Nằm trong hoạt động Kỷ niệm 110 năm thành lập, BV Bạch Mai tổ chức Hội thảo quốc tế về COVID-19 với sự tham gia và chia sẻ kinh nghiệm của các chuyên gia hàng đầu trên thế giới và Việt Nam.
GS.TS Greg Fox- Trường đại học Sydney, Australia
Tại buổi hội thảo, GS.TS Greg Fox đến từ Trường đại học Sydney, Australia chia sẻ chủ đề: "Quản lý, điều trị bệnh nhân COVID-19, từ kinh nghiệm chống dịch của Australia".
Theo GS.TS Greg Fox, COVID-19 là một bệnh hô hấp cấp tính do virus gây ra một loạt các biểu hiện khác nhau, từ không có triệu chứng đến tình trạng nguy kịch và tử vong.
Bằng chứng từ các thử nghiệm lâm sàng đã cho thấy một số biện pháp can thiệp có hiệu quả trong việc giảm tỷ lệ nhập viện và tử vong. Các biện pháp quản lý và điều trị COVID-19 nhẹ và nặng.
GS.TS Greg Fox chia sẻ phương pháp tiếp cận đối với COVID-19 ở Australia, nơi đã báo cáo 1.432 trường hợp tử vong kể từ khi bắt đầu đại dịch.
Tại Australia chiến lược quản lý những người mắc COVID-19 sẽ được lựa chọn tùy theo mức độ nặng, tiên lượng và bệnh kèm theo của bệnh nhân.
Các sơ đồ trên lâm sàng có thể hướng dẫn các bác sĩ lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp.
Thuốc điều trị được lựa chọn cẩn thận theo các bằng chứng đã được công bố. Các thuốc điều trị được chứng minh có lợi ích ở một số bệnh nhân bao gồm glucocorticoid, chất ức chế Janus kinase (ví dụ: baricitinib), chất ức chế IL-6 (ví dụ: tocilizumab) và thuốc kháng vi-rút (ví dụ: remdesivir).
Thở oxy dòng cao qua mũi (HFNC) và thở máy có thể được chỉ định cho một số bệnh nhân nhất định. Không nên sử dụng các loại thuốc mà hiệu quả chưa được chứng minh.
Các hướng dẫn của Australia ưu tiên các liệu pháp này cho những bệnh nhân nên họ sẽ được hưởng lợi nhiều nhất. GS.TS Greg Fox kết luận "Có nhiều phương pháp để điều trị COVID-19 phát huy hiệu quả. Quyết định điều trị phải dựa trên bằng chứng và phải được hướng dẫn cụ thể tuỳ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của bệnh và khả năng đáp ứng của hệ thống y tế".
PGS.TS. Toshie Manabe- Trường đại học Nagoya- Nhật Bản
PGS.TS. Toshie Manabe đến từ Trường đại học Nagoya, Nhật Bản chia sẻ nội dung về "Làm thế nào để kiểm soát thành công đại dịch COVID-19- Bài học kinh nghiệm của Nhật Bản"
Các biện pháp đối phó với bệnh truyền nhiễm mới nổi cần phải xem xét một cách toàn diện bao gồm cả dịch tễ học, lâm sàng và khía cạnh xã hội.
Chẩn đoán sớm và khởi phát điều trị sớm là chìa khóa để ngăn ngừa thể nặng của những bệnh truyền nhiễm mới nổi.
Giám sát dịch bệnh, phân tầng và điều tra dịch tễ học để phân bổ nhanh chóng các nguồn nhân vật lực y tế có hạn một cách thích hợp cũng như triển khai các biện pháp phù hợp như cách ly y tế.
Giáo dục cộng đồng hiểu đúng và nâng cao kiến thức để có các hành vi phù hợp ngăn ngừa lây nhiễm bao gồm cả hiểu biết tầm quan trọng của việc tiêm chủng. Hiểu được nguy cơ trở nặng của bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại thời điểm nhập viện.
TS.BS. Thomas Kesteman- Trường Đại học Oxford, Vương Quốc Anh
TS. BS Thomas Kesteman đến từ Trường Đại học Oxford, Vương Quốc Anh chia sẻ tại Hội thảo về chiến lược ứng phó với biến chủng Omicron, đây là một biến thể có khả năng lây truyền rất mạnh của SARS-COV-2 và có thể né tránh hệ miễn dịch làm giảm hiệu lực bảo vệ của vaccine. Biến chủng này có nguy cơ ảnh hưởng đến việc chiến lược kiểm soát dịch COVID-19 của nhiều quốc gia trong đó có Việt Nam.
