Khi tuổi tác đến, ghi dấu thời gian trên gương mặt, nhiều người đã nhờ đến phẫu thuật tạo hình - thẩm mỹ căng da vùng mặt và cố tìm lại làn da tươi trẻ ngày xưa để níu giữ tuổi xuân. Nhất là khi chuẩn bị đón Tết, nhu cầu làm đẹp của phụ nữ gia tăng.
Biến chứng do tiêm filer mũi từ các tiệm spa chăm sóc da.
Biến chứng do căng da mặt bằng chỉ
Hiện nay, xu hướng căng da mặt bằng chỉ không cần thẩm mỹ được nhiều người ưa chuộng vì mức độ xâm lấn nhẹ, ít gây tổn thương. Tuy nhiên, không ít người bị rơi vào tình cảnh “tiền mất, tật mang”. Mới đây, PGS. TS. BS. Đỗ Quang Hùng, Tổng Thư ký Hội Phẫu thuật Thẩm mỹ TP.HCM đã tiếp nhận chị N.N.H. (40 tuổi, ngụ quận Tân Bình, TP. Hồ Chí Minh) bị biến chứng đau mặt và viêm tấy vùng mổ do căng da mặt bằng chỉ từ cơ sở thẩm mỹ tư nhân. Theo lời kể của bệnh nhân do muốn trẻ trung hơn nên chị đã đến căng da ở thái dương tại một cơ sở làm đẹp tại quận 3, TP.HCM. Nhưng sau một tháng chị vẫn thấy đau 2 bên thái dương nên đã đến gặp BS. Đỗ Quang Hùng để cầu cứu chữa trị. BS. Hùng phải phẫu thuật lấy bỏ chỉ căng da thái dương cho chị do biến chứng mưng mủ.
Theo BS. Hùng đây chỉ là một trong nhiều trường hợp bệnh nhân bị biến chứng khi đi làm đẹp ở cơ sở thẩm mỹ tư nhân. Trước đó, ông cũng đã tiếp nhận bệnh nhân nhập viện khi mũi đã có dấu hiệu hoại tử và vùng da sống mũi có biểu hiện thủng. Theo lời kể của bệnh nhân, 2 tháng trước chị muốn làm đẹp cho mũi thẳng, nhằm thanh tú cho khuôn mặt nên đã đi nâng mũi bằng chỉ tại một cơ sở thẩm mỹ tại TP. HCM, sau 2 tuần chị thấy đau nhức không chịu được, người sốt và chị phải nhập viện để điều trị. Sau khi thăm khám, các BS Hùng quyết định phẫu thuật “cứu sống” mũi cho chị. Bệnh nhân đã được bác sĩ phẫu thuật lấy ra 26 sợi chỉ khỏi mũi và làm sạch vết thương đang nhiễm trùng.
Thời gian gần đây, bên cạnh những phương pháp quen thuộc như phẫu thuật dựng nâng mũi, căng da, tiêm chất làm đầy... thì phương pháp làm đẹp bằng chỉ đang trở thành một cơn sốt trên các diễn đàn làm đẹp của phái đẹp. “Phương pháp cấy chỉ có xâm lấn vào da thịt khách hàng nên được thực hiện bởi các bác sĩ có chứng chỉ phẫu thuật thẩm mỹ, chứ ngay cả bác sĩ da liễu, các spa cũng không được làm” - BS. Hùng nhấn mạnh.
Biến chứng nâng mũi bằng chỉ phải phẫu thuật lại.
Đừng để “tiền mất, tật mang”
Hiện BS. Đỗ Quang Hùng và đồng nghiệp thường xuyên tiếp nhận các bệnh nhân bị biến chứng sau khi làm đẹp ở các cơ sở thẩm mỹ chui, spa, các tiệm uốn tóc... và đã cảnh báo nhiều lần nhưng vẫn có nhiều người không sợ, trong đó có cả những người có trình độ học vấn cao. “Thậm chí bệnh nhân còn giấu giếm, không cho biết mình đã làm ở cơ sở nào”, BS. Hùng cho hay.
