Làm gì để quá trình mua sắm thuốc, vật tư y tế được nhanh chóng?
Tại tọa đàm "Các giải pháp để khắc phục tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế" do Cổng thông tin Chính phủ tổ chức ngày 12/8, TS Nguyễn Huy Quang- nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế khẳng định, tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị y tế đặc biệt là vật tư tiêu hao, hóa chất trải dài từ bệnh viện thuộc Bộ đến tuyến tỉnh, huyện, trạm y tế… Việc thiếu thuốc, vật tư tiêu hao gây ảnh hưởng đến chất lượng khám chữa bệnh. Điều này cũng ảnh hưởng đến tính công bằng cũng như vấn đề an sinh xã hội.
Trước vấn đề đặt ra 'Quốc hội và Chính phủ cần sửa đổi những quy định nào liên quan đến lĩnh vực này để bảo đảm quá trình mua sắm thuốc, vật tư y tế được thực hiện nhanh chóng và kịp thời hơn?', TS Nguyễn Huy Quang cho rằng trước tiên phải có đánh giá về việc thiếu thuốc, thiếu vật tư y tế ở Trung ương, ở bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến huyện, trung tâm y tế… mức độ thiếu như thế nào, thiếu ở những dòng thuốc nào?
Khi có đánh giá cụ thể như thế này, cần phải xem nguyên nhân ở từng đơn vị vì mỗi đơn vị ở vùng miền khác nhau, mô hình bệnh tật khác nhau, cách quản lý cũng khác nhau. Vì vậy, cần phải có đánh giá này càng sớm càng tốt.
Thứ hai, đề nghị Chính phủ sớm xem xét các vướng mắc đã được Bộ Y tế đề cập trong dự thảo trình Chính phủ. Đây là những vấn đề vượt quá thầm quyền của Bộ Y tế, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và BHXH Việt Nam.
Thứ ba, một số văn bản sắp hết hạn như Nghị quyết 12 của Quốc hội và một số nội dung liên quan đến giá thuốc trong Luật Dược, một số quy định của Luật Đấu thầu, cần phải xem xét những vướng mắc cơ bản vì thuốc và trang thiết bị y tế là những mặt hàng kinh doanh có điều kiện và rất đặc trưng, liên quan trực tiếp đến sức khỏe của con người, rất cần phải có những giải pháp như nào để triển khai thực hiện.
Thứ tư, về mặt thể chế, Bộ Y tế cần khẩn trương sửa đối và sớm ban hành các thông tư liên quan hướng dẫn đấu thầu, thông tư về đăng ký thuốc, liên quan giá thuốc, thông tư hướng dẫn mua sắm trang thiết bị y tế, trong đó có vật tư y tế ở các mức độ khác nhau.
Đồng thời rà soát lại toàn bộ những vấn đề thuộc thẩm quyền của Bộ Y tế, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch Đầu tư mà vướng mắc, ảnh hưởng đến quá trình đấu thầu.
Thứ năm, nâng cao năng lực và tính chịu trách nhiệm của các cơ quan có liên quan đến công tác đấu thầu, trong đó có Trung tâm mua sắm đấu thầu thuốc tập trung Quốc gia, các đơn vị liên quan của Bộ Y tế, các sở y tế, các đơn vị khám chữa bệnh, tùy theo từng mức độ. Từ đó, phải nâng cao năng lực của đội ngũ làm công tác đấu thấu.
Thứ sáu, phải ứng dụng công nghệ thông tin, trong đó các phần mềm quản lý về đấu thầu để theo dõi về công tác đấu thầu, việc thừa thiếu thuốc, trang thiết bị y tế…
Thứ bảy, nâng cao năng lực quản trị nhà nước, trong đó có quản lý nhà nước, quản lý giữa UBND tỉnh và Sở Y tế, Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư.
Quy định thời điểm bán trang thiết bị y tế khi mua sắm, đấu thầu được xác định là thời điểm phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu: Tháo gỡ được gì?
Liên quan đến vấn đề này, tại dự thảo Nghị quyết của Chính phủ, Bộ Y tế xây dựng đã đề xuất việc quy định thời điểm bán trang thiết bị y tế khi mua sắm, đấu thầu được xác định là thời điểm phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu, thay vì quy định tại thời điểm mua bán như trước đây. Quy định này được cho là sẽ gỡ khá nhiều nút thắt về lạm phát, trượt giá. Quan điểm của TS. Nguyễn Huy Quang cho rằng 'chúng ta đang nói cả về trang thiết bị, cả vật tư tiêu hao. Chúng ta cũng đề cập đến Thông tư 15 và nhiều thông tư khác'.
"Rõ ràng đối với thuốc, chúng ta có phân nhóm, nhưng với vật tư tiêu hao, vật tư y tế không có phân nhóm rõ ràng. Cho nên có dư luận xã hội nói là cùng 1 cái giá là 15.000 đồng, nhưng giá của nó chỉ là 1.800-1.900 thôi. Nhưng rõ ràng là nếu chúng ta mua cái chỉ 1.800-1.900 ở một hãng nào đấy ở các quốc gia chậm phát triển thì chất lượng không thể bằng cái mười mấy nghìn được"- TS Nguyễn Huy Quang phân tích.
Theo nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế, phải có phân nhóm, từ phân nhóm như vậy đặt ra tiêu chí đấu thầu.
Ví dụ như BV Bạch Mai hay các BV tuyến cuối thì phải ở mức độ cao hơn, chứ không thể lấy những vật tư y tế 1.900-2.000 trong khi giá đến 200.000-300.000. Rõ ràng có khác nhau, nhưng như giám đốc bệnh viện cũng chẳng dám mua cái 200.000. Như vậy sẽ vi phạm quy định, cho nên chúng ta cũng cần lưu tâm.
Với dự thảo Nghị quyết của Chính phủ, TS Quang cho rằng sẽ tháo gỡ được một số khó khăn trước mắt hiện nay, trong đó cũng tính đến việc phải áp dụng thời điểm bán, đấu thầu trang thiết bị y tế là thời điểm phê duyệt giá trúng thầu.
"Tôi cho là sẽ khắc phục được những yếu tố trước đây. Chúng ta tính giá của thời kỳ trước mà chưa tính tới lạm phát, liên quan đến các yếu tố cắt đứt chuỗi cung ứng, trong đó có tăng giá của logictisc, vận chuyển rồi bảo quản…"- TS Huy Quang nói.
Cũng theo nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế: "Với giá như bây giờ, trang thiết bị nằm kho trong một thời gian dài nữa, nên tính đến thời điểm phê duyệt giá trúng thầu, tôi cho rằng đáp ứng được tương đối sát với thị trường hiện nay và chúng ta sẽ làm cho các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tổ chức đấu thầu, sẽ đáp ứng được yêu cầu đặt ra, bệnh viện sẽ yên tâm và các công ty trúng thầu sẽ yên tâm".