Những thông tin trên được các chuyên gia sức khoẻ, kinh tế, xã hội và xây dựng chính sách đưa ra tại hội thảo "Các bệnh không lây nhiễm tại Việt Nam: Nguyên nhân và Khuyến nghị" diễn ra vào hôm nay (9/4) tại Hà Nội.
Các chuyên gia y tế đặc biệt nhấn mạnh bệnh không lây nhiễm ngày càng gia tăng. Dự phòng tử vong sớm và giảm tỷ lệ mắc liên quan đến bệnh không lây nhiễm là mục tiêu mà mọi hệ thống y tế quốc gia đều quan tâm, theo đuổi.
Có rất nhiều nguyên nhân gây ra các bệnh không lây nhiễm, từ tác nhân sinh học, môi trường và các yếu tố đến từ việc sử dụng thuốc lá, chế độ sinh hoạt ít vận động thể chất và dinh dưỡng không cân bằng. Các bệnh không lây nhiễm phổ biến đang gây ra gánh nặng sức khỏe tiêu biểu như tăng huyết áp với 26,2%; tim mạch 20,5%; ung thư chiếm 13,3%; bệnh hô hấp mạn tính là 4%; đái tháo đường là 3,9%...
Nguồn năng lượng nạp vào cơ thể như thế nào?
Cho rằng thừa cân béo phì là một trong những nguyên nhân gây ra bệnh không lây nhiễm, tuy nhiên PGS.TS Nguyễn Thị Lâm, nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết, số liệu điều tra gần đây cho thấy tỷ lệ trẻ (5-19 tuổi) bị thừa cân, béo phì tại nước ta đã tăng hơn gấp đôi sau 10 năm. So với nhiều nước trong khu vực, Việt Nam vẫn may mắn khi tỷ lệ vẫn ở mức thấp.
Các chuyên gia y tế dẫn thông tin của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho rằng thừa cân béo phì đến từ nhiều nguyên nhân khác nhau như chế độ dinh dưỡng không hợp lý, tiêu thụ các thực phẩm quá nhiều năng lượng, giàu chất béo, lười vận động, hoặc các nguyên nhân di truyền, nội tiết.
PGS.TS Nguyễn Thị Lâm cho biết thừa cân béo phì là do sự mất cân bằng giữa năng lượng nạp vào và năng lượng tiêu hao.
Dẫn báo cáo An ninh Lương thực và Dinh Dưỡng ASEAN năm 2021, PGS Lâm đưa ra các con số, trong tổng năng lượng nạp vào cơ thể người Việt hàng ngày từ đồ ăn và thức uống thì ngũ cốc và thịt chiếm nhiều nhất (51,4% và 15,5%), các thực phẩm khác là (22,6%), rau và hoa quả (6,9%), đường chỉ chiếm chưa tới 3,6%.
Dựa trên khảo sát của Nielsen thực hiện tại Việt Nam năm 2020, lượng đường trung bình trong nước giải khát là khoảng 11 g/100 ml; trong khi đó lượng đường trung bình trong các sản phẩm bánh kẹo là khoảng 29g/ 100g, trong đó một số loại vượt ngưỡng 40g/100g như kẹo dẻo 46,6g.
Có quá nhiều các loại thực phẩm có chứa đường trên thị trường và mức tiêu thụ của các loại thực phẩm này còn nhiều hơn nhiều so với nước ngọt. PGS.TS Nguyễn Thị Lâm cho biết mức tiêu thụ thường xuyên bánh, kẹo ở học sinh là 51,1% ở thành thị và 56,4% ở nông thôn, trong khi nước ngọt chỉ là 16,1% ở thành thị và 21,6% ở nông thôn.
Người Việt vẫn ít vận động thể lực, dinh dưỡng thiếu hợp lý
PGS.TS Nguyễn Thị Lâm cũng nhắc đến việc ít vận động thể lực và thời gian tĩnh tại nhiều lại có đóng góp đáng kể vào tình trạng gia tăng thừa cân béo phì ở lứa tuổi học đường. Tại Việt Nam, có khoảng 86,3% thanh thiếu niên Việt Nam ở độ tuổi từ 11 đến 17 thiếu hoạt động thể chất.
Nghiên cứu do Viện Dinh dưỡng thực hiện năm 2011 cũng chỉ ra rằng tỷ lệ trẻ em từ 6-11 tuổi ở khu vực thành thị đạt mức khuyến nghị về hoạt động thể lực chỉ là 32,5% trong khi tỷ lệ này ở nông thôn là 59,9%. Thời gian tĩnh tại trong ngày của lứa tuổi học sinh chủ yếu là dành cho mạng xã hội (95,9%); game, máy tính, điện thoại (76,3%); làm máy tính (60,2%).
Một nghiên cứu cắt ngang tại TPHCM cũng cho thấy, năng lượng ăn vào vượt mức khuyến nghị gần 155% ở trẻ 6 tuổi và hơn 113% ở trẻ 9 tuổi. Lượng protein tiêu thụ ở trẻ béo phì cao hơn 150% mức khuyến nghị.
Trong khi lượng chất xơ trong khẩu phần ăn chỉ dưới 10gr/ngày, trong khi khuyến nghị là 14gr chất xơ cho mỗi 1.000 calo. Khẩu phần ăn dư thừa protein, đặc biệt là protein động vật có thể dẫn đến một số bệnh như gút, rối loạn mỡ máu, béo phì.
