Theo phóng viên TTXVN tại Trung Quốc, trong bài viết đăng ngày 22/8 trên tờ Thời báo Hoàn cầu, Giáo sư Thang Bội cho rằng việc quản lý các cuộc khủng hoảng y tế trên phạm vi toàn cầu sẽ ngày càng trở nên khó khăn nếu chỉ dựa vào nỗ lực ứng phó khẩn cấp sau khi dịch bệnh bùng phát.
Ông nhấn mạnh tính cấp bách của việc thiết lập một cơ chế hợp tác quốc tế chặt chẽ và toàn diện để giải quyết một cách có hệ thống các vấn đề như tài chính, quyền sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ, chuỗi cung ứng và nguồn nhân lực trong y tế toàn cầu. Theo ông, chỉ bằng cách tăng cường xây dựng hệ thống y tế công cộng, các quốc gia mới có thể ngăn chặn nguy cơ bùng phát dịch bệnh và đạt được mục tiêu lớn hơn là xây dựng một cộng đồng y tế sức khỏe con người.
Giáo sư Thang Bội cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hưởng ứng lời kêu gọi của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) nhằm tăng cường hỗ trợ các nước châu Phi bị ảnh hưởng và ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh càng sớm càng tốt. Ông cho rằng các nước châu Phi cần đảm bảo được tiếp cận đủ vaccine và thuốc điều trị, cải thiện khả năng giám sát và xét nghiệm tại địa phương, cải thiện dịch vụ y tế, phổ biến thông tin y tế công cộng, thúc đẩy thay đổi hành vi, cung cấp hỗ trợ về kinh tế và xã hội...
Ngày 14/8, WHO đã ban bố tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng trên toàn cầu do bệnh đậu mùa khỉ bùng phát ở các nước châu Phi. Hiện bệnh đậu mùa khỉ đang lây lan ở CHDC Congo và các nước láng giềng với chủng đặc hữu Clade 1 và một biến thể mới được gọi là Clade 1b gây quan ngại toàn cầu do biến thể mới này dường như dễ lây lan hơn qua tiếp xúc gần. Cơ quan y tế Thụy Điển ngày 15/8 xác nhận ca đầu tiên nhiễm biến thể Clade 1b, trường hợp đầu tiên ở bên ngoài châu Phi nhiễm biến thể mới này của virus gây bệnh đậu mùa khỉ.