Chuyên gia khuyến cáo 6 biện pháp phòng chống cháy nổ do điện

15-03-2024 15:00 | Xã hội
google news

SKĐS - Xã hội phát triển, nhu cầu lắp đặt, sử dụng các thiết bị điện của người dân ngày càng tăng, đi kèm với đó là nguy cơ chập cháy điện tăng cao. Do đó, Đại tá, PGS.TS Ngô Văn Xiêm, nguyên Phó hiệu trưởng Trường ĐH PCCC khuyến cáo người dân 6 biện pháp phòng chống cháy nổ do điện quan trọng.

Những năm gần đây, tình hình tai nạn cháy, nổ diễn ra trên địa bàn Hà Nội ngày càng phức tạp và đang có chiều hướng gia tăng. Công an TP. Hà Nội thống kê, từ năm 2018 đến nay, hơn 76% các vụ cháy, nổ trên địa bàn có liên quan đến hệ thống điện.

Theo Công an TP. Hà Nội, nguyên nhân chập cháy điện xuất phát từ nhu cầu lắp đặt, sử dụng các thiết bị điện của người dân ngày càng tăng, nhất là các thiết bị điện ngoài thiết kế ban đầu, do đó tiềm ẩn nguy cơ dẫn đến quá tải, chập điện gây cháy, nổ. Hơn nữa, các vụ cháy từ nguyên nhân này thường để lại hậu quả hết sức nặng nề.

Có thể kể đến những vụ cháy thiệt hại nghiêm trọng như vụ cháy căn chung cư mini tại số 37 ngõ 29/70 Khương Hạ (phường Khương Đình, quận Thanh Xuân) vào ngày 12/9/2023 khiến 56 người thiệt mạng và 37 người bị thương. Nguyên nhân gây cháy được xác định do chập mạch điện trên đường dây dẫn điện tại khu vực bình ắc quy thuộc phần đầu xe mô tô sử dụng động cơ xăng (loại xe tay ga) đặt giáp tường phía nam tầng 1.

Chuyên gia khuyến cáo 6 biện pháp phòng chống cháy nổ do điện- Ảnh 1.

Vụ cháy căn chung cư mini tại số 37 ngõ 29/70 Khương Hạ (phường Khương Đình, quận Thanh Xuân) vào ngày 12/9/2023 khiến 56 người thiệt mạng và 37 người bị thương. Ảnh: Internet.

Vụ cháy nhà dân tại số 116 Khu tập thể B9 Kim Liên (ngõ 65 Phạm Ngọc Thạch, phường Kim Liên, quận Đống Đa) ngày 21/4/2022 khiến 5 người chết cũng vô cùng thương tâm. Nguyên nhân vụ cháy được xác định do chập điện ắc quy xe máy dựng ở tầng 1 ngôi nhà.

Chuyên gia khuyến cáo 6 biện pháp phòng chống cháy nổ do điện- Ảnh 2.

Đám cháy tại phòng trọ tầng 3 trong ngôi nhà cao 5 tầng ở làng Triều Khúc (xã Tân Triều, huyện Thanh Trì) vào đêm 14/3. Ảnh: Internet.

Đêm qua 14/3 cũng đã xảy ra đám cháy tại phòng trọ tầng 3 trong ngôi nhà 5 tầng ở làng Triều Khúc (xã Tân Triều, huyện Thanh Trì) nguyên nhân do chập cháy tủ lạnh có vỏ nhựa. Tuy không có thiệt hại về người nhưng đây cũng là một lời cảnh tỉnh người dân cần cẩn trọng hơn khi sử dụng các thiết bị điện và nâng cao nhận thức về phòng chống cháy nổ do điện.

Những nguyên nhân gây cháy nổ do điện

Chia sẻ về vấn đề này, Đại tá, PGS.TS Ngô Văn Xiêm, nguyên Phó hiệu trưởng Trường Đại học PCCC cho biết, đối với các chung cư, chung cư mini, phòng trọ, các căn hộ gia đình, nhà ở hiện nay sử dụng nhiều loại thiết bị điện (tủ lạnh, tivi, bình nóng lạnh, bếp điện…), do nhiều yếu tố khác nhau trong quá trình sử dụng nên đều tiềm ẩn nguy cơ chập, cháy điện.

Theo PGS.TS Ngô Văn Xiêm, có 3 nguyên nhân chính dẫn đến các sự cố cháy, nổ do điện, đó là: cháy do chập mạch, cháy do mối nối dây không tốt (lỏng, hở) và cháy do quá tải hệ thống, thiết bị điện.

