Hà Nội

Chuyên gia khuyến cáo gì để phòng nguy cơ đột quỵ, sốc nhiệt trong đợt cao điểm nắng nóng?

17-05-2023 11:00 | Y tế

SKĐS - Thời tiết miền Bắc và miền Trung đang bước vào đợt nắng nóng cao điểm với nhiệt độ có lúc lên đến 38 - 40 độ C. Các chuyên gia y tế lưu ý thời tiết nắng nóng tác động rất nhiều đến sức khỏe, làm gia tăng các ca đột quỵ, sốc nhiệt...

Theo dự báo từ ngày 17/5 trở đi, nắng nóng xuất hiện trên diện rộng ở cả Bắc Bộ, các tỉnh, thành phố từ Thanh Hóa đến Phú Yên với nhiệt độ cao nhất phổ biến từ 36-39 độ C, có nơi trên 40 độ C.

Đây được nhận định là đợt nắng nóng diện rộng kéo dài nhất từ đầu năm đến nay ở khu vực Bắc Bộ và Trung Bộ.

Theo các bác sĩ, thời tiết nắng nóng như hiện nay tác động rất nhiều đến sức khỏe, làm gia tăng các ca đột quỵ, sốc nhiệt. Nắng nóng là yếu tố thuận lợi khiến những người có các yếu tố nguy cơ của đột quỵ não như tiểu đường, tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu, các bệnh lý mạch máu, loạn nhịp tim, bệnh van tim, bệnh lý chuyển hóa, béo phì, hút thuốc lá, lạm dụng rượu bia… có thể bị đột quỵ.

Chuyên gia khuyến cáo gì để phòng nguy cơ đột quỵ, sốc nhiệt trong đợt cao điểm nắng nóng? - Ảnh 1.

Theo dự báo, từ ngày 17/5 trở đi, nắng nóng xuất hiện trên diện rộng ở nhiều nơi. Ảnh: Tuấn Anh

ThS.BS Nguyễn Duy Chinh, khoa Các bệnh mạch máu, Bệnh viện Tim Hà Nội cho biết các đối tượng dễ bị đột quỵ là:

  • Trẻ sơ sinh, trẻ dưới 4 tuổi và người lớn trên 65 tuổi đặc biệt dễ bị tổn thương vì cơ thể thích nghi với nhiệt độ chậm hơn những người khác.
  • Những người mắc các bệnh mạn tính về tim, phổi, thận, béo phì hoặc thiếu cân, tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh tâm thần, nghiện rượu.
  • Người dân sống trong khu vực đô thị dễ bị đột quỵ do nhiệt trong một đợt nắng nóng kéo dài, đặc biệt khi có điều kiện khí quyển ứ đọng và chất lượng không khí kém.
  • Những người lao động, vận động viên hoạt động ngoài trời trong thời tiết nắng nóng kéo dài.

Theo BS Chinh, thời tiết nắng nóng khiến nhiệt độ cơ thể tăng, bài tiết nhiều mồ hôi từ đó gây mất nước. Nếu người bệnh không bổ sung nước kịp thời sẽ khiến máu dễ bị kết dính và lưu thông kém. Hậu quả làm tăng huyết áp, dễ hình thành cục máu đông và gây tắc nghẽn mạch máu. Từ đó, tăng nguy cơ sốc nhiệt và đột quỵ.

Chuyên gia khuyến cáo gì?

Theo khuyến cáo của chuyên gia của Bệnh viện Bạch Mai, trong điều kiện nắng nóng bất thường như hiện nay cần chú ý đến điều kiện tập luyện, nên tránh thời điểm nắng nóng nhất thường từ 12 giờ đến 16 giờ, nên chọn sau thời điểm này, nhiệt độ dịu hơn. Bởi trong môi trường nắng nóng nếu tập luyện quá sức, nhiệt độ cơ thể tăng cao vượt quá ngưỡng chịu đựng của cơ thể sẽ có nguy cơ gây ra đột quỵ hoặc sốc nhiệt.

Bên cạnh đó, trong những ngày nắng nóng, nếu phải làm việc lâu ở ngoài trời, di chuyển một quãng đường dài thì cố gắng mỗi người phải có các biện pháp bảo vệ cơ thể như mặc quần áo bảo hộ lao động chống nắng, làm thông thoáng, che chắn, khi làm việc ngoài trời. Đặc biệt cần lưu ý uống đủ nước để phòng mất nước.

Nắng nóng cao điểm: Những đối tượng nào dễ bị đột quỵ? - Ảnh 2.

Theo các chuyên gia y tế, thời tiết nắng nóng tác động rất nhiều đến sức khỏe.

TS.BS Đào Việt Phương - Phó giám đốc Trung tâm đột quỵ, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, có nhiều yếu tố nguy cơ dẫn đến đột quỵ. Nếu kiểm soát tốt các yếu tố nguy cơ để hạn chế đột quỵ xảy ra thì đó là dự phòng cấp 1. Còn khi đã bị đột quỵ được xuất viện thì phải dự phòng cấp 2, sử dụng thuốc và các biện pháp kiểm soát các yếu tố nguy cơ đều đặn. Tuy nhiên, nhiều bệnh nhân đã không theo chỉ định của bác sĩ, tự ý bỏ thuốc và đã bị đột quỵ lần 2 với mức độ nặng tăng lên.

"Đột quỵ điều trị thành công hay không phụ thuộc vào việc người bệnh đến cơ sở y tế sớm hay muộn"- TS.BS. Đào Việt Phương nhấn mạnh.

Theo các bác sỹ, thời gian vàng để cấp cứu đột quỵ là 6 giờ đầu. 

Các dấu hiệu của bệnh đột quỵ là:

  • Rối loạn ý thức;
  • Méo miệng, nói khó, thậm chí không nói được,
  • Đột ngột mất thị lực;
  • Liệt 1 nửa cơ thể, liệt 1 tay, 1 chân, vận động khó khăn;
  • Chóng mặt bất thườngđau đầu dữ dội.

Khi thấy người bệnh có các dấu hiệu trên, người nhà nên nhanh chóng sơ cứu bệnh nhân bằng cách cho bệnh nhân nằm nghiêng, gối cao đầu và tạo thông thoáng đường thở.

Tiếp đó cần nhanh chóng đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất để được xử trí kịp thời. Tuyệt đối không cố gắng cho bệnh nhân ăn hoặc uống bất kỳ loại thuốc gì vì rất dễ gây sặc và nghẹt đường thở cho bệnh nhân.

Ngày 16/5: Có 2.013 ca mắc COVID-19 trong 24h quaNgày 16/5: Có 2.013 ca mắc COVID-19 trong 24h qua

SKĐS - Bản tin phòng chống dịch COVID-19 ngày 16/5 của Bộ Y tế cho biết có 2.013 ca mắc COVID-19 mới. Hôm nay có 275 bệnh nhân khỏi, 81 ca đang thở oxy.

Thái Bình
Ý kiến của bạn