Nên ưu tiên đăng kiểm xe vận tải, dịch vụ
Theo Cục Đăng kiểm Việt Nam, tính đến sáng ngày 10/3, Hà Nội chỉ còn 9/31 trung tâm đăng kiểm hoạt động, 24 trung tâm còn lại đã bị tạm dừng hoạt động theo yêu cầu của cơ quan Cảnh sát điều tra. Với 10 dây chuyền hiện có, mỗi ngày các trung tâm đăng kiểm tại Hà Nội chỉ kiểm định được khoảng 500 phương tiện cơ giới. Thực tế này gây áp lực lớn, dẫn đến tình trạng quá tải nghiêm trọng tại các trung tâm đăng kiểm đòi hỏi phải sớm có biện pháp tháo gỡ.
Ngày 13/3, Trung tâm đăng kiểm 29-07D (có địa chỉ tại Km1, Quốc lộ 3, Du Nội, Đông Anh, Hà Nội) sẽ hoạt động trở lại và vận hành 1 dây chuyền kiểm định với 3 đăng kiểm viên, dự kiến mỗi ngày kiểm định được từ 60-70 xe. Như vậy, thành phố Hà Nội sẽ có 10 trung tâm đăng kiểm phục vụ nhu cầu kiểm định xe cơ giới tăng cao trong thời gian qua.
KS Lê Văn Tạch, kĩ sư Công ty Toyota Việt Nam cho rằng, đăng kiểm xe ô tô ở Việt Nam tồn tại nhiều bất cập. Thời gian gần đây, nhiều vụ việc bị phanh phui, dư luận mới nhìn rõ được những mảng tối trong lĩnh vực này. Với việc hàng loạt trạm đăng kiểm bị đóng cửa, nhiều người phải đi hàng trăm kilomet để đăng kiểm xe. Có những tài xế phải xếp hàng cùng ô tô vài ngày mới đưa được xe vào trạm đăng kiểm.
Theo ông Tạch, từ kết quả điều tra của cơ quan cảnh sát điều tra cho thấy đã nhiều năm nay việc kiểm định chất lượng xe cơ giới mang nặng tính hình thức. Rất nhiều xe không đảm bảo chất lượng nhưng vẫn được cấp phép.
"Để xảy ra tình trạng này không phải lỗi của chủ phương tiện. Do vậy, các cơ quan chức năng cần phải sớm đưa ra các giải pháp để khắc phục tình trạng này. Trước tiên phải có giải pháp tình thế để sớm chấm dứt tình trạng ùn ứ phương tiện tại các trung tâm đăng kiểm. Còn giải pháp về lâu bền thì cần phải tìm được nguyên nhân cốt lõi dẫn đến tình trạng này để từ đó đưa ra giải pháp", KS Lê Văn Tạch nói.
KS Lê Văn Tạch đề xuất, thực tế cho thấy những xe cá nhân/xe gia đình không kinh doanh thì mỗi năm đi khoảng 1,5 vạn km, trong khi xe kinh doanh thường chạy khoảng trên 6 vạn km. Mặt khác, xe cá nhân/xe gia đình thường được chăm chút hơn xe chạy dịch vụ/kinh doanh.
"Tôi cho rằng giải pháp tình thế là cảnh sát giao thông sẽ không phạt lỗi quá hạn đăng kiểm tất cả các xe cá nhân/xe gia đình từ nay cho đến khi năng lực đăng kiểm trở lại bình thường, đáp ứng đủ nhu cầu đăng kiểm của người dân", KS Lê Văn Tạch đề xuất.
Miễn đăng kiểm lần đầu với xe mới
PGS.TS. Đàm Hoàng Phúc, Giám đốc Chương trình đào tạo kỹ thuật ô tô, Đại học Bách Khoa Hà Nội cho rằng, một trong những biện pháp giảm tải cho các trung tâm đăng kiểm là miễn đăng kiểm lần đầu với xe mới. Miễn đăng kiểm lần đầu sẽ tiết kiệm được một số tiền không nhỏ, giảm thiểu áp lực cho các trung tâm đăng kiểm hiện nay.
