Hà Nội

Chuyên gia góp ý gì cho Luật BHXH sửa đổi?

11-10-2023 10:37 | Thời sự

SKĐS - Luật BHXH sửa đổi lần này được kỳ vọng sẽ có những giải pháp, đột phá để thực hiện được lộ trình cải cách chính sách BHXH để BHXH thực sự là một trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội, từng bước mở rộng vững chắc diện bao phủ, hướng tới mục tiêu BHXH toàn dân.

Nội dung này hiện đang thu hút sự quan tâm của dư luận. Chúng tôi đã trao đổi với ông Điều Bá Được - nguyên Trưởng Ban thực hiện chính sách BHXH của BHXH Việt Nam -  người trước đây từng tham gia vào quá trình xây dựng Đề án cải cách chính sách BHXH, tạo cơ sở để Trung ương ban hành Nghị quyết số 28-NQ/TW..

Một trong những mục tiêu của việc sửa đổi Luật BHXH lần này là tạo cơ chế để mở rộng diện bao phủ BHXH. Ông đánh giá thế nào về những nội dung liên quan đến vấn đề này đang được xây dựng trong Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi)?

Ông Điều Bá Được: Nghị quyết số 28-NQ/TW đã chỉ rõ định hướng, đó là mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc sang các nhóm đối tượng khác, hướng tới chính sách BHXH bắt buộc đối với toàn bộ NLĐ có việc làm, có thu nhập và tiền lương khi có đủ điều kiện cần thiết.

Chuyên gia góp ý gì cho Luật BHXH sửa đổi?- Ảnh 1.

Ong Điều Bá Được - nguyên Trưởng Ban thực hiện chính sách BHXH của BHXH Việt Nam - người trước đây từng tham gia vào quá trình xây dựng Đề án cải cách chính sách BHXH, tạo cơ sở để Trung ương ban hành Nghị quyết số 28-NQ/TW..

Theo tinh thần này, các nhóm đối tượng chưa được tham gia BHXH bắt buộc theo Luật BHXH 2014 đã được đưa vào diện phải tham gia BHXH bắt buộc trong Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) như: Chủ hộ kinh doanh thuộc diện phải đăng ký kinh doanh; người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, tổ dân phố...

Đồng thời, để khắc phục tình trạng xuất hiện một số quan hệ lao động mới nhưng không ký kết HĐLĐ để trốn đóng BHXH, Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) cũng đã quy định: Đối với trường hợp hai bên không giao kết HĐLĐ hoặc thỏa thuận bằng tên gọi khác nhưng có nội dung thể hiện về việc làm có trả công, tiền lương và sự quản lý, điều hành, giám sát của một bên thì cũng thuộc đối tượng bắt buộc tham gia BHXH.

Có thể thấy, việc mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc theo tinh thần Nghị quyết số 28-NQ/TW là nhằm hướng tới chính sách BHXH bắt buộc đối với toàn bộ NLĐ có việc làm, có thu nhập và tiền lương khi có đủ điều kiện cần thiết, nhằm hướng đến mục tiêu thực hiện BHXH toàn dân.

Như vậy, theo tôi, ngay từ bây giờ, chúng ta cần phải nghiên cứu để đưa nhóm lao động tự tạo việc làm (không đi làm thuê cho ai, không thuê người làm cho mình, chẳng hạn như thợ cắt tóc, làm đẹp, thợ sửa chữa các loại, buôn bán nhỏ…) có nơi làm việc ổn định, có thu nhập tương đối ổn định không trái với quy định của pháp luật sẽ thuộc nhóm đối tượng tham gia BHXH bắt buộc.

Để nắm chắc được nhóm đối tượng này cũng như để khi tổ chức thực hiện được thuận lợi, cần bổ sung các quy định, chế tài quản lý lao động, khai trình lao động chặt chẽ, đồng bộ, áp dụng số hóa để quản lý, cập nhật dữ liệu.

Cùng với các vấn đề đã nêu trên, theo ông quá trình sửa đổi Luật BHXH lần này cần phải lưu ý đến nội dung gì để chính sách BHXH tiếp tục phát huy hiệu quả trong thực tiễn?

- Ông Điều Bá Được: Theo tôi, các nội dung cần bổ sung, sửa đổi lần này đều có mối liên hệ chặt chẽ với nhau, nên cần phải được chú trọng đồng đều. Tuy nhiên, nếu được chọn ra một nội dung để bàn, thì tôi chọn BHXH một lần. Bởi, BHXH một lần là vấn đề rất nóng, được NLĐ hết sức quan tâm trong suốt 30 năm qua. Trong Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) lần này, BHXH một lần cũng là nội dung tiếp tục được NLĐ rất quan tâm, có rất nhiều ý kiến tham gia, bàn luận rất sôi nổi.

