Theo kết luận ban đầu của cơ quan cảnh sát điều tra, thì nghi phạm sát hại con trai 33 ngày tuổi (ở Thạch Thất, Hà Nội) bị trầm cảm nặng, có những suy nghĩ, hành vi tiêu cực. Tuy nhiên, theo dõi toàn bộ vụ việc, dưới góc độ chuyên khoa tâm thần, TS. Dương Minh Tâm - Trưởng phòng Điều trị rối loạn liên quan stress, Viện Sức khỏe tâm thần, BV Bạch Mai có nhận định về nguyên nhân không giống như của cơ quan điều tra...
TS. Dương Minh Tâm.
Trầm cảm thường có ý định tự sát
TS. Dương Minh Tâm phân tích, rối loạn tâm thần sau sinh là một mã bệnh gồm nhiều bệnh khác nhau, có 3 nhóm bệnh chính: loạn thần sau sinh, trầm cảm sau sinh và một số phản ứng nhất thời sau sinh.
Mỗi một rối loạn có những dấu hiệu biểu hiện khác nhau. Loạn thần có hoang tưởng, rối loạn ảo giác, rối loạn cảm xúc hành vi, nặng hơn có thể một số rối loạn liên quan tỉnh táo của ý thức. Trầm cảm sau sinh là bệnh lý hiện tại những năm gần đây xuất hiện nhiều, có xu thế tăng lên, có những thống kê các bà mẹ trầm cảm sau sinh có hiện tượng giết con rồi mới tự sát.
Trầm cảm sau sinh khác loạn thần sau sinh. Loạn thần sau sinh có thường có hành vi nguy hiểm với chính bản thân mình hoặc người xung quanh còn trầm cảm sau sinh, nếu ở mức độ nặng, thường có ý tưởng tự sát. Trước khi tự sát thường giết người thân hoặc giết người có ảnh hưởng trực tiếp đến mình rồi mới tự sát.
Một loại nữa là phản ứng nhất thời sau sinh. Đó là xuất hiện những người bình thường, có bực tức gì đó với gia đình nhà chồng hoặc với ai đó, nhất thời có hành vi dại dột.
“Đây là những nhóm hay gặp hơn ở những người sau sinh, ngoài ra còn nhiều hành vi rối loạn khác, mức độ thường nhẹ hơn”, TS. Tâm nói.
Tâm cho biết, trầm cảm sau sinh và loạn thần sau sinh khác nhau về bản chất. Theo thống kê của BV Từ Dũ (TP. Hồ Chí Minh) năm 2013, tỉ lệ phụ nữ trầm cảm sau sinh chiếm 5,1%, loạn thần sau sinh là 0,5%.
Trầm cảm diễn tiến âm thầm, kéo dài, thường có biểu hiện mệt mỏi, chán chường, bi quan, tiêu cực, thường nghĩ đến những gì xấu nhất như nghĩ mình không chăm con được, mọi việc do mình mà ra...
Bệnh nhân trầm cảm không làm gì cũng mệt, mệt khác do mệt khi làm việc hay mệt do ốm đau. Kèm theo đó là bệnh nhân giảm tập trung, trí nhớ thay đổi, ngủ ít hoặc ngủ nhiều.
Đặc biệt, bệnh nhân giảm mọi nhu cầu ăn, chơi, tình dục, không thiết nói chuyện...
Bệnh nhân cũng hay tức tối, cáu gắt hoặc thu mình lại, hay có phản xạ sợ tiếng động, ánh sáng mạnh, sợ chỗ đông người; Tự thấy mình yếu hơn, thấy nhiều triệu chứng cơ thể hay ngột ngạt khó thở, đau tim, run chân tay, vã mồ hôi, đau dạ dày...
Các triệu chứng sẽ diễn tiến nặng dần lên. Ở những giai đoạn nhẹ, người bệnh chỉ có biểu hiện giảm khí sắc, mệt mỏi nên dễ bị bỏ qua. Do mọi thứ là cảm nhận nên trí tuệ của bệnh nhân trầm cảm hoàn toàn tỉnh táo, mọi chuyện đều nhận thức được.
