Hà Nội

Chuyên gia giáo dục: ‘Ứng dụng ChatGPT sẽ mang lại những trải nghiệm giáo dục tốt hơn’

05-02-2023 10:19 | Thời sự
google news

SKĐS - Theo chuyên gia giáo dục Bùi Khánh Nguyên, ChatGPT đã ‘nổ phát súng’ đầu tiên cho cuộc cách mạng công nghệ trí tuệ nhân tạo trong lĩnh vực giáo dục và rất nhiều mô hình trường học truyền thống sẽ bị tác động.

Học sinh, sinh viên nói gì về 'cơn sốt ChatGPT'?Học sinh, sinh viên nói gì về "cơn sốt ChatGPT"?

SKĐS - Những ngày qua, công cụ ChatGPT sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) đang gây sốt trên toàn cầu, mang đến nhiều kỳ vọng nhưng cũng rất nhiều lo ngại. Tại Việt Nam, ChatGPT nhanh chóng thu hút sự chú ý và tạo nên cơn sốt chưa từng thấy trong giới học sinh, sinh viên.

Những ngày qua, cộng đồng công dân toàn cầu náo nức trải nghiệm với ChatGPT sử dụng trí tuệ nhân tạo và số đông đều có chung cảm xúc: ngạc nhiên thích thú, ngỡ ngàng nể phục, băn khoăn về tương lai…

Một số ý kiến lo ngại về những rủi ro khi con người bị mất kiểm soát với trí tuệ nhân tạo, một số khác dự đoán những ngành nghề sẽ mất vai trò như hiện tại khi trí tuệ nhân tạo ứng dụng phát triển mạnh như giáo viên, phiên dịch, báo chí, thư ký, luật sư, tài xế, người tư vấn …

Trí tuệ nhân tạo sẽ tạo ra một cuộc cách mạng giáo dục

Chuyên gia giáo dục Bùi Khánh Nguyên chia sẻ: "Chúng ta không thể biết chắc những gì sẽ xảy ra trong 20 năm tới, nhưng khả năng trí tuệ nhân tạo sẽ tạo ra một cuộc sống và cách sống hoàn toàn khác biệt là có thể. Hãy nhìn ngược về 20 năm trước, vào khoảng năm 2000 thì chúng ta khó có thể hình dung được internet sẽ quan trọng với cuộc sống của chúng ta như ngày nay. Riêng trong lĩnh vực giáo dục, tôi cho rằng ChatGPT đã nổ phát súng đầu tiên cho cuộc cách mạng công nghệ trí tuệ nhân tạo trong lĩnh vực giáo dục và rất nhiều mô hình trường học truyền thống sẽ sụp đổ".

Cụ thể, theo chuyên gia giáo dục Bùi Khánh Nguyên, thứ nhất, nhồi nhét kiến thức vào đầu óc con người là không cần thiết nữa. Chúng ta sẽ chỉ cần những kiến thức cốt lõi và giao phần còn lại cho trợ lý trí tuệ nhân tạo trong việc lưu trữ, truy xuất, cập nhật, xử lý, phân tích và một phần sáng tạo.

Hơn nữa, con người sẽ chỉ cần những tri thức chọn lọc có tính hữu dụng, có liên quan, cần thiết để hành động, thay vì cả "rổ" kiến thức chung chung. Việc này sẽ thách thức các trường học truyền thống dạy theo hướng hàn lâm, thiên về tích lũy kiến thức phải "thay đổi hay là chết", vì cách dạy và học trong những năm tới sẽ rất khác và rất nhiều những việc giáo viên đang làm ngày nay là hoàn toàn dư thừa.

Thứ hai, học cách học và học cách tư duy quan trọng hơn nhiều: Chắc chắn con người sẽ không thể ngừng học trong tương lai, nhưng sẽ tập trung vào việc học cách tư duy và học cách học. Nếu trường học không dạy được cách tư duy và cách học, người ta có thể không cần phải đến trường.

Thứ ba, bằng cấp sẽ giảm dần giá trị: Đây cũng sẽ là xu hướng chung, vì có rất nhiều cách xác định năng lực của một con người, chứ không chỉ thông qua bằng cấp. Kể cả bằng đại học cũng sẽ ít dần ý nghĩa với nhà tuyển dụng. Và với những người khởi nghiệp thì có thể hoàn toàn bỏ qua bằng cấp.

Thứ tư, người học có thể học mọi lúc mọi nơi, chứ không phải chỉ học ở trường và vào giờ hành chính. Thế giới của chúng ta sẽ là thế giới con người vừa đi vừa học, vừa ăn vừa học, vừa chơi vừa học… Do vậy chúng ta sẽ cần suy nghĩ thoáng hơn rất nhiều về việc học: Học cái gì? Học như thế nào? Học để làm gì?

