Mới đây, thông tin từ Bệnh viện Bãi Cháy - Quảng Ninh cho biết, BV vừa điều trị thành công cho một bệnh nhân nữ 28 tuổi bị nhiễm sán dây bò.
Bệnh nhân đến khám trong tình trạng đau bụng, ngứa hậu môn, đại tiện phân lỏng… Cô gái cho biết cô có thói quen ăn bún bò chần tái kèm rau sống khoảng 3-4 lần/ tháng.
BSCKI Trần Quốc Tuấn - Phó Trưởng Khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bãi Cháy cho biết, sán dây bò sẽ gây ra một số triệu chứng cho bệnh nhân như đau bụng, ăn không ngon, sụt cân hoặc chóng mặt, đau đầu, thiếu máu hoặc thậm chí là hạ huyết áp... Đặc biệt đốt sán chui ra khỏi hậu môn bò ra ngoài.
Sán dây là một loại ký sinh trùng có thể sống và ăn trong ruột người. Sán dây trong ruột thường gây ra các triệu chứng nhẹ. Các triệu chứng từ trung bình đến nặng có thể bao gồm đau dạ dày và tiêu chảy. U nang ấu trùng có thể gây bệnh nghiêm trọng nếu chúng ở trong não, gan, phổi, tim hoặc mắt của một người.
1. Bệnh sán dây bò là gì?
Bệnh sán dây bò nghe có vẻ lạ lẫm nhưng thực ra nó đã có mặt từ rất lâu ở nước ta và thời gian vừa qua đã dần bị quên lãng. Ước tính trên thế giới có khoảng hơn 40 triệu người bị nhiễm bệnh sán dây bò và tại nước ta bệnh cũng có mặt ở hầu hết tất cả các tỉnh, thành phố. Cùng với sán dây lợn, bệnh sán dây bò cũng cần được quan tâm để phòng ngừa vì chúng thường chiếm tỷ lệ cao trong cộng đồng.
Theo các nhà khoa học, bệnh sán dây bò Taenia saginata ở nước ta chiếm tỷ lệ khoảng 78%, trong khi đó bệnh sán dây lợn Taenia solium chỉ chiếm tỷ lệ khoảng 22%, nên bệnh sán dây bò được cho là khá phổ biến hơn sán dây lợn.
Sán dây bò dài 4 -12m, có 1.200 - 2.000 đốt sán; người bị nhiễm bệnh thường do ăn thịt trâu bò tái, sống.
Hầu hết sán dây cần hai vật chủ khác nhau để hoàn thành vòng đời. Một vật chủ là nơi ký sinh trùng phát triển từ trứng thành ấu trùng, được gọi là vật chủ trung gian. Vật chủ khác là nơi ấu trùng trưởng thành, được gọi là vật chủ cuối cùng. Ví dụ, sán dây bò cần gia súc và con người để trải qua một vòng đời hoàn chỉnh.
Trứng sán dây bò có thể tồn tại trong môi trường hàng tháng hoặc hàng năm. Nếu một con bò, vật chủ trung gian, ăn phải cỏ có những quả trứng này, trứng sẽ nở trong ruột của nó. Ký sinh trùng non, được gọi là ấu trùng, đi vào máu và di chuyển đến các cơ. Nó tạo thành một lớp vỏ bảo vệ, được gọi là nang.
Khi con người, vật chủ chính, ăn thịt chưa nấu chín từ con bò đó, họ có thể bị nhiễm sán dây. Nang ấu trùng phát triển thành sán dây trưởng thành. Sán dây bám vào thành ruột nơi nó ăn. Nó tạo ra trứng đi qua phân của người đó.
Trong trường hợp này, bò được gọi là vật chủ trung gian và người là vật chủ chính thức. Sán dây bò có thể sống trong cơ thể người từ 20 đến 30 năm.
BS. Nguyễn Hoàng Anh, chuyên khoa Tiêu hóa cho biết: Trứng sán dây bò màu nâu sẫm, rất giống trứng của sán dây lợn nên khó phân biệt. Nang ấu trùng sán dây bò là một bọc chứa đầy chất lỏng trong có đầu ấu trùng, không có móc, có 4 giác bám và thường được gọi là "gạo bò" hay "bò gạo" (cysticercus bovis) nằm trong thịt bò với kích thước dài khoảng 7,5 đến 10mm và rộng khoảng 4 đến 6mm.
Về sinh học, sán dây bò ký sinh ở ruột non của người; những đốt sán già tự động ngắt ra khỏi thân sán và chủ động bò ra hậu môn rồi bò ra quần áo, giường chiếu. Do đó bệnh nhân thường không biết mình bị mắc bệnh do nhiễm sán dây bò.
