Hà Nội

Chuyên gia hướng dẫn cách xử trí khi trẻ bị sốt khi mọc răng

06-11-2019 14:30 | Phòng mạch online
google news

SKĐS - Mọc răng được cho là bước ngoặt đầu đời đánh dấu sự phát triển của trẻ. Thế nhưng, kèm theo mọc răng sẽ là các triệu chứng kéo dài như sốt, ho, khó chịu,… làm ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của trẻ. Vậy cha mẹ nên làm gì khi trẻ sốt mọc răng?

Thông thường, trẻ bắt đầu mọc răng sữa từ tháng tuổi thứ 6 và hoàn thiện đến khi bé được 3 tuổi. Tuy nhiên, tùy vào cơ địa của từng bé nên có thể mọc răng sớm hơn hoặc muộn hơn thì cha mẹ cũng đừng lo lắng. Khi trẻ mọc răng sẽ kèm theo các dấu hiệu bứt rứt, khó chịu, quấy khóc và dễ dang nhận thấy là sốt mọc răng. Ngoài ra, đây cũng là giai đoạn trẻ hay gặp phải các vấn đề về sức khỏe nên cha mẹ cần chuẩn bị sẵn tâm lý và kiến thức để chăm sóc bé.

Có nhiều trường hợp, trẻ bị sốt bởi những nguyên khác nhưng cha mẹ lại nhầm lẫn sang sốt mọc răng và không có sự can thiệp kịp thời, dẫn đến nguy hiểm cho các bé.

Theo BS Lê Huy Thành, khi trẻ mọc răng thì có các triệu chứng như:  Chảy nước dãi, nhiều trẻ khi mọc răng thường chảy nước miếng và thích ngậm gì đó trong miệng vì ngứa lợi. Khi mọc răng, cơ thể của trẻ yếu đi nên trẻ dễ bị bệnh, bị rối loạn tiêu hóa. Vào thời kì này hoặc sớm hơn, trẻ thường bị sốt nhẹ và đôi khi kèm đi tiêu phân lỏng, dân gian thường gọi là “tướt mọc răng”.

BS Lê Huy Thành.

Khi mọc răng, trẻ thường mệt mỏi, quấy khóc, ít ngủ, dễ bị kích động và bứt rứt khó chịu trong người. Ngoài ra, khi vệ sinh miệng cho bé cha mẹ quan sát thấy nướu, lợi có thể bị sưng đỏ, điều này làm trẻ có cảm giác ngứa ngáy, khó chịu tại chỗ răng đang nhú lên. Giai đoạn này, trẻ thường cho ngón tay, đồ chơi vào miệng để cắn. Những triệu chứng này thường xảy ra trước khi răng nhú lên 3-5 ngày. Ngoài ra, nướu nứt ra, có thể bị nhiễm trùng vùng răng miệng. Những triệu trứng này khiến trẻ thường quấy khóc nhiều, ăn uống kém và có thể bị sụt cân.

Nên làm gì khi trẻ sốt mọc răng?

Theo BS Thành ngay khi bé có biểu hiện sốt, các bậc cha mẹ nên theo dõi, cặp nhiệt độ liên tục. Nếu trẻ sốt gần 38℃ là sốt vừa, trên 38℃ là sốt cao. Khi bị sốt mọc răng, bạn có thể cho trẻ uống thuốc hạ sốt Paracetamol, liều lượng theo cân nặng có sự hướng dẫn của y bác sĩ.

Nếu trẻ sốt nhẹ hơn thì không cần uống thuốc. Nếu bé sốt cao hơn, đến 39℃ cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế gần , vì khi sốt quá cao trẻ sẽ có dấu hiệu co giật toàn thân, thiếu oxy lên não, tổn thương tế bào thần kinh khiến bé rơi vào tình trạng hôn mê sâu hoặc tử vong. BS Thành lưu ý.

ảnh minh họa.

Ngoài việc cho uống thuốc, khi trẻ sốt mọc răng người chăm sóc trẻ hoặc cha mẹ có thể lau mát hạ sốt cho bé bằng nước ấm, tránh dùng nước quá lạnh hay nước quá nóng. Đồng thời nên mặc cho bé những bộ đồ rộng rãi thoải mái để nhiệt thoát ra. Tăng cường các bữa bú cho bé trong ngày. Nếu bé không bú được, cần vắt sữa và cho bé ăn bằng thìa.

Nên cho bé uống thêm nước lọc (hoặc có thể pha sữa bình cho bé loãng hơn bình thường). Trường hợp bé không uống được nước, dùng tăm bông sạch chấm nước vào môi, miệng bé để bé không bị khô môi và cũng tránh được tình trạng mất nước.  Nếu bé đi đại tiện phân sệt nhiều lần trong ngày nhưng lượng phân và lượng nước ra ít thì không cần cho uống bù nước, hãy cứ cho ăn uống bình thường. Nếu phân nhiều nước hoặc bé đi quá nhiều lần thì nên đưa đếncơ sở y tế để được điều trị.

Ngoài ra, nếu tình trạng  bé quấy khóc, không chịu ăn kéo dài trong một tuần lễ, có nguy cơ gây chậm tăng cân, sụt cân... cũng cần đưa bé tới cơ sở y tế để được khám và điều trị. Nếu bé chỉ ăn ít trong vài ngày thì có thể không cần đi khám. BS Thành khuyến cáo.

Ở giai đoạn mọc răng, các chuyên gia khuyến cáo, cần chú ý giữ vệ sinh răng miệng cho trẻ thật tốt. Thường xuyên lau sạch nước miếng chảy quanh miệng trẻ bằng khăn mềm. Nhớ luôn luôn làm sạch nướu sau khi cho trẻ bú hoặc ăn. Dùng một miếng gạc hoặc vải mềm nhúng nước sạch quấn quanh ngón tay lau nhẹ nhàng và massage nướu. Nên cho trẻ uống nước lọc sau khi bú hoặc ăn dặm xong.

Không để bé tiếp xúc với những loại đồ chơi, vật dụng vuông thành sắc cạnh, vì có thể bé sẽ nhai và làm tổn thương nướu lợi. và một điều lưu ý là bé sốt mọc răng sẽ bị sốt nhẹ trong vòng vài ngày. Nếu bé bị sốt cao liên tục, nôn mửa có thể bé bị một bệnh khác chứ không phải do mọc răng.



Lê Mai
Ý kiến của bạn