Theo các chuyên gia, đa phần các spa, thẩm mỹ viện, tiệm uốn tóc thường cử người đi học các khóa ngắn hạn chừng 3-4 tháng theo kiểu dạy nghề, sau đó về thực hiện cho khách. Những nơi nhận đào tạo cũng không quan tâm trình độ học vấn của học viên. Trong khi đó, các thủ thuật nâng mũi, căng da, tạo má lúm đồng tiền, nhấn mí đều là những thủ thuật có xâm lấn, phải được các bác sĩ chuyên khoa được cấp chứng chỉ hành nghề thực hiện. Chính vì vậy, đã có không ít khách hàng gặp phải biến chứng, thậm chí bị thương tật suốt đời do đến với những dịch vụ làm đẹp thiếu chuyên nghiệp, hoạt động không có giấy phép và những lời quảng cáo hấp dẫn vẫn thu hút được nhiều người.
Để đảm bảo an toàn cho bệnh nhân, BS. Hùng khuyến cáo, các chị em có nhu cầu làm đẹp cần tỉnh táo và sáng suốt để lựa chọn những trung tâm thẩm mỹ uy tín, có đội ngũ tư vấn, bác sĩ chuyên khoa để thực hiện dịch vụ. Việc ham rẻ hay tin vào những quảng cáo với “một tấc lên trời” sẽ xảy ra nhiều hậu quả khó lường, nguy hiểm tới tính mạng và tiền mất tật mang.
PGS.TS.BS. Đỗ Quang Hùng cho biết, hiện TP.HCM có 4.000 thẩm mỹ viện, spa. Mở những cơ sở này rất dễ, người kinh doanh chỉ cần đến phòng kinh tế quận, huyện đăng ký trong vòng 24 giờ sẽ được cấp phép. Vốn điều lệ của họ chỉ vài chục triệu mà không trải qua quá trình thẩm định cơ sở vật chất, trình độ chuyên môn. Có bệnh nhân sau khi phẫu thuật xỏ chỉ làm mí đôi, nâng đặt sống mũi, tạo má lúm đồng tiền... gặp phải biến chứng gây hoại tử. Hỏi ra mới biết, họ vào các diễn đàn không tin cậy, bị dụ dỗ đến các thẩm mỹ viện, spa không có người chuyên môn nên lãnh hậu quả. BS. Hùng khuyên: Để tránh “tiền mất, tật mang”, trước khi đi điều trị người dân nên vào trang web chính thống của ngành y, tìm hiểu kỹ về trình độ chuyên môn của bác sĩ, cơ sở y tế đã có giấy phép chuyên ngành thẩm mỹ hay chưa? Cũng theo BS. Hùng, làm đẹp là nhu cầu tất yếu của con người, thế nhưng khi có nhu cầu giải phẫu bất kỳ bộ phận nào trên cơ thể, khách hàng cũng nên thận trọng vì ca mổ nào cũng có thể xảy ra tai biến. Tai biến ít hay nhiều phụ thuộc vào tay nghề bác sĩ, cơ địa bệnh nhân và môi trường phẫu thuật có đảm bảo vệ sinh hay không... Vùng mặt là nơi thường được bệnh nhân chọn để giải phẫu làm đẹp nhiều nhất và dù đây là vùng có nhiều mạch máu, có sức đề kháng tốt, ít bị nhiễm trùng so với các vùng khác trong cơ thể, nhưng vẫn có thể xảy ra các tai biến khó lường trước.
BS. Hùng dẫn chứng: Đối với những người cắt mí mắt có thể gặp các tai biến như sưng bầm vết thương hoặc chảy máu, nhất là những trường hợp lớn tuổi. Có bệnh nhân trong lúc mổ không bị chảy máu nhưng sau khi về nhà lại bị chảy máu. Nguyên nhân là do trong lúc mổ, bệnh nhân được tiêm thuốc tê co mạch ngăn biến chứng nhưng sau đó khi hết thuốc, bệnh nhân có thể bị biến chứng. Ngoài ra, phương pháp làm trẻ hóa đang được nhiều phụ nữ hưởng ứng có thể gây tai biến là căng da mặt. Nếu gặp phải bác sĩ thiếu kinh nghiệm, bệnh nhân có thể bị chảy máu, sẹo lớn, liệt thần kinh mặt (dây VII), nhiễm trùng vết mổ... mà vết thương trong căng da mặt thường rất lớn. Với nhiều trường hợp, khi đã bị tai biến, việc khôi phục trở lại như lúc đầu là không thể được.