Cần có thêm những nghiên cứu đánh giá về mức độ nghiêm trọng của biến chủng Omicron và hiệu lực bảo vệ của vaccine liều tăng cường đối với biến chủng Omicron song song với các biện pháp không dùng thuốc khác.
Các phòng thí nghiệm, các labo sinh học phân tử cũng cần được tăng cường và hỗ trợ nhiều hơn để có thể giải trình tự gen và nhằm phát hiện nguy cơ biến chủng Omicron xâm nhập vào Việt Nam.
Về phía Việt Nam, GS.TS Nguyễn Gia Bình - Chủ tịch hội Hồi sức cấp cứu và chống độc Việt Nam, Tổ trưởng tổ điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng đã báo cáo và chia sẻ kinh nghiệm "Cập nhật về bệnh học và điều trị SARS-COV-2".
Theo GS Bình, đại dịch COVID-19 lần đầu tiên xảy ra vào tháng 12 năm 2019 tại Vũ Hán, Trung Quốc.
Kể từ đó, đã lây lan khắp thế giới với hơn 270 triệu người mắc bệnh và hơn 5 triệu trường hợp tử vong và thiệt hại to lớn về kinh tế – xã hội, COVID-19 còn để lại hậu quả nặng nề lâu dài mà chưa đánh giá hết được.
GS Bình đã cập nhật đặc điểm bệnh học và điều trị của COVID-19, trong đó nhấn mạnh đặc điểm sinh lý bệnh của SARS-CoV-2; Biểu hiện lâm sàng qua các giai đoạn cấp tính ở người lớn và trẻ em; Một số đặc điểm lâm sàng tồn tại dai dẳng sau giai đoạn cấp; Phân loại và quản lý bệnh nhân COVID-19 theo mức độ bệnh; Các phương pháp điều trị cho bệnh nhân nặng cần nhập viện.
GS Bình cho rằng cần phải phát hiện sớm và cách ly kịp thời, ngăn chặn lây lan, phân loại và theo dõi diễn biến theo mức độ nặng.
Điều trị bằng thuốc kháng vi-rút, steroid, thuốc chống đông máu cũng như hỗ trợ hô hấp và điều trị bệnh nền kèm theo kết hợp chăm sóc toàn diện sẽ giảm bớt được tỉ lệ tử vong.
Chủ toạ đoàn điều hành phiên hội thảo, PGS TS. Đào Xuân Cơ - Phó Giám đốc Phụ trách điều hành Bệnh viện cũng chia sẻ, hội thảo là cơ hội để các báo cáo viên, các nhà khoa học cùng trao đổi, thảo luận, học hỏi kinh nghiệm từ các đồng nghiệp quốc tế đặc biệt những kinh nghiệm chống dịch thành công của các nước như Australia, Nhật Bản, Anh và những chiến lược ứng phó với biến chủng Omicron.
Từ đó có thể đưa ra những giải pháp thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 theo Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định 4800/QĐ-BYT của Bộ Y tế được ban hành để hướng dẫn triển khai chiến lược phòng chống dịch COVID-19 trong tình hình mới.
Đánh giá và cập nhật cấp độ dịch liên tục, điều chỉnh các biện pháp can thiệp là rất cần thiết nhằm đảm bảo mục tiêu kép là phòng chống dịch hiệu quả và phát triển kinh tế.
Chuẩn bị sẵn sàng cơ sở thu dung, điều trị, tăng cường năng lực y tế đặc biệt lĩnh vực hồi sức cấp cứu là những biện pháp quan trọng trong xây dựng kế hoạch ứng phó với COVID-19.
Chia sẻ về "kinh nghiệm tổ chức bệnh viện điều trị COVID-19 trong điều kiện thảm họa & hướng tới sống chung với COVID-19", TS.BS Đỗ Ngọc Sơn - Phó giám đốc Trung tâm Cấp cứu A9, BV Bạch Mai đã đề cập đến việc xây dựng mô hình bệnh viện dã chiến, nhằm mục tiêu:
(1) Nâng cao năng lực ứng phó, chuẩn bị sẵn sàng, đáp ứng phù hợp, hiệu quả theo cấp độ dịch tại địa phương, và toàn quốc;
(2) Ngăn chặn và phát hiện sớm, cách ly triệt để trường hợp nhiễm SARS-CoV-2, khoanh vùng và xử lý kịp thời, hạn chế đến mức thấp nhất số mắc và tử vong;
(3) Hạn chế, giảm thiểu tác động của dịch bệnh đến phát triển kinh tế, trật tự, an toàn xã hội.
