Hà Nội

Chuyên gia khuyến cáo: Phái đẹp đừng thờ ơ với nội tiết tố nữ

25-07-2019 16:31 | Phòng mạch online
google news

SKĐS -Suy giảm nội tiết tố nữ chính là nguyên nhân hàng đầu cướp đi tuổi xuân của người phụ nữ. Phụ nữ sau sinh, phụ nữ tiền mãn kinh, mãn kinh là đối tượng thường bị suy giảm nội tiết tố nữ nhiều nhất, tuy nhiên, tình trạng suy giảm nội tiết tố nữ lại đang có nguy cơ trẻ hóa khi mà không ít phụ nữ trẻ cũng gặp phải tình trạng này.

Nguyên nhân nào dẫn đến thiếu hụt estrogen ở nữ giới?

Theo PGS.TS. Vũ Bích Nga, Trưởng Khoa Nội tiết đái tháo đường,  Viện trưởng Viện Đái tháo đường và các bệnh rối loạn chuyển hóa - Trường Đại học Y Hà Nội: Estrogen là một nội tiết tố chính và rất quan trọng trong cơ thể phụ nữ, đóng vai trò phát triển giới tính và cơ quan sinh dục cho phái nữ, giúp hình thành những đặc tính của phụ nữ như: giọng nói thanh hơn, vai nhỏ, ngực nở, làn da mịn màng, ba vòng rõ rệt …

Estrogen còn giúp cho niêm mạc tử cung phát triển, cùng với một loại nội tiết tố khác là progessteron tạo nên chu kỳ kinh nguyệt đều đặn hàng tháng, giúp tạo ham muốn, khoái cảm và duy trì khả năng tình dục ở phụ nữ. Estrogen còn giúp cho quá trình thụ thai đạt kết quả.

Theo PGS Nga, có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến sự thiếu hụt estrogen ở nữ giới, nhất là khi phụ nữ bước vào thời kỳ mãn kinh, do nang trứng giảm tiết estrogen hoặc do mắc bệnh phải cắt bỏ buồng trứng,  bệnh u nang buồng trứng hay do tuổi tác. Thực tế là từ sau tuổi 35, cơ thể người phụ nữ đã bắt đầu có sự suy giảm estrogen.

PGS.TS. Vũ Bích Nga, Trưởng Khoa Nội tiết đái tháo đường,  Viện trưởng Viện Đái tháo đường và các bệnh rối loạn chuyển hóa - Trường Đại học Y Hà Nội.

Ảnh hưởng nghiêm trọng tới tính tình, nhan sắc và sinh lý nữ

Theo PGS. Nga, khi bị thiếu hụt estrogen biểu hiện dễ nhận thấy nhất ở phụ nữ khi bị rối loạn nội tiết là các triệu chứng về phụ khoa như: kinh nguyệt không đều, thưa, mất kinh, rong kinh, cường kinh, đau bụng kinh hoặc các bệnh liên quan như: lạc nội mạc tử cung, cơ quan sinh dục là âm đạo sẽ bị viêm, teo, khô  âm đạo gây cảm giác đau, rát, dễ viêm nhiễm âm đạo và giảm ham muốn tình dục…. Ngoài ra, thiếu estrogen còn làm giảm hấp thu canxi vào xương gây nên bệnh  loãng xương, thoái hóa khớp, tăng nguy cơ các bệnh về tim mạch như tăng huyết áp, bệnh mạch vành, gây ảnh hưởng đến tâm sinh lý phụ nữ.

Thiếu estrogen khiến phụ nữ giảm lớp mô mỡ dưới da làm làn da trở nên nhăn nheo, mau lão hóa, xuất hiện nám, tàn nhang, tóc khô giòn, dễ gãy... Đôi khi một sự mất cân bằng nội tiết tố cũng khiến chị em tăng cân nhanh chóng, cơ thể bốc hỏa, hồi hộp, mất ngủ, cáu gắt, trầm cảm, PGS. Nga nhấn mạnh.

Chia sẻ về vấn đề này, PGS. TS. Lưu Thị Hồng, Tổng Thư ký Hội Phụ sản Việt Nam, nguyên Vụ trưởng Vụ Sức khỏe bà mẹ và trẻ em, Bộ Y tế cho rằng cuộc đời người phụ nữ được chia làm các giai đoạn:

Giai đoạn 1: Từ trẻ em đến tuổi dậy thì (chu kỳ kinh đầu tiên), bước vào giai đoạn cơ thể bắt đầu tiết estrogen (các bé gái rất nở nang).  Đối với cơ thể bé gái thì giai đoạn này có 2 chất đó là progessteron và Estrogen nhưng Estrogen là vai trò chủ đạo trong vấn đề thay đổi đột biến cơ thể của bé gái giúp vóc dáng, hình thể, giọng nói, làn da, tính cách định hình nữ tính,  tạo sự khác biệt giữa bé gái và bé trai.

Giai đoạn thứ 2: Giai đoạn hoạt động tình dục mạnh, tuổi sinh sản,  từ sau khi dậy thì đến tuổi trưởng thành 30 tuổi, đây là giai đoạn hoạt động sinh sản phát triển mạnh.