Ông cho biết, đối với thiết bị điện nói chung, mặc dù các nhà sản xuất đều cố gắng thiết kế, sản xuất trong điều kiện an toàn nhất có thể, tuy nhiên trong quá trình sử dụng lâu dài, các thiết bị điện xuống cấp, điều kiện an toàn giảm đi cùng nhiều nguyên nhân khác dẫn đến nguy cơ chập, cháy. Đặc biệt là đối với các thiết bị điện có vỏ bọc nhựa, sau thời gian sử dụng lâu năm, các lớp vỏ bọc nhựa mất đi khả năng bảo vệ an toàn nên dễ xảy ra sự cố cháy nổ.

Nguyên Phó hiệu trưởng Trường Đại học PCCC cũng chia sẻ, trong các dạng nguồn nhiệt gây cháy thì nguồn nhiệt phát sinh do năng lượng điện là dạng nguồn nhiệt nguy hiểm nhất. Do đó, người dân cần thận trọng khi sử dụng các thiết bị điện và chủ động trang bị những kiến thức về phòng chống cháy nổ do điện để có khả năng xử lý những sự cố cháy nổ bất ngờ xảy đến.

Khuyến cáo người dân 6 biện pháp phòng chống cháy nổ do điện

Để giúp người dân chủ động trong an toàn PCCC, Đại tá, PGS.TS Ngô Văn Xiêm khuyến cáo người dân 6 biện pháp phòng chống chập, cháy điện như sau:

Thứ nhất, cần chú ý kiểm tra thường xuyên và bảo dưỡng định kỳ các thiết bị, đồ dùng điện; bọc dây điện cẩn thận tránh nguy cơ chuột cắn gây rò rỉ điện; sửa chữa hoặc kịp thời thay thế đối với các thiết bị sử dụng lâu năm (đặc biệt là máy điều hoà nhiệt độ).

Thứ hai, hạn chế sử dụng cùng lúc nhiều thiết bị điện để tránh gây quá tải hệ thống điện; không dùng ổ cắm có nhiều đường ra để cùng lúc sử dụng nhiều thiết bị điện có công suất cao; không dùng dây dẫn có tiết diện nhỏ cho các thiết bị điện có công suất lớn;...

Thứ ba, nên tính toán và lựa chọn tiết diện của dây dẫn sao cho có đủ khả năng tải dòng điện đến các thiết bị mà nó cung cấp ngay từ ban đầu khi thiết kế nhà ở (nên đi dây điện âm tường); kiểm tra lắp đặt Áptômát hoặc cầu dao điện tổng cho đường dây điện chính trong nhà và cho từng đường dây điện phụ, từng gian phòng và từng thiết bị điện có công suất lớn.

Thứ tư, trước khi ra khỏi nhà phải tắt tất cả các thiết bị, đồ dùng điện và trước khi đi ngủ phải kiểm tra lại các thiết bị, đồ dùng như đèn, quạt..., cắt điện đối với các thiết bị không cần thiết.

Thứ năm, cần chấp hành nghiêm quy định của Nhà nước về an toàn PCCC và nâng cao nhận thức về phòng chống cháy nổ do điện (như tham gia các buổi đào tạo, hướng dẫn về PCCC) để có kiến thức, biết cách ứng phó khi xảy ra các sự cố chập, cháy bất ngờ.

Thứ sáu, cần trang bị và học cách sử dụng các dụng cụ chữa cháy cơ bản. Khi xảy ra cháy phải nhanh chóng ngắt cầu dao điện tổng, báo cho mọi người xung quanh biết, báo Cảnh sát PCCC theo số điện thoại 114 và dùng phương tiện chữa cháy tại chỗ dập lửa. Tuyệt đối không dùng nước dập lửa khi chưa cắt điện.

Tháng 2/2024 xảy ra nhiều vụ cháy gây thiệt hại nghiêm trọng về người

SKĐS - Trong số hàng trăm vụ cháy xảy ra trong tháng 2/2024, chỉ có hơn 1 nửa là đã tìm ra nguyên nhân cháy, còn lại vẫn đang được điều tra.

Xem thêm video đang được quan tâm:

VIDEO - Cháy chung cư minni: Do chập điện tủ lạnh, xe tay ga và những con đường “Không lối thoát”.



Linh Chi Vũ
Ý kiến của bạn