Ô tô mới chưa sử dụng khi bán ra không cần thực hiện các quy trình đăng kiểm như: kiểm tra phanh, hệ thống lái, khí thải là phù hợp bởi khi xuất xưởng, nhà sản xuất đã tiến hành quy trình thử nghiệm và kiểm tra các hạng mục trên, được Cục Đăng kiểm VN cấp giấy chứng nhận xuất xưởng, đảm bảo an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường (ATKT & BVMT) để đủ điều kiện bán ra thị trường, tham gia giao thông.
Việc bỏ qua các quy trình đăng kiểm lần đầu, kiểm tra các hạng mục trên là hợp lý, tiết kiệm thời gian và chi phí cho người dân để phục vụ những công việc khác, làm giàu cho đất nước. Đây chính là "ích nước, lợi nhà".
Bởi khi đưa sản phẩm ra thị trường, nhà sản xuất đã có trách nhiệm đảm bảo phương tiện đó đủ tiêu chuẩn về ATKT & BVMT phù hợp với tiêu chuẩn của Việt Nam. Ô tô phải đảm bảo có giấy chứng nhận đăng kiểm khi xuất xưởng. Theo Cục Đăng kiểm VN, thực hiện miễn kiểm tra ATKT & BVMT lần đầu, đồng nghĩa trách nhiệm của nhà sản xuất, lắp ráp nhập khẩu sẽ được tăng lên.
Cụ thể, trường hợp không phải kiểm tra ATKT & BVMT có thể phát sinh tình huống xe cơ giới sau khi đến tay người dân sẽ bị tự ý thay đổi, phương tiện có sự thay đổi so với thiết kế của nhà sản xuất trước khi đến đơn vị đăng kiểm để lập hồ sơ phương tiện mà không thể được phát hiện kịp thời. Do đó, việc bảo đảm ATKT & BVMT của xe cơ giới thuộc trách nhiệm chính của nhà sản xuất, nhập khẩu xe, chủ xe, lái xe.
Đối với doanh nghiệp bảo hiểm, cần phải phối hợp cùng nhà sản xuất, chủ xe để xác định trách nhiệm khi xảy ra vấn đề bảo hiểm, bồi thường.
Trường hợp Cục Đăng kiểm quản lý kiểm định như thời gian vừa qua, ông Phúc cho rằng điều này sẽ dẫn đến phát sinh nhũng nhiễu, tham nhũng vặt. "Theo tôi, để ngăn chặn tình trạng này phải có một đơn vị giám sát việc này", ông Phúc nhấn mạnh.
Ngoài ra, ông Phúc cho rằng, bên cạnh việc miễn đăng kiểm lần đầu, cơ quan chức năng nên chú trọng giãn chu kỳ đăng kiểm. Theo đó, giãn chu kỳ đăng kiểm nên có một cơ sở khoa học đánh giá, có con số tỷ lệ xe thế nào, tai nạn giao thông, tuổi xe… Việc giãn ra là hợp lý nhưng thời gian bao lâu phải có con số thống kê để áp dụng.
Cục Đăng kiểm Việt Nam (Bộ GTVT) đang khẩn trương sửa đổi Thông tư số 16, bổ sung quy định cho phép miễn kiểm tra kỹ thuật khi đăng kiểm lần đầu đối với ô tô mới sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu chưa qua sử dụng; nghiên cứu phương án kéo dài chu kỳ đăng kiểm với các phương tiện mới sử dụng, dự kiến sẽ ban hành trong tháng 3/2023.
Để giải quyết căn cơ việc thiếu hụt nhân sự, Cục Đăng kiểm Việt Nam đang nhanh chóng, khẩn trương triển khai các kỳ thi sát hạch đăng kiểm viên để sớm có nhân lực phân công về các đơn vị đăng kiểm nhận nhiệm vụ.
Ngày 12/3 vừa qua, kỳ thi sát hạch cấp chứng chỉ đăng kiểm viên đã được đơn vị này tổ chức tại Trung tâm đăng kiểm 2906V (Hà Nội) với 27 người dự thi. Dự kiến, ngày 19/3 tới, tại TPHCM, Cục Đăng kiểm Việt Nam sẽ tiếp tục tổ chức đợt sát hạch với hơn 60 học viên tham dự.