Phân tích thêm, PGS.TS Nguyễn Quang Dũng, Phó trưởng bộ môn Dinh dưỡng và An toàn thực phẩm, Đại học Y Hà Nội cho biết chế độ dinh dưỡng thiếu hợp lý có liên quan đến việc gia tăng các bệnh mãn tính liên quan đến dinh dưỡng như béo phì, đái tháo đường, cao huyết áp, các bệnh tim mạch, và ung thư.
"Người dân Việt Nam đang có xu hướng gia tăng tiêu thụ thực phẩm chứa nhiều giá trị dinh dưỡng và chất béo (các loại thực phẩm chế biến đóng gói sẵn, thức ăn nhanh, thực phẩm ở cửa hàng tiện lợi, thực phẩm đường phố giàu năng lượng và chất béo...)", ông Dũng nói.
Bổ sung thêm thông tin TS.BS Nguyễn Trọng Hưng, Viện Dinh dưỡng quốc gia cho biết thêm: "Chúng ta đang đổ tội thừa cân, béo phì cho cơm quá nhiều. Thực tế, trong bữa ăn hằng ngày của người Nhật bị đái tháo đường họ vẫn ăn ổn định 1,5 bát cơm. Trong khi đó, chúng ta không ăn cơm nhưng ăn quá nhiều thịt, chất béo, hoa quả, các loại hạt, đây là nguyên nhân góp phần dẫn đến thừa cân béo phì".
Lấy ví dụ với trái cây, TS Hưng cho biết, mỗi bữa chúng ta chỉ ăn 100gr hoa quả, tuy nhiên thực tế nhiều người ăn 300-500gr.
Làm gì để không trở thành 'nạn nhân' của thừa cân béo phì và bệnh không lây nhiễm?
TS. BS. Nguyễn Trọng Hưng, Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho rằng việc phòng, chống các bệnh không lây nhiễm là trách nhiệm của các cấp, các ngành và của mỗi người dân, trong đó các cấp chính quyền trực tiếp chỉ đạo, ngành Y tế là nòng cốt.
Ngoài ra, kiểm soát nguy cơ gây bệnh như hút thuốc lá, lạm dụng đồ uống có cồn, dinh dưỡng không hợp lý, thực phẩm không an toàn, thiếu hoạt động thể lực, cùng với chủ động giám sát, phát hiện bệnh sớm, điều trị, quản lý liên tục và lâu dài.
Để phòng chống bệnh không lây nhiễm nói chung, trong đó có thừa cân béo phì, PGS.TS Nguyễn Thị Lâm cho rằng đẩy mạnh giáo dục và truyền thông về dinh dưỡng hợp lý, cùng đó cần khuyến khích các hoạt động và phong trào luyện tập thể dục, thể thao cho cộng đồng, nhất là đối tượng trẻ em và thanh thiếu niên để duy trì lối sống lành mạnh...
Đồng thời các chuyên gia cũng khuyến nghị các cơ quan quản lý thị trường và an toàn thực phẩm cần giám sát và quản lý việc thực hiện dán nhãn dinh dưỡng một cách chặt chẽ. Các loại thực phẩm đều phải có nhãn dinh dưỡng với các nội dung theo qui định mới được lưu hành trên thị trường. Cùng đó cần có cơ chế quản lý chặt chẽ và giới hạn các loại thực phẩm, đồ uống đường phố hiện đang không đảm bảo về dinh dưỡng và vệ sinh, an toàn thực phẩm.
Kinh nghiệm quốc tế cũng cho thấy, nhiều quốc gia trên thế giới đã từng áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt lên đồ uống có đường nhưng tỷ lệ tỷ lệ thừa cân béo phì vẫn tiếp tục gia tăng đều qua các năm như Chile, Mexico, Ấn Độ, Bỉ, Phần Lan...
Chia sẻ kinh nghiệm của một số quốc gia thành công trong phòng chống bệnh không lây nhiễm, trong đó có thừa cân béo phì mà không sử dụng công cụ thuế là Nhật Bản, Singapore hay Đức, tại hội thảo, ông Nguyễn Văn Nhiên - Phó Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật an toàn thực phẩm Việt Nam cho biết tại Nhật mặc dù có tỷ lệ tiêu thụ nước giải khát cao hơn nhiều so với Việt Nam (116kg/người/ năm) nhưng tỷ lệ béo phì ở quốc gia này chỉ 3,5%.
Nhật Bản đã xây dựng hai bộ luật Shuku Iku và Metabo, trong đó quy định quá trình xây dựng thực đơn lành mạnh trong các trường học và thực hiện các bài giảng về dinh dưỡng cho học sinh. Bộ luật này cũng yêu cầu các công ty phải có thời gian nghỉ giữa giờ để nhân viên tập thể dục, đồng thời khuyến khích nhân viên tham gia hoạt động thể chất sau giờ làm việc.
Chính phủ Singapore tập trung vào các chính sách tăng cường hoạt động thể chất và dinh dưỡng như Chương trình Bữa ăn lành mạnh tại trường học và Thử thách Bước chân Quốc gia.
Đức đang áp dụng các chính sách hướng dẫn về chế độ ăn uống và hoạt động thể chất, áp đặt các hạn chế trong quảng cáo và nhãn dinh dưỡng; trong đó các biện pháp về truyền thông và khuyến khích cải cách được ước tính là giúp phòng chống 218 nghìn bệnh không lây nhiễm đến năm 2050.