Hà Nội

Chuyên gia khuyến cáo thí sinh cần tỉnh táo để không "sập bẫy" điểm sàn

23-07-2023 17:42 | Thời sự
google news

SKĐS - Hiện nhiều trường đại học trên cả nước đã công bố mức điểm sàn nhằm đáp ứng yêu cầu chất lượng đầu vào, đồng thời giúp thí sinh có căn cứ để đăng ký nguyện vọng xét tuyển. Tuy nhiên, các chuyên gia lưu ý thí sinh cần phân biệt rõ điểm sàn và điểm chuẩn để tránh nhầm lẫn đáng tiếc.

Mức điểm sàn đại học cao nhất năm nay là bao nhiêu?Mức điểm sàn đại học cao nhất năm nay là bao nhiêu?

SKĐS - Hiện nhiều trường đại học đã công bố điểm sàn năm 2023. Đa số các trường đại học lấy điểm sàn quanh mức 20 điểm, một số trường 15-16.

Tránh nhầm lẫn giữa điểm sàn và điểm chuẩn trúng tuyển

Trước đây, điểm sàn của tất các trường đại học, cao đẳng trên cả nước do Bộ GD&ĐT quy định nhưng kể từ năm 2018, các trường tự quyết định điểm sàn, Bộ GD&ĐT chỉ quy định điểm sàn nhóm ngành Sức khỏe và Sư phạm. 

Để giúp thí sinh không nhầm lẫn, mơ hồ giữa điểm sàn và điểm chuẩn, TS. Trần Khắc Thạc - phụ trách Phòng đào tạo, Trường Đại học Thủy Lợi phân tích, ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào (hay còn gọi là điểm sàn) là ngưỡng điểm tối thiểu thí sinh phải đạt được để các trường đại học lấy làm cơ sở nhận hồ sơ xét tuyển. Đây chưa phải là điểm trúng tuyển. 

Theo TS. Trần Khắc Thạc, điểm chuẩn là mức điểm thí sinh cần đạt được để đủ điều kiện trúng tuyển vào ngành học của trường đăng ký xét tuyển. Điểm chuẩn sẽ được các trường xác định bằng việc lấy điểm từ trên cao xuống thấp cho đến khi đủ chỉ tiêu. Vì thế, điểm chuẩn thường cao hơn điểm sàn.

Chuyên gia khuyến cáo thí sinh cần tỉnh táo để không "sập bẫy" điểm sàn - Ảnh 2.

Thí sinh tham dự ngày hội tư vấn tuyển sinh đại học 2023.

TS. Võ Thanh Hải - Phó hiệu trưởng Trường Đại học Duy Tân cho biết, hiện nay các trường mới chỉ thông báo điếm sàn, sau khi thí sinh đăng ký nguyện vọng, nộp lệ phí xong, Bộ GD&ĐT lọc ảo thì mới đến bước công bố điểm chuẩn.

Thời điểm này là thời gian rất quan trọng để thí sinh đăng ký nguyện vọng, TS. Võ Thanh Hải khuyến cáo thí sinh không nên thấy các trường có điểm sàn thấp mà nghĩ rằng điểm trúng tuyển thấp, vì điểm chuẩn có thể sẽ lớn hơn hoặc bằng điểm sàn. Điểm chuẩn lớn hơn nhiều khi số thí sinh đăng ký thi nhiều, trong khi chỉ tiêu thấp. Thí sinh nên tham khảo điểm chuẩn năm 2022 các ngành của trường mà mình định đăng ký xét tuyển.

Thực tế ghi nhận vào mùa tuyển sinh đại học năm 2022, điểm sàn một số trường khi được công bố thì ở mức "dễ thở" nhưng điểm chuẩn lại hơn điểm sàn khá nhiều. Ví dụ điểm sàn xét tuyển năm 2022 của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân áp dụng cho phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT là 20 điểm. Tuy nhiên, điểm chuẩn các ngành lại cao hơn nhiều so với điểm sàn, từ 6-8 điểm, dao động từ 26,10 đến 28,60 điểm.

