Chuyên gia lý giải về vấn đề “vòng xoắn” trong dùng thuốc trị tăng huyết áp với suy thận

01-09-2021 12:07 | An toàn dùng thuốc

Tăng huyết áp (THA) có liên quan nhân - quả với suy thận. Nghĩa là THA có thể gây nên suy thận và ngược lại, suy thận dẫn đến THA. Sự lựa chọn thuốc hai bệnh lý này hiện khá nan giải...

PGS.TS.Nguyễn Đức Hải - Viện trưởng Viện điều trị cán bộ cao cấp, Bệnh viện TWQĐ 108 sẽ lý giải cùng độc giả về vấn đề điều trị 2 bệnh lý này.

Lợi ích của điều trị tăng huyết áp tích cựcLợi ích của điều trị tăng huyết áp tích cực

SKĐS - Một nghiên cứu mới cho thấy đối với hầu hết bệnh nhân tăng huyết áp, điều trị tăng huyết áp (HA) tích cực sẽ làm giảm nguy cơ hạ huyết áp thế đứng (OH).

Phải điều trị ổn định tăng huyết áp để cải thiện biến chứng thận

Theo PGS.TS.Nguyễn Đức Hải, khi điều trị cho bệnh nhân cần phải phân biệt rõ 2 tình huống: Nếu THA dẫn đến suy thận thì THA là gốc. Do đó, khi điều trị kiểm soát tốt HA, tình trạng suy thận sẽ được cải thiện. Còn suy thận dẫn đến THA, thì THA là triệu chứng chứ không phải bệnh THA. Trường hợp này lại phải kiểm soát tốt bệnh lý thận thì mới cải thiện được huyết áp. Thông thường, THA do bệnh lý thận thì tiên lượng sẽ xấu hơn.

Chuyên gia lý giải về vấn đề “vòng xoắn” điều trị bệnh lý tăng huyết áp - suy thận - Ảnh 2.

Tăng huyết áp làm tổn thương mạch máu dẫn đến suy thận.

Với bệnh nhân có huyết áp tăng cao và kéo dài sẽ làm tổn thương hệ thống mạch máu trong cơ thể, trong đó có mạch máu của thận và làm giảm lượng máu cung cấp đến thận.

Chúng ta đều biết, thận lọc được các chất độc hại trong máu nhờ cấu tạo bởi các tiểu cầu thận, khi huyết áp tăng cao, các tiểu cầu thận sẽ bị phá hủy dần dần, làm cho thận mất dần chức năng và hậu quả là thận không thể loại bỏ những chất cặn bã độc hại cũng như nước dư thừa ra ngoài.

Trong cơ thể, thận còn có chức năng giữ cho huyết áp ổn định thông qua hệ thống Renin - Angiotensin (hay còn gọi là chức năng nội tiết của thận). Khi thận bị tổn thương, sẽ mất khả năng điều hòa huyết áp làm cho huyết áp tăng cao.

Cơ chế là do mức lọc cầu thận giảm, cơ thể sẽ tìm mọi cách duy trì lại mức lọc này bằng cách tăng áp lực lên cầu thận thông qua hệ thống Renin – Angiotensin. Như vậy gây nên huyết áp lại càng tăng cao hơn, tạo nên chuỗi vòng xoắn bệnh lý THA dẫn đến suy thận, suy thận lại làm HA tăng cao hơn nữa. Huyết áp tăng cao hơn nữa lại làm tổn thương thận nặng hơn… Cứ như vậy cho đến giai đoạn cuối nếu chúng ta không cắt đứt được vòng xoắn bệnh lý này.

Làm thế nào để hạn chế vấn đề ảnh hưởng chéo của thuốc?

THA và suy thận có quan hệ nhân - quả với nhau. Việc điều trị là phải dùng thuốc suốt đời. Nhưng việc dùng thuốc điều trị THA lại ảnh hưởng đến chức năng thận và ngược lại việc dùng thuốc điều trị suy thận có thể ảnh hưởng đến huyết áp. Do đó, vấn đề làm thế nào để hạn chế tối đa ảnh hưởng của thuốc điều trị bệnh này sang bệnh kia cũng là một bài toán nan giải đối với bác sĩ.

Chuyên gia lý giải về vấn đề “vòng xoắn” điều trị bệnh lý tăng huyết áp - suy thận - Ảnh 3.

Kiểm soát tốt huyết áp sẽ giúp cải thiện các vấn đề biến chứng.

