Chuyên gia kỹ năng sống tư vấn cách dạy con tuổi teen cha mẹ nên biết

TS. Vũ Thu Hương

TS. Vũ Thu Hương

Chuyên gia giáo dục độc lập, tâm lý, kỹ năng sống.

20-12-2017 09:32 | Phòng mạch online
google news

SKĐS - Tuổi teen là lứa cực kì khó lường vì tâm lý đang xáo trộn. Những vấn đề của teen nếu không giải quyết ổn thỏa có thể để lại hậu quả chính là tính cách sau này hoặc các hành động tiêu cực như bỏ học, tự tử, rạch tay bằng dao lam, quan hệ tình dục sớm, .... Bây giờ, các chương trình dạy trẻ rất nhiều. Thế nhưng nếu không nghiên cứu kĩ mà áp dụng vào con đôi khi lợi bất cập hại.

Vì thế, tôi có mấy lưu ý cho các bố mẹ khi thực hiện kế hoạch dạy trẻ tầm tuổi teen.

1. Bỏ qua vấn đề thành tích. Tôi nói thật là các thầy cô nâng đỡ trẻ lắm. Nếu điểm bị sẩy chân kiểu gì cũng có cách gõ gạc. Vì thế, không cần quá quan tâm đến điểm. Nếu mình quá lo vụ đó chắc chắn sẽ gây ức chế cho con và sớm làm bọn trẻ điên tiết, bùng nổ.

2. Giúp con xây dựng thời gian biểu để các con khống chế thời gian làm việc cho hợp lý và khoa học. Nghiên cứu và chỉnh sửa sao cho phù hợp nhất. Khi đã có thời gian biểu thì cương quyết thực hiện theo càng chính xác càng tốt. Rất nên để thời gian rảnh để con được vui chơi, nghỉ ngơi. Việc thư giãn, giải trí, thể thao rất quan trọng, không thể bỏ qua.

3. Đừng lao vào học thêm chỉ vì... thiên hạ cũng học. Tôi đã "thí nghiệm" con tôi và một số cháu để thấy rõ 100% là học thêm thật sự không giúp ích gì cho trẻ. Chỉ khi cảm thấy con hơi yếu môn nào đó thì giúp con nhưng phương án tốt nhất vẫn là gia sư. Nếu con vẫn học tốt thì nên khích lệ và bỏ qua mọi phương án trợ giúp để con tự tin phát triển.

TS. Vũ Thu Hương.

4. Thiết lập hệ thống GIA QUY trong nhà và thực hiện nghiêm túc. Ai sai bị phạt hết dù là bố mẹ hay ai. Chính gia quy sẽ giúp con giữ mình trong vòng kiểm soát hợp lý của gia đình.

5. Không tìm cách kiểm soát con. Càng tôn trọng trẻ, tin tưởng trẻ, trẻ càng nể và lo giữ niềm tin đó nên sẽ càng ít gây chuyện. Càng chăm chút, càng kiểm soát trẻ càng phá phách.

6. Tâm sự thật nhiều để con luôn chia sẻ thông tin với bố mẹ. Cách tâm sự là kể lể với con mọi chuyện của mình, nhờ con cho lời khuyên và trợ giúp. Việc này sẽ khiến con tin tưởng và gần gũi. Đến lúc phù hợp, con sẽ chia sẻ với cha mẹ.

7. Gần gũi với giáo viên chủ nhiệm của con, nếu con có tội thì chia sẻ thành thật và nhờ cô giúp. Tuy nhiên, món nào là bí mật con muốn che giấu thì tuyệt đối giữ.

8. Không tò mò đọc nhật kí của con hay dò hỏi bạn bè con. Càng làm vậy, con càng ức chế và xa lánh bố mẹ.

9. Làm bất kể việc gì với con cũng cần đàm phán và cho con lựa chọn các hướng thực hiện và yêu cầu viết cam kết. Đàm phán trước cả các hình phạt và hậu quả khi con vi phạm cam kết. Khi vụ việc xảy ra, chỉ cần thực hiện đúng những gì đã cam kết trước.

10. Luôn đặt con ở vị trí người lớn để bàn bạc mọi việc chứ không áp đặt bất kể việc gì.

Ảnh minh hoạ.

11. Khi bố mẹ sai, cần thành khẩn xin lỗi con và chấp nhận hình phạt. Tuyệt đối không bao biện và chối tội. Càng nghiêm túc, con càng nể và phục bố mẹ để học theo.

12. Bàn bạc với con về tương lai và chỉ cho con cả ưu và nhược điểm của từng phương án. Tôn trọng lựa chọn của con.

13. Khi con có chuyện không ổn, để con tự xử lý mọi việc chứ không nhúng tay vào. Con hỏi đến thì tư vấn, còn không thì chỉ quan sát thôi.

14. Nếu cảm thấy có khó khăn, liên hệ ngay với các chuyên gia để xử lý mọi việc.

15. Giáo dục giới tính cho con cẩn thận liên tục theo năm. Gần gũi sẻ chia và không đánh mắng để nắm mọi việc của con kịp thời.

16. Cuối cùng và quan trọng nhất. Tính cách quyết định mọi thứ, các cha mẹ cần, rất rất cần để ý quan sát và giáo dục tính cách con hơn mọi thứ khác. Học hành chậm 1, 2 năm không sao nhưng tính cách không ổn là có hại cả đời con.

Tôi nghĩ thời điểm này rất nhạy cảm và quan trọng. Các cha mẹ đừng quá chủ quan nếu biểu hiện con là tốt vì có thể con đang che giấu điều gì đó mà cha mẹ không biết. Nhưng cũng đừng quá lo lắng mà kiểm soát làm con mệt mỏi, chán nản, ức chế.


Chuyên gia tâm lý, kỹ năng sống, TS. Vũ Thu Hương
Ý kiến của bạn