Để đưa ra được phương án tối ưu nhằm hạn chế tình trạng rút BHXH một lần, theo tôi, chúng ta cần tìm hiểu thật kỹ về tâm tư, nguyện vọng từ phía NLĐ. Theo đó, cần lưu ý đến các yếu tố tác động. Đơn cử như, tình trạng việc làm thiếu ổn định, thu nhập bấp bênh, tay nghề thấp làm cho NLĐ không thể duy trì hoặc tìm kiếm được việc làm mới để đóng tiếp BHXH.

Hoặc như, với NLĐ từ 40 tuổi trở lên, không có nghề nghiệp hoặc tay nghề thấp, năng suất lao động thấp nên dễ bị DN sa thải, không có cơ hội tìm kiếm việc làm mới. Trường hợp NLĐ đã có từ đủ 20 năm đóng BHXH trở lên, bị sa thải, không tìm kiếm được việc làm mới, không nhận BHXH một lần, muốn chọn bảo lưu thời gian đã đóng BHXH để sau này hưởng lương hưu thì cũng còn băn khoăn, lo lắng; thời gian chờ đợi cho đến khi được nhận lương hưu là quá dài.

Những vấn đề mang tính thực tế như trên cần được nghiên cứu, tiếp thu với thái độ cầu thị, nhằm đưa ra phương án tổng thể, giải quyết tận gốc vấn đề việc làm, tiền lương, thu nhập… của NLĐ. Đây là vấn đề mấu chốt liên quan đến tình trạng rút BHXH một lần.

Vậy ông cho biết sẽ đóng góp, đề xuất như thế nào cho Ban soạn thảo sửa đổi Luật BHXH lần này?

- Ông Điều Bá Được: Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) phiên bản mới nhất lần này đã có nhiều điểm mới, tích cực, cụ thể hóa hơn tinh thần của Nghị quyết số 28-NQ/TW. Tuy nhiên, để hướng tới bảo đảm tốt hơn quyền lợi của NLĐ cùng với việc bảo đảm khả năng chi trả bền vững của quỹ hưu trí và tử tuất trong dài hạn, thực hiện được nguyên tắc chia sẻ trong chế độ bảo hiểm hưu trí, Ban soạn thảo và Tổ biên tập còn rất nhiều việc phải làm.

Tôi xin tham gia đóng góp một số ý kiến cụ thể như sau, về giải thích cụm từ BHXH, trong Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) lần này cần làm rõ hơn khi xuất hiện thành tố mới: "trợ cấp hưu trí xã hội". Theo đó, khái niệm BHXH cần phải được định nghĩa mang tính toàn diện hơn. Đây cũng là cơ hội để chúng ta bổ sung đầy đủ hơn lý luận về BHXH trong điều kiện thực tế của Việt Nam và bảo đảm phù hợp với thông lệ quốc tế.

Chuyên gia góp ý gì cho Luật BHXH sửa đổi?- Ảnh 2.

Luật BHXH sửa đổi lần này được kỳ vọng sẽ có những giải pháp, đột phá để thực hiện được lộ trình cải cách chính sách BHXH để BHXH thực sự là một trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội, từng bước mở rộng vững chắc diện bao phủ, hướng tới mục tiêu BHXH toàn dân.

Cần giải thích cụ thể cụm từ "Bảo hộ quỹ BHXH" là gì? Để NLĐ yên tâm, tin tưởng, chúng ta nên đưa khái niệm này vào ngay phần giải thích từ ngữ.

Cần làm rõ nguyên tắc chia sẻ trong chế độ bảo hiểm hưu trí? Sự kết hợp hài hòa giữa nguyên tắc đóng-hưởng, công bằng và chia sẻ như thế nào? Làm rõ được nguyên tắc chia sẻ và sự kết hợp hài hòa giữa nguyên tắc đóng-hưởng, công bằng và chia sẻ trong chế độ hưu trí là nội dung rất cần thiết, nhằm phản ảnh rõ hơn bản chất của BHXH.

Đây là những vấn đề cần được nghiên cứu một cách công phu, khoa học, cùng với việc tiếp thu, học tập kinh nghiệm quốc tế, từng bước hoàn thiện pháp luật BHXH của Việt Nam, đặc biệt là quy định về chế độ bảo hiểm hưu trí với mục tiêu gia tăng độ bao phủ, chất lượng cuộc sống của người về hưu ngày một nâng cao, hướng tới thực hiện mục tiêu BHXH toàn dân.

- Xin trân trọng cảm ơn Ông!

Minh Đức - Nguyễn Hoàng (Thực hiện)
Ý kiến của bạn