Trường Đại học Ngoại thương công bố mức điểm sàn xét tuyển 2022 dựa trên kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2022 của tất cả tổ hợp là 23,5, nhưng điểm chuẩn trúng tuyển các nhóm ngành trụ sở chính Hà Nội và cơ sở II – TP.HCM của trường khá cao, ngành thấp nhất lấy điểm chuẩn là 27,5 và cao nhất là 28,4.

GS.TS Nguyễn Văn Minh - Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cho rằng, việc đảm bảo chất lượng hàng năm là điều kiện cần; tức là phải có khả năng tối thiểu để quy định đầu vào; còn về sau các trường trên cơ sở nền tảng này có thể lấy các điểm chuẩn cao hơn nhiều so với điểm sàn đã đặt ra. Điểm sàn là điều kiện cần chứ không phải là điều kiện đủ.

Cần tham khảo điểm chuẩn ở năm trước để đăng ký nguyện vọng xét tuyển phù hợp

Thầy Đinh Đức Hiền - giáo viên hệ thống giáo dục FPT cho rằng, với các trường đại học top đầu, xét tuyển khối B và có điểm chuẩn trúng tuyển năm 2022 là 27 điểm, năm nay điểm chuẩn dự kiến sẽ khó tăng; nếu có tăng cũng sẽ tăng rất thấp, khoảng 0,15-0,25 điểm. Nhưng với các trường top giữa, có điểm chuẩn trúng tuyển từ 20-23 sẽ tăng nhiều hơn, vào khoảng từ 1-2 điểm. Nhóm trường có điểm chuẩn từ 24-26 điểm sẽ có điểm chuẩn dao động tầm 0,5-1 điểm.

Theo thầy Hiển, năm nay là năm đầu tiên Bộ GD&ĐT thay đổi cách tính điểm ưu tiên. Việc cộng điểm ưu tiên theo tuyến tính sẽ kìm hãm việc tăng điểm chuẩn nên sẽ không còn tình trạng điểm chuẩn một số ngành học vượt mức 30 điểm như các năm trước.

GS.TS Nguyễn Đình Đức - Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH Công nghệ, ĐHQG Hà Nội cho biết: Về mức điểm tốt nghiệp THPT năm nay, dự báo ở một số ngành sẽ có biến động một chút về điểm xét tuyển và có lẽ sẽ không tăng đối với khối Khoa học Tự nhiên. Thậm chí, do tỉ lệ % chỉ tiêu của các phương thức tuyển sinh khác có thể tăng lên nên điểm chuẩn đại học dựa trên kết quả điểm thi tốt nghiệp THPT có thể giảm từ 0,5-1 điểm.

Về cơ bản, kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển vào đại học năm nay không có sự biến động lớn so với năm ngoái và các trường đại học yên tâm sử dụng kết quả để tuyển sinh. Thí sinh cũng có thể tham khảo điểm chuẩn của các trường trong năm 2022 trên cơ sở điểm thi của mình để đăng ký nguyện vọng xét tuyển phù hợp.

Mặc dù còn hơn một tuần nữa để thí sinh đăng ký, điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển nhưng theo các chuyên gia, để tránh quá tải hệ thống thì sau khi tìm hiểu, các thí sinh nên đăng ký nguyện vọng sớm, tránh đổ dồn đăng ký vào những ngày cuối cùng. Thí sinh cần cân nhắc, tính toán kỹ lưỡng để lựa chọn nguyện vọng sao cho phù hợp với sở thích, năng lực của mình.

Theo kế hoạch của Bộ GD&ĐT, thí sinh đăng ký, điều chỉnh và bổ sung nguyện vọng đến 17h ngày 30/7. Điểm chuẩn đại học sẽ được công bố trước 17h ngày 22/8.

Chuyên gia dự báo điểm chuẩn đại học ngành Y năm 2023Chuyên gia dự báo điểm chuẩn đại học ngành Y năm 2023

SKĐS - Theo các chuyên gia, năm nay điểm chuẩn xét tuyển đầu vào hệ đại học chính quy khối ngành Y có thể tăng nhẹ.


Đỗ Vi
Ý kiến của bạn