Các tình huống nguy hiểm trẻ dễ gặp phải
Theo chuyên gia giáo dục Bùi Khánh Nguyên, trẻ em là người phụ thuộc, và cùng với những nhóm đối tượng khác như người già, người tàn tật, người nghèo, người tị nạn… đều là các nhóm yếu thế và dễ tổn thương. Khi trẻ gặp nguy hiểm vì các nguyên nhân do ý thức, chúng ta có thể nghĩ đến những giải pháp tức thời, nhưng nếu trẻ gặp nguy hiểm vì lý do sinh kế, cần phải có những giải pháp dài hạn hơn nhiều.
Thông thường, trẻ gặp nguy hiểm sẽ rơi vào một trong hai tình huống sau đây:
Thứ nhất, trẻ gặp nguy hiểm vì thiếu khả năng nhận biết và phòng tránh các mối đe dọa: Trong môi trường lớn lên của trẻ em, có rất nhiều mối nguy hiểm đe dọa tính mạng và chúng cần được người lớn (cha mẹ, nhà trường, Chính phủ) bảo vệ trước các tình huống phổ biến như: tai nạn giao thông, tai nạn đuối nước, tai nạn điện giật, tai nạn do vật nóng, chất độc do nhầm thức ăn, thuốc uống, tai nạn rơi từ trên cao, bị thú dữ tấn công, bị vật nặng đè, té ngã, bị lạm dụng tình dục, bị sử dụng vũ lực…
Với những loại nguy hiểm như trên, cần có sự quan tâm và hướng dẫn của cha mẹ, thầy cô để các em có ý thức về nguy hiểm, cũng như có kỹ năng nhận biết và phòng tránh các mối nguy cơ.
Thứ hai, khi trẻ gặp nguy hiểm do sinh kế (kiếm sống) thì vấn đề khó giải hơn rất nhiều, vì có nhiều khả năng đó là lựa chọn của chính các em hoặc cha mẹ.
Khi các em buộc phải nhận lấy một lựa chọn nghiệt ngã là bất chấp nguy hiểm tính mạng để kiếm sống, để có bữa ăn, để tồn tại, thì mọi lý thuyết, mọi chương trình nâng cao ý thức hay cảnh báo không còn ý nghĩa. Do do vậy, luật pháp phải đưa ra giới hạn cho vấn đề lao động trẻ em.
Cần có những chính sách hiệu quả để bảo vệ trẻ em thông qua cơ hội tiếp cận giáo dục, y tế
Theo chuyên gia giáo dục độc lập Bùi Khánh Nguyên, Việt Nam vẫn còn là một quốc gia thu nhập bình quân đầu người thấp, nhưng đã có những con số chứng minh khoảng cách thu nhập ngày càng nới rộng, điều đó có nghĩa sẽ có rất nhiều gia đình có mức thu nhập thấp hơn nhiều so với con số bình quân hơn 4.000 USD/người/năm mà Việt Nam mới đạt được.
Trẻ em từ các gia đình thuộc nhóm thu nhập thấp nhất sẽ rơi vào nhóm yếu thế. Các em sẽ gặp trở ngại rất lớn khi tiếp cận với các dịch vụ xã hội cơ bản và có rất ít cơ hội để trở thành thế hệ phá vỡ lịch sử nghèo đói của gia đình, trừ phi được sự hỗ trợ hiệu quả.
Chuyên gia giáo dục độc lập Bùi Khánh Nguyên cho rằng, trẻ em yếu thế gặp khó khăn đầu tiên là về vấn đề về dinh dưỡng, sức khỏe, y tế. Trẻ em yếu thế thường phải sống trong điều kiện kém vệ sinh, bữa ăn không đủ dinh dưỡng, xa nơi khám chữa bệnh, nhà ở hay cộng đồng có nhiều nguy hiểm.
Thứ hai là tiếp cận giáo dục. Trên lý thuyết, trẻ em Việt Nam được hưởng giáo dục phổ cập từ mầm non 5 tuổi cho tới hết trung học cơ sở (lớp 9) và giáo dục tiểu học là giáo dục bắt buộc, nhưng ngoài học phí được miễn cho tiểu học thì các em vẫn còn khá nhiều khoản phải đóng ở trường, cả chính thức và không chính thức.
Rất nhiều trẻ em phải bỏ học đi làm phụ giúp gia đình kiếm sống, hoặc bị rớt lại ở trường và sinh ra chán học, hoặc không được khuyến khích, hỗ trợ từ phía gia đình.Trẻ yếu thế cũng thường phải tham gia lao động kiếm sống cùng cha mẹ, đôi khi không phải là phụ mà là lao động chính như làm việc đồng áng, bán vé số, đánh giày, lao động nặng nhọc…
Luật pháp có quy định về lao động trẻ em, với những điều khoản cấm các loại hình công việc như: mang, vác, nâng các vật nặng vượt quá thể trạng của người chưa thành niên; sản xuất, kinh doanh cồn, rượu, bia, thuốc lá, chất tác động đến tinh thần hoặc chất gây nghiện khác; sản xuất, sử dụng hoặc vận chuyển hóa chất, khí gas, chất nổ; bảo trì, bảo dưỡng thiết bị, máy móc; phá dỡ các công trình xây dựng; nấu, thổi, đúc, cán, dập, hàn kim loại; lặn biển, đánh bắt thủy, hải sản xa bờ; công việc khác gây tổn hại đến sự phát triển thể lực, trí lực, nhân cách của người chưa thành niên.
Luật cũng cấm trẻ em làm việc ở những nơi nguy cơ cao như: dưới nước, dưới lòng đất, trong hang động, trong đường hầm; công trường xây dựng; cơ sở giết mổ gia súc; sòng bạc, quán bar, vũ trường, phòng hát karaoke, khách sạn, nhà nghỉ, cơ sở tắm hơi, cơ sở xoa bóp; điểm kinh doanh xổ số, dịch vụ trò chơi điện tử; nơi làm việc khác gây tổn hại đến sự phát triển thể lực, trí lực, nhân cách của người chưa thành niên.
Tuy nhiên, trên thực tế, chúng ta thấy khi trẻ sinh ra trong các gia đình khó khăn, sẽ có rất nhiều tình huống các em buộc phải "vượt rào" để tồn tại. Trẻ em phải bất chấp nguy hiểm, thậm chí an toàn tính mạng để kiếm sống, để tồn tại là một nỗi đau của cộng đồng. Kể cả khi một quốc gia thoát nghèo, trở thành quốc gia giàu có thì vẫn luôn có những nhóm trẻ em yếu thế do bất bình đẳng trong phân phối tài sản của xã hội.
"Do vậy, cần có những chính sách có hiệu quả để bảo vệ trẻ em thông qua cơ hội tiếp cận giáo dục, y tế, an sinh xã hội một cách thực chất. Ngoài ra, các hoạt động hỗ trợ, từ thiện, xã hội… của tổ chức và cá nhân cũng đóng góp phần quan trọng trong việc "nắm tay những người thiệt thòi" kéo lên phía trước, thay vì bỏ họ lại trên đường đua tới tương lai", chuyên gia giáo dục độc lập Bùi Khánh Nguyên đề xuất.