TS. Vũ Thu Hương, nguyên giảng viên khoa Giáo dục tiểu học, Đại học Sư phạm Hà Nội cho biết, bà rất thích câu nói: "Đừng tự hào mình nghèo mà học giỏi, hãy tự hỏi sao mình giỏi mà vẫn nghèo". Vì thế, TS. Vũ Thu Hương lại lại rất thích dạy con sớm về tiền và giá trị của đồng tiền.
Theo TS. Vũ Thu Hương, có thể dạy con về tiền và giá trị của đồng tiền bằng 6 bước sau:
Cha mẹ có nên dạy con cách tiêu tiền và hiểu về giá trị của đồng tiền từ khi con còn nhỏ? Ảnh: Quỳnh Mai.
Cho con làm quen với tiền
Tiền được làm dưới dạng đồ chơi rất nhiều, các bố mẹ chỉ cần mua về chơi với con. Cách thức này áp dụng khi con học mầm non.
Dạy con giữ gìn tiền
Hướng dẫn con làm ví bằng giấy, dặn con giữ tiền bằng cách dùng tiền đồ chơi cho vào ví giấy. Khi chơi đồ hàng với bạn, hướng dẫn con có chi tiền hay thu tiền thì xong vẫn nên cho vào ví cho đẹp. Tờ tiền đẹp sẽ thể hiện con là em bé biết giữ gìn.
Dạy con về giá trị thật của tiền
Từ khi con 2 tuổi, cha mẹ có thể đưa tiền cho con đi mua hàng, đơn giản chỉ là gói muối, gói hạt tiêu. Cửa hàng có thể là bác hàng xén cạnh nhà. Buổi đầu con tự đi, mẹ đi đằng sau, buổi sau mẹ sẽ đứng nhìn từ xa. Vài lần như vậy, cha mẹ kiên nhẫn ngồi đợi con ở nhà. Hành động này sẽ giúp con bắt đầu hiểu về giá trị của đồng tiền.
Dạy con chi tiêu
Vào bậc tiểu học, con cần được làm quen nhiều hơn nên cha mẹ sẽ thường xuyên nhờ con đi mua hàng ở nhà "hàng xóm" nhiều hơn. Ngoài ra, cha mẹ cũng cho phép con vào siêu thị cùng bố mẹ với 1 khoản tiền nhỏ, con muốn mua gì thì mua. Lúc đó cha mẹ chỉ tư vấn và hoàn toàn tôn trọng những quyết định của con.
Bảng lập kế hoạch chi tiêu cha mẹ có thể gợi ý cho con. Ảnh: NVCC.
Dạy con lập kế hoạch chi tiêu
Khi con đã lên lớp 5, cha mẹ có thể dạy con lập kế hoạch chi tiêu cho 1 khoản tiền lớn hơn. Bài toán được đưa ra là: Con có 1 khoản tiền dành cho 1 công việc nào đó của con (có thể lấy việc chuẩn bị đồ dùng học tập của con để làm công việc con thực hiện). Lúc này cha mẹ vẫn giữ khoản tiền này giúp con.
Con lập kế hoạch mua sắm sao cho đủ số tiền con có mà chất lượng cũng như giá cả hợp lý. Kế hoạch này cha mẹ cần giúp con thực hiện, ví dụ như lập bảng kế hoạch bằng bút, giấy và tự tính toán sao cho phù hợp.
Để con tính toán và xử lý số tiền phù hợp nhất, cha mẹ có thể đưa con đến các siêu thị, cửa hàng để con tự khảo giá. Sau đó, con tự tính toán và quyết định mua gì, ở đâu. Số tiền cha mẹ đưa ra cho con nên ít hơn số cần thiết 1 chút để con phải "đau đầu" tính toán, hơn nữa đưa nhiều tiền cho con có thể vô tình khiến con không tiết kiệm.
Sau khi con đã có bảng chi tiêu rõ ràng, cha mẹ giao tiền cho con và cùng con đi mua hàng.
Dạy con giữ tiền và chi tiêu hợp lý
Khi con lớn hơn, thay vì cho con tiền tiêu hàng ngày, cha mẹ có thể cho con hẳn 1 khoản to để tiêu trong 1 tuần hoặc 1 tháng. Nếu con làm mất hay tiêu lẹm vào thì con sẽ phải nhịn ăn sáng hoặc ăn ít đi. Tuy nhiên, nếu phát hiện ra con nhịn ăn sáng, cha mẹ hãy phạt con.
"Con mình đã "chống" lại tình trạng bị hụt tiền vì tiêu "quá tay" bằng cách mua gạo về thổi xôi ăn sáng. Ngoài ra, con rất giữ gìn những phần thưởng hàng năm con nhận được vì đó là những đồ dùng học tập cần thiết, bởi con biết giữ lại được thì sẽ đỡ phải mua… Với mình, dạy con tiêu tiền là bước đầu tiên trong công cuộc dạy con làm giàu", TS. Vũ Thu Hương nói.