Thứ năm, trường học truyền thống có thể sụp đổ: Nếu như trước đây, trường học là trung gian giữa người học và tri thức thì với công nghệ mới, người học có thể tiếp cận tri thức trực tiếp mà không cần qua trung gian trường học. Mô hình trường học online, giáo viên robot… sẽ trở thành phổ biến. Các giáo viên, các nhà giáo dục sẽ cần phải chuyển đổi vai trò của mình để phù hợp với hoàn cảnh mới.

Chuyên gia giáo dục phấn khích vì ứng dụng ChatGPT - Ảnh 3.

Ảnh minh họa.

Thứ sáu, ai cũng có thể học, nếu họ muốn học: Với công nghệ bùng nổ thì khả năng tiếp cận và học hành sẽ dễ dàng hơn rất nhiều. Sự chênh lệch giữa các cá nhân sẽ ít phụ thuộc vào vùng miền, quốc gia, giàu nghèo… mà chủ yếu phụ thuộc vào việc người ta có muốn học, có ham học không mà thôi.

"Tóm lại, tôi vô cùng phấn khích trước kỷ nguyên trí tuệ nhân tạo hỗ trợ giáo dục và rất lạc quan về việc trí tuệ nhân tạo sẽ mang lại những trải nghiệm giáo dục tốt hơn nhiều những gì học sinh của chúng ta đang học ngày nay", chuyên gia giáo dục Bùi Khánh Nguyên chia sẻ.

ChatGPT sẽ không thay thế giáo viên nhưng người làm giáo dục có thể sẽ phải thay đổi cách dạy

PGS.TS. Nguyễn Xuân Hoài, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Trí tuệ Nhân tạo Việt Nam cho biết, ChatGPT cũng giống như những trang tìm kiếm thông tin khác, có thể đúng hoặc sai. Nhưng nguy hiểm hơn, khi những thông tin được ChatGPT đưa ra với văn phong khá giống con người, có tính logic cao nên người dùng rất khó để phân biệt được tính chính xác của thông tin mà ChatGPT đưa ra.

Theo  PGS.TS. Nguyễn Xuân Hoài, các công nghệ và sản phẩm AI tạo sinh như ChatGPT sẽ thay đổi đáng kể một số ngành, lĩnh vực, đặc biệt là những ngành có nhu cầu cần tạo ra nhiều nội dung như giáo dục hay truyền thông. "ChatGPT sẽ không thay thế giáo viên, tuy nhiên, những người làm giáo dục có thể sẽ phải thay đổi cách dạy, cách ra đề và các kiểm tra đánh giá".

PGS.TS. Nguyễn Xuân Hoài khuyến cáo người dùng cần xác minh thông tin "chéo" với những trang tìm kiếm khác để kiểm chứng. Đi kèm với mặt tích cực, ChatGPT cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro như phát tán mạnh mẽ những thông tin sai lệch, tiếp tay cho kẻ xấu lừa đảo, rửa bản quyền, đạo văn hay ảnh hưởng đến vấn đề chép bài của giới học sinh, sinh viên.

Chỉ sau 2 tháng ra mắt, ChatGPT đã cán mốc hơn 100 triệu người dùng và trở thành ứng dụng có tốc độ phát triển nhanh nhất trong lịch sử.

ChatGPT, viết tắt của Chat Generative Pre-training Transformer, là một chatbot do công ty công nghệ OpenAI phát triển. Công cụ này chính thức ra mắt vào tháng 11/2022. Đây là mô hình sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) để xử lý ngôn ngữ lớn và mạnh mẽ nhất ở thời điểm này. Hiểu đơn giản, công cụ này có khả năng xử lý ngôn ngữ tự nhiên và cho phép chúng trò chuyện như con người.

Một điểm đáng chú ý chính là việc ChatGPT tương tác dưới dạng đàm thoại và đưa ra những phản hồi rất đáng kinh ngạc. Mô hình này có thể trả lời câu hỏi, hỗ trợ trả lời mail, viết nội dung, viết mã, viết luận…

Theo số liệu của Similar Web, khoảng 13 triệu người đã dùng ChatGPT/ngày trong tháng 1/2023, gấp đôi so với tháng 12/2022. Trong suốt 20 năm qua, chưa từng có một ứng ứng dụng internet nào có lượng người dùng phát triển nhanh như vậy. Nền tảng chia sẻ video ngắn TikTok cần tới 9 tháng sau khi phát hành toàn cầu để đạt 100 triệu người dùng, trong khi Instagram phải mất tới 2,5 năm.

Làm sao giúp học sinh hứng khởi học tập sau kỳ nghỉ Tết? Làm sao giúp học sinh hứng khởi học tập sau kỳ nghỉ Tết?

SKĐS - Với dư âm của những ngày nghỉ Tết Nguyên đán, tâm lý chung của học sinh thường uể oải, chưa muốn quay lại với việc học tập, ngại đến trường... Giáo viên và chuyên gia tâm lý chỉ cách giúp các em lấy lại tinh thần học tập sau Tết.


Đỗ Vi
Ý kiến của bạn