Chuyên gia hiến kế giảm tai nạn do rượu bia

PGS.TS. Phạm Việt Cường

PGS.TS. Phạm Việt Cường

Giám đốc trung tâm nghiên cứu chính sách và phòng chống chấn thương, Trường ĐH Y tế Công Cộng

06-05-2019 07:59 | Phòng mạch online
google news

SKĐS - Liên tiếp thời gian gần đây, các vụ lái xe say xỉn gây tai nạn chết người đã xảy ra khiến dư luận phải lên tiếng. Chỉ vì uống bia, rượu, nhiều lái xe đã trở thành kẻ sát nhân, nhiều gia đình mất đi người thân.

Thống kê của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cho thấy, tai nạn giao thông do rượu bia chiếm 40% số vụ tai nạn giao thông (TNGT), nhưng việc xử lý không đơn giản. Vậy, cần có giải pháp nào để đủ sức răn đe nhằm giảm tình trạng uống bia rượu khi lái xe.

Phóng viên Báo suckhoedoisong.vn đã có cuộc trao đổi với PGS.TS. Phạm Việt Cường- Giám đốc trung tâm nghiên cứu chính sách và phòng chống chấn thương, Trường ĐH Y tế Công Cộng- Là một giảng viên/nghiên cứu viên, một người đã tham gia tích cực hỗ trợ việc xây dựng dự thảo luật phòng chống rượu bia sẽ chia sẻ về vấn đề này.

PV: Liên tiếp các vụ việc tai nạn giao thông gần đây liên quan đến lái xe có sử dụng bia rượu, nhiều người và cơ quan chức năng cũng đã đưa ra những thông điệp "uống có trách nhiệm", "ứng xử đúng mực khi uống rượu bia, đã uống rượu thì không lái xe...", theo PGS những thông điệp này có đủ sức để ngăn chặn tình trạng sử dụng rượu bia như hiện nay?

PGS.TS. Phạm Việt Cường: Rượu bia là 1 trong 3 nguyên nhân hàng đầu làm gia tăng TNGT trên thế giới bao gồm cả Việt nam đặc biệt là đối với nhóm 15-49 tuổi. Các nguyên cứu cũng cho kết quả có tới trên 30% các vụ TNGT có liên quan đến sử dụng rượu bia.

Các thông điệp truyền thông về uống có trách nhiệm và ứng xử đúng mực là những cảnh báo, tuyên truyền tốt cho xã hội. Tuy nhiên các thông điệp này mới chỉ dừng ở mức cảnh báo và chúng ta phải mong đợi việc tự thay đổi hành vi của người dân và điều này thì thường diễn ra rất chậm. Nếu chỉ có việc tuyên truyền, cảnh báo thì theo tôi khó có thể hạn chế sự gia tăng của sử dụng rượu bia như hiện nay.

PGS.TS. Phạm Việt Cường- Giám đốc trung tâm nghiên cứu chính sách và phòng chống chấn thương, Trường ĐH Y tế Công Cộng tham gia tọa đàm về kiểm soát rượu bia ở Việt Nam

PV: Có ý kiến đề nghị nên đánh thuế rượu bia, thật cao và xử phạt thật nặng các hành vi vi phạm pháp luật trong tình trạng say thay vì việc cấm bán rượu bia?

PGS.TS. Phạm Việt Cường: Thuế là một trong các biện pháp được nhiều quốc gia trên thế giới áp dụng trong việc giảm sự gia tăng của sử dụng rượu bia. Theo khuyến cáo của WHO, chính sách thuế là một trong các biện pháp hiệu quả nhất để kiểm soát tác hại của rượu bia, để giảm gánh nặng bệnh tật và tử vong do rượu bia gây ra. Các hành vi vi phạm pháp luật cần phải được xử phạt nặng cũng được nhiều nước áp dụng. Các biện pháp này ở mức độ nào đó đều mang lại những hiệu quả nhất định.

Tuy nhiên, theo tôi việc phòng và ngăn những trường hợp vi phạm, không để nó xảy ra sẽ rất quan trọng. Tại Việt nam, rượu/bia là một mặt hàng rất phổ biến chúng ta có thể mua/bán rất dễ dàng. Người dân, không kể lứa tuổi có thể mua được mặt hàng này vào mọi thời điểm trong ngày với giá tương đối rẻ. Việc uống không có kiểm soát và luôn được kích thích bởi bạn bè, đồng nghiệp hay những thông điệp quảng cáo như: đem lại sức mạnh, thành công … làm cho việc sử dụng rượu bia đặc biệt là nam giới là hết sức phổ biến (77% nam giới có sử dụng RB). Thêm nữa, không những chúng ta sử dụng nhiều mà chúng ta đang uống ở mức có hại (>5 đơn vị RB/lần uống) là rất nhiều.