Giai đoạn 3: Giai đoạn từ ngoài tuổi 30 có sự suy giảm estrogen do quá trình nuôi con nhỏ, công việc bận rộn khiến cho người phụ nữ không để ý và nhận biết được sự thiếu hụt này. Đối với phụ nữ sau sinh bên cạnh giảm nội tiết sau sinh thì giai đoạn này phụ nữ cho con bú khiến cho việc tăng tiết  Progesterone giúp việc tiết sữa, giảm estrogen, dẫn đến ức chế buồng trứng hoạt động khi đó estrogen sẽ bị thiếu hụt. Các biểu hiện thiếu hụt estrogen rất rõ rệt như rụng tóc, vết nám, sạm da… đặc biệt là chức năng tình dục suy giảm rõ rệt, do thiếu hụt estrogen.

Giai đoạn 4: Giai đoạn  từ  sau tuổi 30 đến 50 tuổi là giai đoạn tiền mãn kinh. Giai đoạn này, sự thiếu hụt estrogen rất rõ ràng như vóc dáng béo hơn, làn da chảy xệ... Đây là giai đoạn phụ nữ hay gặp khủng hoảng về tâm lý. Ngoài cơn bốc hỏa, tim đập hồi hộp, âm đạo khô hạn, khô ráp, còn có thể xuất hiện các bệnh như: tiểu đường, huyết áp cao, loãng xương, suy giảm trí nhớ.

Theo TS. Hồng, thông thường mọi người vẫn nghĩ, sự thiếu hụt nội tiết tố (estrogen) thường diễn ra ở độ tuổi tiền mãn kinh. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, sự thiếu hụt nội tiết tố có thể diễn ra xuyên suốt trong cuộc đời của phụ nữ. Ở tuổi dậy thì những bé gái thường phổng phao do nội tiết tố estrogen tạo nên sự nữ tính về hình thể. Tuy nhiên, do cơ thể đang phát triển nhanh nên có thể lượng estrogen không sản xuất kịp để đáp ứng, dẫn đến thiếu hụt nội tiết tố estrogen đặc biệt ở giai đoạn kinh nguyệt còn chưa ổn định.

Quá trình lão hóa tự nhiên bắt đầu diễn ra ở tuổi 30, cùng với đó là sự suy giảm của buồng trứng dẫn đến suy giảm estrogen. Biểu hiện là những vết nám da, sạm da sẽ xuất hiện ngày càng nhiều hơn, sự khô rát âm đạo thường xuyên xảy ra hơn, PGS. Hồng nhấn mạnh.

PGS. TS. Lưu Thị Hồng, Tổng Thư ký Hội Phụ sản Việt Nam, nguyên Vụ trưởng Vụ Sức khỏe bà mẹ và trẻ em, Bộ Y tế.

Cần làm gì?

Để phòng thiếu hụt estrogen,  PGS.TS. Vũ Bích Nga khuyến cáo,  chị em cần có một chế độ ăn uống hợp lý, cân bằng giữa rau củ quả và các loại thịt từ động vật. Nên ăn nhiều thực phẩm chứa chất xơ, giàu vitamin C. Bên cạnh đó cần bổ sung các loại thực phẩm có chứa các chất tương tự estrogen của cơ thể phụ nữ như các sản phẩm từ đậu nành giúp tăng estrogen trong cơ thể một cách tự nhiên. Ngoài ra, chị em nên tập thể dục thường xuyên để tăng cường sức đề kháng cho cơ thể, không nên thức quá khuya, hạn chế tiếp xúc với môi trường ô nhiễm và các chất độc hại. Nếu có các biểu hiện bất thường về rối loạn nội tiết, chị em cần đi khám ở các bệnh viện, trung tâm y tế để được tư vấn và hỗ trợ điều trị kịp thời.

Chia sẻ về vấn đề có nên uống bổ sung nội tiết tố không, PGS. Nga cho rằng,  trên thực tế việc điều trị thiếu hụt nội tiết tố dựa trên nguyên nhân. Vào giai đoạn mãn kinh, các bác sĩ cũng có chỉ định rất cụ thể vi dụ như: không sử dụng nội tiết tố bổ sung cho phụ nữ quá tuổi 60, không sử dụng kéo dài quá 5 năm. Trước khi bổ sung estrogen cần kiểm tra tiền sử gia đình. Đối với những người trong gia đình có mẹ hoặc bản thân người đó mắc ung thư vú, có khối u buồng trứng, u tủ cung thì không bổ sung estrogen.

Trong quá trình bổ sung estrogen, người dùng phải theo dõi, khám định kỳ, điều chỉnh liều cho phù hợp. Nếu trong quá trình sử dụng sản phẩm bổ sung estrogen, phát hiện thấy có xuất hiện tổn thương, hoặc xuất hiện u, bác sĩ sẽ chỉ định dừng.

Với người trẻ chưa sinh nở thì việc bổ sung nội tiết tố cần cân nhắc kỹ lưỡng. Nếu sử dụng dài người dùng có nguy bị suy buồng trứng. Chính vì vậy,  ở người trẻ tuổi, việc bổ sung estrogen cần xem xét và có chỉ định của các nhà chuyên môn. PGS Nga nhấn mạnh.


Khánh Mai
Ý kiến của bạn