2. Các yếu tố rủi ro khi nhiễm sán dây
Con người là vật chủ chính của một số loài sán dây. Họ có thể bị nhiễm sán dây sau khi ăn sống hoặc nấu chưa chín một số loại thực phẩm:
- Thịt bò
- Thịt lợn
- Cá
- Rau sống nhiễm trứng hoặc nang ấu trùng
Ngoài ra, thói quen rửa tay kém làm tăng nguy cơ mắc và lây lan bệnh nhiễm trùng. Trái cây và rau chưa rửa sạch cũng có thể mang trứng sán dây. Điều kiện sống thiếu vệ sinh và xử lý chất thải kém làm tăng nguy cơ gia súc bị nhiễm trứng sán dây từ người. Điều này làm tăng nguy cơ người ăn phải thịt bị nhiễm bệnh.
Người có thể là vật chủ trung gian của các loài sán dây khác. Điều này thường xảy ra khi họ uống nước hoặc ăn thức ăn có trứng sán dây. Con người cũng có thể tiếp xúc với trứng trong phân chó.
Các triệu chứng nhiễm sán thường xuất hiện nhiều năm sau khi nhiễm trùng bắt đầu. Chúng xảy ra khi hệ thống miễn dịch phản ứng với các mảnh vỡ của u nang, vỡ ra hoặc cứng lại. Các triệu chứng cũng xuất hiện khi một hoặc nhiều u nang ngăn cản hoạt động bình thường của cơ quan.
Nhiễm sán dây thường không gây biến chứng nguy hiểm ngay mà các vấn đề có thể xảy ra trong một thời gian dài, bao gồm:
- Suy dinh dưỡng: Khi sán dây bò sống trong ruột người, chúng sẽ sử dụng hết các chất dinh dưỡng khiến người bệnh thiếu máu, thiếu sắt và các vi chất cần thiết như vitamin B6, B12... dẫn đến suy dinh dưỡng.
- Thiếu máu: Nhiễm trùng sán dây trong thời gian dài có thể dẫn đến việc cơ thể không tạo đủ tế bào hồng cầu khỏe mạnh, còn gọi là bệnh thiếu máu. Điều này có thể xảy ra vì sán dây ngăn cơ thể nhận đủ vitamin B12.
- Tắc ruột: Bị bệnh sán dây bò, nếu có nhiều đốt, kéo dài, xoắn lại có thể bị làm tắc ruột, nếu không phát hiện kịp thời sẽ rất nguy hiểm cho cho tính mạng người bệnh.
- Tâm trạng lo lắng: Mọi người có thể lo lắng hoặc căng thẳng về việc bị nhiễm sán dây, nhìn thấy các bộ phận của sán dây trong phân.
- Phản ứng dị ứng nghiêm trọng: U nang ấu trùng có thể rơi ra các mảnh vụn hoặc vỡ ra. Khi hệ thống miễn dịch phản ứng, nó có thể gây ra các triệu chứng dị ứng nghiêm trọng. Các triệu chứng có thể bao gồm khó thở, ngất xỉu, sốt và tụt huyết áp.
3. Lời khuyên của thầy thuốc để phòng bệnh sán dây bò
BS. Nguyễn Hoàng Anh cho biết: Sán dây bò thường phân bố rộng rãi ở nhiều nơi trên thế giới kể cả nước ta nên việc phòng chống bệnh cần được quan tâm. Nguy cơ nhiễm bệnh sẽ xảy ra đối với những người và những vùng còn tập quán, sở thích ăn thịt lợn và thịt trâu bò tái, sống, không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.
Vì vậy cần lưu ý đến vấn đề này để chủ động phòng bệnh cho bản thân và gia đình; các bếp ăn tập thể ở trường học, công ty, xí nghiệp... cũng cần thực hiện nghiêm túc việc kiểm tra thực phẩm sử dụng hàng ngày để loại bỏ những nguy cơ có thể ảnh hưởng.
Thực hiện nghiêm túc các bước sau đây có thể giúp ngăn ngừa nhiễm trùng sán dây hoặc u nang ấu trùng sán dây.
- Rửa tay bằng xà phòng và nước trong ít nhất 20 giây. Điều này rất quan trọng sau khi đi vệ sinh, trước khi ăn, trước và sau khi xử lý thực phẩm.
- Rửa sạch trái cây và rau quả dưới vòi nước chảy trước khi ăn, gọt vỏ hoặc chế biến chúng.
- Rửa sạch thớt, dao và các dụng cụ nhà bếp khác bằng nước xà phòng sau khi tiếp xúc với thịt sống hoặc trái cây và rau chưa rửa.
- Không ăn thịt hoặc cá sống hoặc nấu chưa chín. Nấu chín toàn bộ thịt và cá ở nhiệt độ thấp nhất là 70 độ C và để yên trong ít nhất 5 phút.
- Đông lạnh thịt và cá có thể giết chết u nang ấu trùng. Đóng băng ở nhiệt độ âm 20 độ C hoặc thấp hơn trong 7 ngày.
- Đối với các gia đình nuôi thú cưng, nên khám kiểm tra sức khỏe định kỳ và điều trị ngay cho chó bị sán dây.
Xem thêm video đang được quan tâm
Giết mổ và ăn thịt lợn ốm, 1 người đàn ông nguy kịch.