PV: Các nước hạn chế tác hại của bia rượu như thế nào, ông có thể cho một vài ví dụ được không, thưa PGS?

PGS.TS. Phạm Việt Cường: Có rất nhiều biện pháp để hạn chế tác hại của rượu bia, tuy nhiên các bằng chứng khoa học đã chứng minh và Tổ chức YTTG cũng đã đưa ra khuyến cáo về Ba biện pháp đem lại hiệu quả nhất bao gồm:  (i) Chính sách thuế và giá; (ii) kiểm soát sự sẵn có của rượu bia; (iii) kiểm soát quảng cáo, tiếp thị rượu bia

Chính sách thuế và giá được áp dụng rất phổ biến theo báo cáo của tổ chức YTTG, 165 quốc gia có chính sách điều chỉnh giá bán, trên 90% các quốc gia áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với rượu, bia.  Ở khu vực Đông Nam Á, hiện nay thuế tiêu thụ đặc biệt với rượu bia được áp dụng ở tất cả các quốc gia. Trong đó, 6 quốc gia hiện đang áp dụng thuế tuyệt đối hoặc thuế hỗn hơp (Singapore, Brunei, Indonesia, Philippines, Malaysia, Thái Lan), và có 4 quốc gia còn đang áp dụng thuế tỷ lệ với rượu bia (Campuchia, Lào, Myanmar, Việt Nam)

Kiểm soát sự sẵn có cũng là một biện pháp được áp dụng nhiều. Hiện nay nhiều quốc gia trên thế giới có các quy định để kiểm soát sự sẵn có của rượu bia, bao gồm quy định về điểm bán uống tại chỗ, điểm bán mua mang đi, ngày được bán tùy thuộc vào loại đồ uống. Trên 50% số quốc gia có quy định về giờ được phép mở cửa. Đa số các quốc gia áp dụng việc cấp phép đối với bán lẻ rượu bia bao gồm cả việc cấp phép cho bán để uống tại chỗ, mang đi hoặc tại các sự kiện đặc biệt. Cấp phép cũng bao gồm các điều kiện về giờ kinh doanh, đối tượng không được bán hoặc phục vụ (trẻ vị thành niên và người say rượu), hạn chế về độ tuổi.

Chính sách quảng cáo, tiếp thị. Nhiều nghiên cứu cho thấy quảng cáo rượu bia thúc đẩy việc sử dụng ở người trẻ và làm gia tăng mức độ tiêu thụ rượu bia. Nhiều quốc gia hiện có các chính sách hạn chế và kiểm soát quảng cáo về rượu bia bao gồm : cấm quảng cáo toàn bộ hoặc  một phần trên các phương tiện truyền thông;  kiểm soát nội dung thông điệp quảng cáo; thêm các cảnh báo sức khỏe trên các nhãn hàng; kiểm soát việc quảng cáo trên internet và mạng xã hội.

PV: Theo ông chúng ta cần có những thay đổi gì để  giảm tình trạng sử dụng rượu bia ? Vậy, theo PGS các chiến lược về kiểm soát rượu bia là như thế nào?

Việt Nam là một quốc gia có tỷ lệ gia tăng sử dụng rượu bia rất nhanh. Báo cáo năm 2018 của tổ chức YTTG trung bình người Việt 15 đã tiêu thụ ở mức 8,3 lít cồn nguyên chất/năm. Trong khi các quốc gia khác lượng tiêu thụ chậm lại, hoặc giảm thì chúng ta nằm trong số các quốc gia có tỷ lệ và lượng tiêu thụ gia tăng. Ngoài việc tỷ lệ người uống cao thì chúng ta cũng đang sử dụng rượu bia ở mức có hại rất lớn. Để đảm bảo cho sức khỏe của người dân và nâng cao chất lượng sống cho quần thể chúng ta cần phải có những chiến lược phù hợp để kiểm soát việc sử dụng rượu bia bao gồm:

- Cần thiết phải có một hành lang pháp lý đủ mạnh để kiểm soát việc sử dụng rượu bia.

- Áp dụng các biện pháp đã mang lại hiệu quả ở nhiều nước trên thế giới và trong khu vực bao gồm: chính sách thuế/giá, kiểm soát tính sẵn có và kiểm soát quảng cáo, tiếp thị.

-Tuyên truyền về tác hại của sử dụng rượu bia không có kiểm soát cho người dân.

-Một điểm cuối cùng rất đặc thù của Việt nam là kiểm soát rượu tự nấu, tự sản xuất một cách hiệu quả hơn.

Xin trân trọng cảm ơn PGS. TS Phạm Việt Cường!


Khánh Mai
Ý kiến của bạn