Chuyên gia hướng dẫn kỹ năng tránh đuối nước cho trẻ khi mùa mưa bão tới

17-10-2021 08:08 | Xã hội

SKĐS - Trước tình hình thiên tai đang được dự báo có nhiều diễn biến phức tạp, việc giáo dục, trang bị cho học sinh những kiến thức, kỹ năng ứng phó với thảm họa, thiên tai như bão, lũ lụt... là vô cùng quan trọng.

Giữa dịch COVID-19, hàng chục trẻ em bỏ mạng vì tai nạn đuối nướcGiữa dịch COVID-19, hàng chục trẻ em bỏ mạng vì tai nạn đuối nước

SKĐS - Theo báo cáo của Bộ GD&ĐT, từ đầu tháng 5/2021 đến ngày 20/9/2021, cả nước xảy ra 54 vụ tai nạn đuối nước liên quan đến trẻ em, làm tử vong 89 trẻ.

Vào mùa mưa bão, ở các khu vực có địa hình phức tạp luôn có nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét và sạt lở đất. Để đảm bảo an toàn và phòng chống đuối nước trong mùa mưa bão, chuyên gia về trẻ em, BS. Nguyễn Trọng An - nguyên Phó cục trưởng Cục Bảo vệ trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH) đã có hướng dẫn kỹ năng giúp các em tự bảo vệ mình từ đó giảm thiểu các thiệt hại không đáng có do thiên tai gây ra. 

Theo BS. Nguyễn Trọng An, đối với trẻ nhỏ từ mẫu giáo đến khi lớn, chúng ta có thể hỗ trợ các kỹ năng kiến thức nhưng còn tùy vào khả năng tiếp thu theo từng độ tuổi của các em.

  • Đầu tiên, hỗ trợ các em kiến thức kỹ năng sinh tồn, biết tồn tại ở môi trường nước thế nào. 
  • Khi chẳng may ngã xuống nước thì ngay lập tức phải bám vào cái gì, động tác vẫy tay ra sao để ngửa mặt được lên khỏi mặt nước. 
  • Cách để thả mình trôi theo dòng nước, các động tác bơi để vượt ra khỏi chỗ nguy hiểm bám vào vật gì đó. 
  • Các động tác sơ cấp cứu, cứu đuối nếu có xảy ra thì những trẻ lớn có thể cứu trẻ nhỏ. Rồi cứu đuối lên thì hô hấp nhân tạo, hà hơi thổi ngạt thế nào.

Bên cạnh những kỹ năng dạy các em sinh tồn dưới nước thì các bậc phụ huynh vùng mưa bão cũng cần lưu ý kỹ năng bảo vệ con em mình trong gia đình như: 

  • Giường nên có 3 vách để đêm trẻ không lăn xuống nước. 
  • Hoặc khi ngủ thì có sợi dây thòng vào cổ chân trẻ rồi đầu kia buộc vào thành giường hoặc vào can để nếu đêm ngủ trẻ rơi xuống nước thì có thể cứu được.

Để hạn chế thấp nhất rủi ro do thiên tai gây ra đối với trẻ em, theo các chuyên gia, phương pháp hiệu quả nhất hiện nay vẫn là việc giáo dục về phòng chống thiên tai tại trường học. Theo PGS.TS Nguyễn Hồng Phương - Viện Vật lý địa cầu, cần đưa chương trình giáo dục về bảo vệ môi trường và biến đổi khí hậu vào nhà trường từ những cấp thấp như tiểu học đến những cấp cao nhất như đại học. Cách tiếp cận linh hoạt tùy theo từng cấp học, với các kiến thức được mở rộng và nâng cao dần.

Giáo dục kỹ năng phòng, chống đuối nước cho trẻ em khi mùa mưa bão tới - Ảnh 1.

Dự báo từ nay đến cuối năm 2021, thiên tai còn nhiều diễn biến phức tạp. Ảnh minh họa

Ở các cấp thấp như tiểu học hay trung học, môn học phù hợp để lồng ghép các kiến thức này có thể là Giáo dục công dân hay các hoạt động ngoại khóa, các hình thức thăm quan hay tọa đàm với chuyên gia ngay tại lớp. 

Các trường đại học cũng cần có những bộ môn chuyên sâu về khoa học và công nghệ liên quan đến đánh giá mức độ nguy hiểm, ước lượng rủi ro do thiên tai và các biện pháp phòng chống thiên tai.

