Ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng phòng Dự báo Khí hậu, Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, diễn biến thời tiết rõ ràng nhất năm nay là hiện tượng mưa cực đoan. Mưa nhiều, lũ lớn, do vậy các hiện tượng thời tiết và thiên tai dị thường liên quan đến bão lũ có thể sẽ xảy ra dồn dập ở mùa mưa lũ năm nay.
Hiện tượng mưa cực đoan là lượng mưa cao hơn trung bình nhiều năm, có thể xuất hiện các điểm mưa lớn kỷ lục và mưa dồn dập, liên tục, tạo ra nhiều tình huống nguy hiểm. Theo dự báo thì trong tháng 8 tại khu vực Bắc Bộ có tổng lượng mưa cao hơn trung bình nhiều năm từ 5-10%, tháng 9 cao hơn từ 10-30%. Tại khu vực Trung Bộ, tháng 10, 11 và nửa đầu tháng 12 có lượng mưa lớn hơn trung bình nhiều năm, xuất hiện các điểm mưa cực đoan.
"Với diễn biến này, trong các tháng cuối năm, Trung Bộ có khả năng thiên tai dồn dập như lũ quét, sạt lở đất giống như năm 2020. Thời điểm tháng 10,11/2020 ở Trung Bộ liên tục xuất hiện các đợt mưa lớn gây trượt lở đất ở nhiều khu vực. Năm nay, mưa có hình thế tương tự như năm 2020, tuy nhiên mức độ như thế nào cần phải xem xét thêm.
Dự báo mùa bão năm nay sẽ xuất hiện các cơn bão mạnh, trái quy luật do tác động của hiện tượng La Nina. Từ nay đến cuối năm còn khoảng 9 – 11 cơn bão trên biển Đông, trong đó có khoảng 4-6 cơn bão ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta.
Điểm đặc biệt của năm nay là không khí lạnh sẽ đến sớm nên có thể xảy ra sự kết hợp của không khí lạnh và xoáy thuận nhiệt đới. Sự tương tác này làm cho cường độ của bão có khả năng mạnh hơn và đường đi bất thường, phức tạp hơn", ông Nguyễn Văn Hưởng nhận định.
Từ nay đến hết tháng 7, đầu tháng 8, Bắc Bộ vẫn chịu tác động của nắng nóng. Xen kẽ các đợt nắng nóng là các đợt mưa lớn, kèm theo giông, sét, lốc xoáy rất nguy hiểm. Khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ có hiện tượng mưa rào và giông, cần đề phòng ngập úng.
Xu thế thời tiết khí tượng thủy văn từ tháng 8/2022 đến tháng 1/2021 được Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia nhận định hiện ENSO có khả năng tiếp tục duy trì ở trạng thái La Nina từ nay đến hết năm 2022 với xác suất khoảng 50-60%.
Từ nay đến tháng 01 năm 2023, dự báo trên khu vực Biển Đông có khoảng 09-11 cơn bão và ATNĐ, trong đó có khoảng từ 04-06 cơn khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta, ở mức cao hơn so với TBNN cùng thời kỳ. Đề phòng xảy ra bão dồn dập trong các tháng cuối năm 2022.
Từ tháng 8-9/2022, lượng mưa tại Bắc Bộ có khả năng ở mức xấp xỉ đến cao hơn TBNN. Trái lại, tại khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ tháng 8-9/2022, lượng mưa có xu hướng thiếu hụt so với TBNN. Từ tháng 10-11/2022, khu vực ven biển Trung Bộ và Tây Nguyên dự báo lượng mưa cao hơn TBNN, cảnh báo nguy cơ cao xảy ra mưa lớn dồn dập. Ngoài ra, cần đề phòng các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như giông, lốc, mưa đá trên phạm vi toàn quốc.
Nhiệt độ và nắng nóng, khu vực Bắc Bộ nhiệt độ trung bình tháng 8-9/2022 ở mức cao hơn TBNN khoảng 0,5 độ C; tháng 10/2022 ở mức xấp xỉ TBNN; tháng 11-12/2022 phổ biến thấp hơn TBNN khoảng 0,5 độ C; tháng 01/2023 nhiệt độ ở mức xấp xỉ TBNN cùng thời kỳ.
Khu vực Trung Bộ: Nhiệt độ trung bình tháng 8-9/2022 ở mức cao hơn TBNN khoảng 0,5 độ C; tháng 10/2022 xấp xỉ TBNN; tháng 11-12/2022 phổ biến thấp hơn TBNN khoảng 0,5 độ C; tháng 01/2023 nhiệt độ xấp xỉ TBNN cùng thời kỳ.
Khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ: Từ tháng 8-9/2022 nhiệt độ phổ biến cao hơn TBNN khoảng 0,5 độ C; từ tháng 10/2022 - 01/2023 nhiệt độ phổ biến xấp xỉ TBNN cùng thời kỳ.
Nắng nóng ở Bắc Bộ và Trung Bộ không gay gắt và kéo dài như năm 2021; trong tháng 8/2022 khả năng xuất hiện nắng nóng với nhiệt độ cao nhất ngày trên 37 độ C với xác suất 70-80%. Không khí lạnh có khả năng hoạt động sớm và nền nhiệt độ các tháng đầu mùa Đông ở các tỉnh miền Bắc có khả năng thấp hơn so với TBNN cùng thời kỳ.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Dự báo thời tiết 20/7: Miền Bắc kết thúc đợt nắng nóng, Hà Nội mưa rào rải rác| SKĐS