1. Không nên tập thể dục quá sớm
BS. Nguyễn Ngọc Định, Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Y học cổ truyền Trung ương cho biết, thực tế việc tập thể dục quá sớm vào mùa đông sẽ gây ra nhiều tác hại hơn có lợi.
Vào mùa Đông, nhiệt độ buổi sáng sớm thường khá thấp, cộng thêm hiện tượng sương mù dày đặc. Hơn thế, do thời tiết lạnh, trời sáng muộn hơn nên cây cối cũng quang hợp muộn hơn. Vì lý do này mà lúc 4-5 giờ sáng, lượng khí carbon do cây thải ra vẫn còn nhiều trong không khí, có thể gây hại cho sức khỏe, đặc biệt là những người cao tuổi, người có tiền sử bệnh mạn tính như hen suyễn, tăng huyết áp, bệnh tim mạch…
Để đảm bảo sức khỏe, bạn cần ngủ đủ giấc. Sau khi thức dậy, chúng ta có thể khởi động nhẹ nhàng tại nhà để cơ thể tỉnh táo. Nên tập thể dục muộn hơn để tránh nhiễm lạnh đột ngột. Nếu thời tiết rét đậm, bạn không nên tập thể dục ngoài trời.
Tập thể dục quá sớm vào mùa đông sẽ gây ra nhiều tác hại hơn có lợi.
2. Khởi động kỹ trước khi tập thể dục
Khởi động trước khi tập thể dục là hoạt động cần thiết cho cơ thể. Tuy nhiên, việc khởi động khi tập thể dục vào mùa lạnh cần kéo dài lâu hơn vì lúc này thân nhiệt thấp, dành nhiều thời gian khởi động giúp làm ấm người, thư giãn cơ xương khớp để hoạt động tốt hơn.
Bạn có thể áp dụng các bài tập khởi động cơ bản như xoay cổ, vai, xoay cổ tay, xoay cẳng tay, cổ chân, xoay hông… Sau khi khởi động các khớp, có thể chạy tại chỗ, chạy nâng cao đùi hoặc gót chạm mông… Một số tư thế ép dọc, ép ngang, giãn cơ sẽ làm tăng sự dẻo dai của cơ, hạn chế chấn thương.
Thời tiết lạnh cần giữ ấm chân tay, tuyệt đối không đi chân đất khi tập thể dục, vì nếu đi chân đất chân sẽ bị lạnh, khiến cơ thể dễ bị nhiễm lạnh, đặc biệt là vùng tay chân dễ gây viêm khớp và nhiều căn bệnh khác ảnh hưởng đến sức khỏe.
3. Lưu ý cách thở khi tập thể dục
Không khí lạnh khiến bạn dễ bị viêm họng và mắc các bệnh về hô hấp. Vì vậy, nên chú ý cách thở trong lúc tập luyện như sau:
- Hít vào thật sâu qua đường mũi và thở ra từ từ đều đặn bằng đường mũi hoặc miệng.
- Tránh há miệng để hít không khí, điều này sẽ làm không khí lạnh xâm nhập trực tiếp vào họng, dễ gây viêm họng và các bệnh lý hô hấp khác.
4. Uống nhiều nước
Thực tế mùa lạnh mọi người đều lười uống nước hơn, ít có cảm giác khát nước hơn mùa nóng. Tuy nhiên, việc cung cấp đủ nước cho cơ thể đặc biệt quan trọng trong thời tiết lạnh giá.
Bạn có thể uống nước trước, trong và sau khi tập luyện để bổ sung thêm nước cho cơ thể, tránh nguy cơ mất nước, ảnh hưởng đến hiệu suất luyện tập. Ngoài ra, uống nhiều nước cũng giúp môi và da không nứt nẻ trong mùa hanh khô.
5. Mang thêm áo khoác khi đi tập thể dục vào mùa đông
Khi trời lạnh, để tránh bị hạ thân nhiệt đồng thời phòng ngừa viêm đường hô hấp, cảm cúm, bạn nên mặc thêm áo khoác để giữ ấm cơ thể và có thể cởi ra khi đổ mồ hôi.
Đừng mặc trang phục có chất liệu 100% cotton vì mồ hôi không thể bay hơi khiến cơ thể nhiễm lạnh. Tốt nhất hãy dùng chất liệu cotton pha với polyester để giữ ấm và tạo cảm giác thoải mái khi tập luyện trong mùa đông.
Trong quá trình tập luyện, luôn lắng nghe cơ thể, tránh chủ quan, tập quá sức. Nếu có bất thường phải ngừng tập và nghỉ ngơi. Người có tình trạng sức khỏe đặc biệt cần tham khảo ý kiến bác sĩ để đảm bảo an toàn khi tập thể dục trong mùa đông.
Mời bạn đọc xem tiếp video:
Đừng để cơ thể mệt mỏi khi thức dậy bởi đau cổ gáy! | SKĐS