Một số kỹ năng phòng, chống đuối nước theo Viện Khoa học an toàn Việt Nam:

- Kỹ năng thoát hiểm khi bị đuối nước

Khi bị rơi xuống nước, tâm lý của chúng ta thường rất hoảng loạn. Ngay cả những người biết bơi cũng có nguy cơ chết đuối nếu bị rơi xuống nước bất ngờ. Để có thể tự cứu mình thoát khỏi chết đuối ngay cả khi không biết bơi, bạn cần:

Bước 1: Đầu tiên là phải tự sốc lại tinh thần, lấy lại bình tĩnh, bắt đầu nhắm mắt, ngậm miệng, nín thở (có thể lấy tay bịt mũi) để phổi không bị sặc nước, biến cơ thể thành cái phao cứu sinh đẩy người nổi dần lên.

Giáo dục kỹ năng phòng, chống đuối nước cho trẻ em khi mùa mưa bão tới - Ảnh 3.

Bước 2: Tiếp tục thả lỏng người để nước đẩy lên sát mặt nước trở về tư thế bập bênh bán an toàn, đầu nổi sát mặt nước, chân ở phía nước sâu.

Bước 3: Khi cơ thể đã đẩy lên mặt nước bạn dùng tay hoặc chân làm mái chèo, quạt nước đẩy đầu nhô khỏi mặt nước hoặc cũng có thể quạt nước xiên, đẩy người bơi đi dễ dàng bởi trong nước người trở nên nhẹ hơn so với trên cạn.

Bước 4: Khi chuyển động lên xuống, chuyển động về phía trước hãy nhớ trên mặt nước, há miệng to thở vào nhanh và sâu, dưới mặt nước ngậm miệng, thở ra từ từ bằng mũi hoặc bằng mồm. Khi nhô được lên mặt nước cố gắng ra tín hiệu cầu cứu để có người hỗ trợ nhanh nhất có thể.

- Kỹ năng cứu đuối và sơ cứu đuối nước đúng cách

Nguyên tắc này cần khẩn trương, đúng phương pháp với mục đích cấp cứu là giải phóng đường thở và cung cấp ôxy cho nạn nhân. Do vậy việc làm đầu tiên cần đưa nạn nhân ra khỏi nước: 

+ Nếu không biết bơi ta phải tìm khúc gỗ, phao… ném xuống cho họ bám vào để lên bờ hoặc chạy ngay đi tìm người lớn đến cứu. Tuyệt đối Không nhảy xuống nước nếu không biết bơi.

+ Nếu nạn nhân bất tỉnh dưới nước (chỉ xuống cứu khi người cứu biết bơi). Nếu không thì gọi người hỗ trợ hoặc dùng thuyền nếu có để ra cứu.

Giáo dục kỹ năng phòng, chống đuối nước cho trẻ em khi mùa mưa bão tới - Ảnh 4.

Đặt nạn nhân ở tư thế nằm ngửa trên mặt phẳng cứng. Nếu bệnh nhân tím tái, không thể tự thở, tim ngừng đập (sờ mạch không có) và không có bất cứ phản xạ nào thì phải ấn tim ngoài lồng ngực: Dùng hai tay chồng lên nhau đặt ngay vào vị trí một nửa dưới xương ức và ấn tim với tần số ép khoảng 100 lần/1 phút, đồng thời phải khai thông đường thở bằng cách dùng gạc hay khăn vải móc đờm dãi, dị vật khỏi miệng nạn nhân và hà hơi thổi ngạt, hô hấp nhân tạo với phương pháp miệng thổi miệng cho nạn nhân.

+ Nếu chỉ có một người tiến hành sơ cấp cứu, thì ấn tim ngoài lồng ngực 15 - 30 nhịp, sau đó hà hơi thổi ngạt 2 lần và tiếp tục lặp lại việc ấn tim ngoài lồng ngực với chu kỳ 15 - 30 lần ấn tim, 2 lần hà hơi thổi ngạt.

+ Nếu có hai người cấp cứu thì một người ấn tim ngoài lồng ngực, một người hà hơi thổi ngạt, kiên trì thực hiện cho đến khi nạn nhân hồi tỉnh trở lại hoặc cho đến khi nạn nhân được đưa đến cơ sở y tế gần nhất.

Xem thêm video đang được quan tâm:

27 địa phương đã chấp nhận phương án hoạt động trở lại các tuyến xe khách liên tỉnh

Đỗ Vi
Ý kiến của bạn