Người bệnh cố gắng thoát nỗi buồn, ức chế, trì trệ của mình nhưng không làm được nên xuất hiện ý tưởng chán sống, muốn tự sát. Ý tưởng này thường rất sâu sắc, được cân nhắc rất kỹ, đấu tranh tư tưởng rất dài, chờ khi nào không vượt qua được mới thực hiện tự sát.
Vì nghiên cứu rất kỹ phương thức tự sát, do đó, người trầm cảm thường tự sát thành công.
Những bà mẹ bị trầm cảm sau sinh không muốn người thân như bố mẹ, chồng, con khổ, muốn người thân đi cùng nên thường sát hại người thân trước rồi mới tự sát.
TS. Tâm cho biết, tại Viện từng điều trị cho một trường hợp bà mẹ tại Hà Nội bị trầm cảm sau sinh, quấn dây điện vào người 2 mẹ con rồi cắm điện tự tử, nhưng con 3 tháng tử vong còn mẹ được cứu sống.
Loạn thần sau sinh là gì?
TS. Dương Minh Tâm cho rằng, đối chiếu với các hành động ở trường hợp của nghi phạm Phạm Thị Trinh chỉ sát hại con mà không làm hại đến mình nên không phù hợp với bệnh trầm cảm sau sinh.
“Bên cạnh việc giết con, người phụ nữ này để lại bằng chứng mang tính hận thù liên quan đến tên của một người khác nên tôi càng không nghĩ đến việc người mẹ bị trầm cảm sau sinh, mà có thể có 2 khả năng: Một là bị bệnh loạn thần sau sinh dẫn đến hoang tưởng, ảo giác liên quan đến tên người mà bệnh nhân viết ra trên cầu thang; Hai là phản ứng tâm lý nhất thời sau sinh do mâu thuẫn, tức tối về việc gì đó khiến bệnh nhân bộc phát hành động dại dột”, TS. Tâm phân tích.
Tuy nhiên, trường hợp này, TS. Tâm nghĩ nhiều đến loạn thần sau sinh, nhất là khi người mẹ cho biết có bị xui khiến, chi phối.
Loạn thần sau sinh gồm loạn thần hưng cảm và loạn thần cấp.
Biểu hiện lâm sàng của loạn thần thường là rối loạn tư duy và ảo giác. Nội dung thường là những hoang tưởng, không có mà nghĩ là có, như tưởng tượng có người theo dõi, có người gắn chíp vào đầu để điều khiển...
Với ảo giác, hay gặp nhất là ảo thanh, trong đầu có nhiều tiếng nói chê bai, bình phẩm bệnh nhân, xui khiến bệnh nhân (rất nguy hiểm, xui giết người, đốt nhà, tự sát...).
Người bệnh sẽ đấu tranh với điều khiển đó, trường hợp 1 tỉnh táo, trường hợp 2 là bị chi phối điều khiển.
Tuy nhiên, loạn thần sau sinh xảy ra rất thất thường, không sâu sắc như trầm cảm sau sinh.
Những biểu hiện của bệnh loạn thần sau sinh thường dễ phát hiện khi bệnh nhân có sự thay đổi về tính cách, nếp sinh hoạt. Chẳng hạn, khi bị bệnh, bệnh nhân thường ngủ ít hơn, có hành động, thái độ, ngôn ngữ và cảm xúc thay đổi nhiều so với trước. Phải chẩn đoán chính xác mới áp dụng phác đồ điều trị bệnh loạn thần sau sinh. Nếu bệnh do nội sinh thì dùng thuốc loạn thần là chủ yếu; còn nếu do hậu quả của việc sinh đẻ như: bệnh nhân bị nhiễm độc, nhiễm trùng, viêm tắc tĩnh mạch sau xoang hoặc tổn thương não bộ… thì tùy từng nguyên nhân sẽ có biện pháp điều trị phù hợp.
“Nếu loạn thần thì không thể hết ngay được và sẽ ngày càng nặng hơn, do đó rất dễ phát hiện khi giám định”, TS. Tâm cho hay.