên gia này, trước đây, các nốt mờ phổi nhỏ, thường để theo dõi, chưa can thiệp, nhưng nay không nên theo dõi nữa, cần chỉ định phẫu thuật sớm. Chỉ định phẫu thuật ung thư phổi thường dành cho bệnh nhân ở giai đoạn sớm thường là giai đoạn 1, 2 và đầu giai đoạn 3. Ung thư phổi có thể phát hiện ở giai đoạn sớm nhờ chụp cắt lớp vi tính.
Trước đây, để phẫu thuật các khối u lồng ngực, bệnh nhân phải mổ mở với đường rạch dài 20-30 cm thời gian nằm viện có thể kéo dài 3-4 tuần. "Với phương pháp nội soi hiện nay, chỉ với một đường rạch khoảng 3 cm, thời gian hậu phẫu được rút ngắn, bệnh nhân hồi phục sau 1-2 ngày, hạn chế những ảnh hưởng đến chức năng phổi sau phẫu thuật. Nếu bệnh nhân được chẩn đoán sớm, phẫu thuật kịp thời và có các phương pháp điều trị phối hợp hiệu quả thì tỉ lệ sống trên 5 năm chiếm đến 80-85%.
Trao đổi bên lề hội thảo, PGS.TS Đào Xuân Cơ - Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho biết, trong xu thế hội nhập và phát triển, cùng với không ngừng làm chủ các chuyên môn sâu về nội khoa, để đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khoẻ của người bệnh, Bệnh viện Bạch Mai bắt đầu mở rộng phát triển các chuyên ngành ngoại khoa. Trong gần 8 năm qua, từ Khoa Ngoại tổng hợp ban đầu, Bệnh viện đã thành lập 8 khoa ngoại chuyên sâu: Phẫu thuật thần kinh, phẫu thuật chấn thương chỉnh hình cột sống, phẫu thuật lồng ngực, phẫu thuật tiêu hóa gan mật tụy, phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ và gần đây nhất là phẫu thuật tiết niệu... Các khoa ngoại khi thành lập đều phát triển nhanh chóng và để lại dấu ấn riêng của mình.
Khoa Phẫu thuật lồng ngực - Mạch máu được thành lập ngày 10/10/2018. "Sự ra đời của chuyên khoa Phẫu thuật lồng ngực mạch máu đã đáp ứng tốt nhu cầu khám, điều trị ngoại khoa trong chuyên ngành Lồng ngực, mạch máu ngoại vi của người bệnh tại Bệnh viện Bạch Mai. Người bệnh có chỉ định điều trị ngoại khoa trong chuyên ngành không còn phải chuyển sang bệnh viện khác điều trị. Đồng thời, sự phát triển của chuyên ngành ngoại lồng ngực mạch máu góp phần hỗ trợ cho các chuyên ngành khác phát triển (tim mạch can thiệp, can thiệp hô hấp, ung bướu...), đồng thời góp phần nâng cao vai trò và giá trị thương hiệu Bệnh viện cũng như hỗ trợ các chuyên ngành khác cùng phát triển"- Giám đốc Đào Xuân Cơ nhấn mạnh.
Theo PGS.TS Đào Xuân Cơ: y học cũng như các ngành khoa học khác luôn có sự thay đổi và phát triển không ngừng, do đó việc cập nhật các tiến bộ về khoa học kỹ thuật rất quan trọng. Tôi tự hào về các thầy thuốc của Bệnh viện, trong đó có các thầy thuốc trẻ của Khoa Phẫu thuật lồng ngực - Mạch máu đã luôn nỗ lực không ngừng. Khoa Phẫu thuật lồng ngực - Mạch máu ra đời trong giai đoạn khó khăn chống dịch COVID- 19, nhưng bằng sức trẻ và sự quyết tâm của mình, tập thể Khoa đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.