Ngoài ra, trong báo cáo này, TS Sơn cũng đề cập đến vấn đề phong tỏa bệnh viện và giải pháp
Theo TS. Sơn, giải quyết các vấn đề về giảm tải bệnh viện và hậu cần là bài học kinh nghiệm quan trọng của các đợt bệnh viện lớn bị phong tỏa.
Thời gian phong tỏa càng dài, nguy cơ mất khả năng cung cấp dịch vụ y tế càng tăng, ảnh hưởng không những đến bệnh nhân COVID-19 mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến bệnh nhân non-COVID.
Lây nhiễm trong bệnh viện gặp trên các nhóm bệnh nhân nguy cơ cao, nhiều bệnh nền ảnh hưởng rất nhiều đến kết quả điều trị COVID-19, tăng nguy cơ tử vong.
Cần giải quyết nhanh chóng các ca F1, giảm tải cho bệnh viện bị phong tỏa, giảm bớt gánh nặng cho công tác điều trị và hậu cần.
Nói về mô hình bệnh viện dã chiến tại Đà Nẵng, TS Sơn đặt ra vấn đề có thực sự cần hay không?.
Mô hình chống dịch Đà Nẵng cho chúng ta những bài học về COVID-19 lây nhiễm trong bệnh viện và nhóm bệnh nhân thận nhân tạo. Dự báo tình hình dịch, tỷ lệ bệnh nhân ở các mức độ, đặc biệt ở mức độ nặng và nguy kịch là khâu rất quan trọng trong xây dựng chiến lược ứng phó COVID-19 nói chung và xây dựng và thiết kế bệnh viện dã chiến nói riêng.
Bệnh viện quận huyện, bệnh viện đa khoa vẫn là lựa chọn tốt nhất đề xây dựng bệnh viện dã chiến đáp ứng nhu cầu của cả bệnh nhân nhiễm trong bệnh viện và trong cộng đồng.
Lần đầu tiên mô hình bệnh viện dã chiến được xây mới hoàn toàn được triển khai cho nhiều bài học về thiết kế, tổ chức thực hiện và triển khai đồng bộ (pháp lý, vật tư trang thiết bị, nhân lực y tế, tình nguyện viên, đảm bảo công tác chống nhiễm khuẩn, chất thải y tế và phòng tránh cháy nổ).
Còn mô hình tháp 3 tầng tại Bắc Giang, TS. Sơn cho rằng, mô hình tiếp cận chống dịch COVID-19 trong khu công nghiệp lần đầu được áp dụng tại Hải Dương, được phát huy cao hơn tại Bắc Ninh và Bắc Giang.
Quá tải hệ thống tiếp nhận và điều trị COVID-19 khi số ca tăng nhanh trong cộng đồng, khi cách ly F1 chưa đảm bảo giãn cách và quản lý 5K chưa tốt.
Điều trị corticoid, dự phòng chống đông sớm, đảm bảo dinh dưỡng, theo dõi sát bệnh nhân nhằm phát hiện dấu hiệu chuyển nặng để chuyển tầng là những biện pháp quan trọng cần được thực hiện đồng bộ và nhất quán.
Tháp 3 tầng lần đầu được thử nghiệm và chứng minh hiệu quả. Tuy nhiên vấn đề điều phối là quan trọng đảm bảo vận chuyển an toàn giữa các tầng.
Mô hình trung tâm hồi sức tích cực người bệnh COVID - 19 TP. Hồ Chí Minh: Bài học kinh nghiệm
Hệ thống điều phối vận chuyển bệnh giữa các tầng, vận chuyển an toàn có những thời điểm chưa đáp ứng được gây quá tải các trung tâm HSTC.
Tiếp nhận nhiều bệnh nhân ở giai đoạn muộn, nhiều biến chứng tạng, nhiễm trùng bệnh viện từ các tầng thấp.
Quy trình phối hợp giữa các bộ phận của Trung tâm giai đoạn đầu còn nhiều bất cập, triển khai kĩ thuật gặp nhiều khó khăn và chưa kịp thời.
Trình độ của nhân viên y tế không đồng đều, đặc biệt thiếu nhân lực hồi sức cấp cứu có kinh nghiệm và kĩ năng xử trí bệnh nhân ARDS do COVID-19.
Thiếu các thiết bị, vật tư thuốc đặc hiệu cho các kĩ thuật ECMO, lọc máu liên tục, lọc máu hấp phụ, kháng thể đơn dòng (Tocilizumab).
Nhiễm khuẩn bệnh viện, sốc nhiễm khuẩn do các vi khuẩn đa kháng và toàn kháng trong giai đoạn muộn của hồi sức. Điều kiện khắc nghiệt trong phòng bệnh làm giảm khả năng và phạm vi làm việc của nhân viên y tế.