Để giải quyết về vấn đề này, PGS.TS.Nguyễn Đức Hải cho hay: Khi quyết định điều trị THA, thì điều hết sức quan trọng là phải đánh giá toàn diện bệnh nhân. Trong các đánh giá đó, việc đánh giá về thận và chức năng thận có ý nghĩa rất lớn. Vì khi THA đã có suy thận thì việc điều trị sẽ khác so với bệnh nhân THA chưa có suy thận.

Việc đánh giá về thận không chỉ dừng lại ở chỗ có suy thận hay không mà còn phải đánh giá chi tiết: Suy thận độ mấy (hay giai đoạn nào), có kèm đi tiểu ra protein hay không? Mức độ thế nào… Vì với mỗi loại hình tổn thương khác nhau, sẽ có chiến lược điều trị, chăm sóc và theo dõi khác nhau.

PGS.TS. Hải cho biết thêm: Ngoài đánh giá về thận, cần đánh giá thêm về các bệnh lý kết hợp (hay bệnh đồng mắc khác).

Một bệnh cũng rất hay gặp và phải hết sức lưu ý khi điều trị THA đó là đái tháo đường (ĐTĐ), vì ĐTĐ cũng rất dễ gây nên tổn thương thận. Cả 2 bệnh THA và ĐTĐ đều dễ gây tổn thương thận thì việc lựa chọn thuốc điều trị cả 2 bệnh này cũng đều cần lưu ý các nhóm thuốc có thể ảnh hưởng đến chức năng thận.

Không có công thức chung nào cho tất cả các bệnh nhân. Việc lựa chọn thuốc điều trị THA cần cá thể hóa từng bệnh nhân khác nhau. Nếu bệnh nhân THA chưa có suy thận, thì việc chọn lựa các nhóm thuốc có độc tính với thận, hay ảnh hưởng tới chức năng thận cũng không có chống chỉ định. Tuy nhiên, khi chọn lựa các nhóm thuốc có độc tính với thận, hay ảnh hưởng tới chức năng thận thì cần theo dõi, đánh giá chức năng thận thường xuyên, nhất là trong giai đoạn đầu, khi bắt đầu dùng thuốc.

Tương tự như vậy, nếu bệnh nhân suy thận chưa có THA thì việc lựa chọn các thuốc có thể ảnh hưởng đến HA cũng vẫn có chỉ định, và cần phải theo dõi huyết áp thường xuyên.

Còn khi THA đã có suy thận hoặc suy thận có THA, thì việc chọn lựa thuốc phải dựa vào mứa độ suy thận (mức lọc cầu thận), có protein niệu hay chưa? Nếu có thì mức độ nào. Đương nhiên là phải tránh các thuốc có độc tính với thận hay ảnh hưởng đến chức năng thận.

Trong trường hợp bắt buộc phải lựa chọn thuốc ảnh hưởng đến chức năng thận, thì phải cân nhắc giữa lợi ích và nguy cơ. Nếu lợi ích nhiều hơn nguy cơ thì vẫn nên dùng cho bệnh nhân và phải theo dõi đánh giá cẩn thận về tác dụng tốt cũng như mức độ ảnh hưởng để có quyết định điều trị phù hợp.

Khi bệnh nhân bị THA, dù có hay không có suy thận hoặc các bệnh lý kết hợp khác, thì việc điều trị quan trọng nhất là phải kiểm soát tốt được huyết áp (tức là phải đạt huyết áp mục tiêu). Theo các khuyến cáo mới đây thì huyết áp mục tiêu không phải chỉ là <140/90 mmHg mà là <130/80 mmHg. Tuy nhiên, cũng cần cá thể hóa HA mục tiêu này chứ không phải là một công thức chung (vì có bệnh nhân khi HA <140/90 thì sây sẩm, chóng mặt, đau đầu… rất khó chịu; ngược lại có bệnh nhân cứ 140/90 là rất khó chịu mà phải ở mức dưới 130 thì mới dễ chịu…).

Và một điều hết sức quan trọng để giúp điều trị bệnh ổn định, nhưng rất nhiều bệnh nhân không tuân thủ đúng, đó là: Tuân thủ dùng thuốc nghiêm ngặt theo đơn của bác sĩ chuyên khoa. Khám bệnh đúng định kỳ theo lịch hẹn của bác sĩ (hoặc khám ngay khi có triệu chứng bất thường). Tuân thủ chế độ ăn, chế độ tập luyện phù hợp (hoặc theo hướng dẫn của bác sĩ). - PGS.Hải nhấn mạnh.

Mời độc giả xem thêm video đang được quan tâm:

Lợi ích của việc khám sức khỏe tiền hôn nhân.

Thu Hà
Ý kiến của bạn