Ghi nhận trong buổi chiều thí sinh đến điểm thi làm thủ tục dự thi tốt nghiệp THPT, nhiều thí sinh tỏ ra lo lắng, bồn chồn và sốt ruột.
Trao đổi với PV, thí sinh Lê Minh Khang, học sinh Trường THPT Cầu Giấy cho biết, để chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022, dù đã ôn tập rất kỹ nhưng Khang vẫn thấy lo lắng. "Tâm trạng của em khá hồi hộp và sốt ruột. Thời gian qua em đã ôn luyện kỹ càng và mong muốn có một kết quả thi với điểm số cao để xét tuyển".
Bắt grap đến điểm làm thủ tục dự thi trong chiều nay, thí sinh Hoàng Gia Khánh (học sinh Trường THPT Trung Văn) cho biết cũng khá bồn chồn trước ngày thi. "Em nghĩ ôn hết cả năm lớp 12 nên sẽ cố gắng thi hết mình. Sau khi làm thủ tục xong em về nhà rà soát lại kiến thức, thư giãn một chút chuẩn bị tâm lý cho bài thi bắt đầu vào ngày mai. Năm nay, em dự định nộp hồ sơ vào trường có khối ngành Y, Dược. Em cảm thấy áp lực nhưng hiện nay có nhiều phương án xét tuyển kể cả học bạ cũng như năng lực nên em cũng bớt lo lắng phần nào", Khánh chia sẻ.
Để giải tỏa lo lắng và căng thẳng trước và trong những ngày thi, PGS.TS. Trần Thành Nam - Chủ nhiệm Khoa Các khoa học Giáo dục, ĐH Giáo dục ĐHQG Hà Nội cho biết, nếu stress và lo lắng là một điều gì đó không thể tránh được trong cuộc sống thì chúng ta hãy sử dụng stress theo một cách tích cực. Các em có thể nghĩ theo hướng tích cực là tự hỏi ta sẽ đối phó như thế nào với stress, thay vì luôn dằn vặt mọi chuyện sẽ trở nên tồi tệ như thế nào.
Trước mỗi kỳ thi, các thí sinh hãy hướng về kỳ thi và các bài thi với sự tự tin. Hãy hình dung lại xem bạn đã ôn tập và giải các dạng bài như thế nào trong thời gian qua.
Ngay khi vào trong phòng thi, hãy cố gắng tập trung một cách thoải mái bằng cách nhắm mắt thư giãn hít thở. Thử một số tư thế và chọn tư thế thoải mái nhất để làm bài thi. Khi nhận đề thi, hãy dành cho mình một chút thoải mái về thời gian để đọc thật kỹ yêu cầu của đề thi, lên kế hoạch quỹ thời gian làm bài cho thật hợp lý.
Đặc biệt, hãy đọc kỹ đề bài, nếu có thời gian, hãy nhanh chóng lướt qua toàn bài kiểm tra để có một cái nhìn tổng quát. Nhận biết những phần quan trọng, vạch ra thật ngắn gọn những ý chính và trả lời các câu hỏi theo cách khoa học nhất: Trước tiên là những câu hỏi dễ để tạo cảm giác tự tin, để ngay lập tức ghi được điểm và định hướng cho bản thân về vốn từ, các khái niệm và những kiến thức bạn đã có (việc này có thể giúp bạn tìm ra mối liên quan với những câu hỏi khó hơn). Sau đó là đến những câu hỏi khó hoặc những câu được nhiều điểm nhất.
Với dạng bài kiểm tra dạng trắc nghiệm khách quan, trước tiên, loại trừ những đáp án mà bạn biết là sai hoặc chắc chắn là sai, không phù hợp, hoặc là hai đáp án rất giống nhau và cả hai đều không thể đúng được. Với dạng câu hỏi định tính - tự luận, hãy vạch ra những ý chính và sắp xếp những ý đó theo một trình tự phù hợp nhất.
PGS.TS. Trần Thành Nam lưu ý thêm, các em hãy kiềm chế ý muốn được rời khỏi phòng thi ngay khi đã trả lời hết các câu hỏi. Hãy dành thời gian còn lại xem lại bài thi để đảm bảo rằng mình đã trả lời hết tất cả các câu hỏi trong bài, không mắc sai sót đánh dấu nhầm trong bài làm... Đọc lại bài viết để có thể phát hiện ra các lỗi chính tả, ngữ pháp, dấu câu để chỉnh sửa lại.
Cũng theo PGS.TS. Trần Thành Nam, cha mẹ là người đồng hành quan trọng nhất bên các con. Do đó, bên cạnh việc cần phải kiểm soát chính lo lắng của mình về kỳ thi hay kết quả thi, cha mẹ cũng cần bảo vệ sức khỏe tâm lý của con, chuẩn bị sự tự tin tốt nhất cho con em mình.
Ngày 7/7, thí sinh cả nước sẽ thi môn Ngữ văn (120 phút) vào buổi sáng; buổi chiều, thí sinh thi môn Toán (90 phút).