Chuyên gia giải mã thói quen lười uống nước khiến bạn có thể phải cắt bỏ thận

PGS.TS Lê Bạch Mai

PGS.TS Lê Bạch Mai

Nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia.

01-04-2021 10:15 | Phòng mạch online

SKĐS - PGS.TS Lê Bạch Mai – Nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết, lâu nay nhiều người vẫn xem nhẹ việc uống nước, nhưng ít ai biết được rằng các phản ứng của cơ thể phần lớn xảy ra trong môi trường nước. Và một khi không đảm bảo đủ nước thì cơ thể sẽ bị ảnh hưởng, trong đó có bệnh sỏi thận - tiết niệu.

Theo PGS. Mai, dinh dưỡng không chỉ liên quan đến bệnh mạn tính không lây như: đái tháo đường, tim mạch, tăng huyết áp... mà còn liên quan đến bệnh lý đường tiết niệu như sỏi thận - tiết niệu. Chế độ dinh dưỡng có vai trò đặc biệt quan trọng trong dự phòng và hỗ trợ cho sức khỏe khi điều trị bệnh sỏi thận - tiết niệu.

Ví dụ như việc uống nước, nếu uống nước thường xuyên, bài tiết nước tiểu tốt thì sẽ rất tốt cho cơ thể, cuốn trôi những chất khoáng cần đào thải; nhưng nếu uống ít nước lại nhịn tiểu sẽ gây tái hấp thu, làm cho các chất đáng lẽ cần thải ra ngoài thì lại lắng đọng, tạo sỏi.

"Nhiều người Việt rất lười uống nước, đây cũng là nguyên nhân dẫn đến sỏi thận; hay chế độ ăn giàu đạm đến từ các loại thịt đỏ. Hay thói quen dùng trà, cà phê... cũng là nguyên nhân dẫn đến sỏi thận tiết niệu.

Bên cạnh đó, thói quen lười vận động, ăn xong đi nằm, nằm nhiều làm cho sự lưu thông, bài tiết nước tiểu kém, tốc độ dòng chảy nước tiểu không đủ mạnh để cuốn đi các chất khoáng có trong nước tiếu, gây lắng đọng hình thành sỏi thận - tiết niệu"- PGS. Mai chia sẻ.

Các bác sĩ cảnh báo, thói quen lười uống nước là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây sỏi tiết niệu khiến thận giãn căng mất chức năng, nhiều người phải cắt thận.

PGS.TS Lê Bạch Mai.

Chính vì vậy, đảm bảo chế độ dinh dưỡng khoa học góp phần đáng kể trong việc phòng ngừa bệnh sỏi thận - tiết niệu. PGS. Mai khuyến cáo:

- Nguyên tắc đầu tiên là phải đảm bảo bữa ăn đa dạng, trên 15 loại thực phẩm trong 8 nhóm thực phẩm trong một bữa ăn.

- Không lạm dụng đồ ăn chế biến sẵn như thịt hộp, thịt đỏ, quá nhiều chất béo.

- Chế độ ăn đủ rau, hiện nay đa số người dân mới chỉ đáp ứng 50% nhu cầu về rau, trong khi cần ăn 400gr rau/người/ngày. Rau thiên về xu hướng kiềm hơn để bớt lắng đọng, tạo sỏi thận.

- Không nên ăn mặn, dư thừa natri dễ tăng huyết áp, suy giảm chức năng thận, tạo nước tiểu khó hơn, dễ ứ đọng tạo sỏi thận.

- Nên hạn chế chất kích thích như trà, cà phê, rượu vì không tốt cho sức khỏe của thận.

- Không lạm dụng các loại đường đơn, đường đôi vì hệ thống điều hòa đường huyết không tốt, rối loạn glucoser… ảnh hưởng chức năng thận.

- Uống đủ nước 2-2,5l nước/ngày; 400ml nước cho 10kg trọng lượng, đảm bảo nước tiểu đi ra không màu vàng đậm, mà chỉ có màu vàng nhạt trong giúp đào thải mọi cặn bã trong đó thường xuyên nhất.

- Vận động thường xuyên từ 30-45 phút/ngày và 5 ngày/tuần, giảm cơ hội lắng đọng chất khoáng tạo sỏi thận.

Chuyên gia dinh dưỡng cũng lưu ý, các phản ứng của cơ thể phần lớn xảy ra trong môi trường nước, nếu không đủ nước thì bài tiết nước tiểu ít, lượng nước tiểu chảy ít, không cuốn được những thứ có nguy cơ tạo sỏi thận ra ngoài. Đây cũng là nguyên nhân ảnh hưởng trực tiếp đến bệnh sỏi thận.

"Nước ở đây là nước tinh khiết, nước lọc, còn các loại nước ngọt chứa đường, gas thì lại tạo môi trường axit lớn, dễ kéo canxi trong cơ thể ra, tạo muối canxi lắng đọng hình thành sỏi thận. Do đó uống nước ngọt thậm chí có nguy cơ gây sỏi thận cao hơn.

Việc uống nước hoa quả tươi cũng tốt nhưng không nên uống nước hoa quả tươi có sẵn, đóng hộp. Hoặc các loại nước bia, rượu thì lại gây hại"- PGS. Mai nói.

Bổ sung canxi thế nào cho đúng, tránh sỏi thận?

Hiện nay, có nhiều ý kiến băn khoăn rằng, đa số sỏi thận có thành phần chính là canxi, do đó nên hạn chế canxi để phòng ngừa sỏi thận. Trong khi đó lại có thông tin khuyên tăng cường bổ sung canxi để xương chắc khỏe hơn. Vậy thì nên bổ sung canxi như thế nào cho đúng?

Về vấn đề này, PGS.TS Lê Bạch Mai giải thích, để tăng cường sức khỏe xương khớp thì việc bổ sung canxi là quan trọng. Theo đánh giá hàm lượng canxi trong khẩu phần của người Việt Nam hiện nay mới chỉ đáp ứng 50% canxi, nên việc lựa chọn bổ sung canxi rất quan trọng.

Tuy nhiên, nếu bổ sung không đúng cách thì sẽ gây bệnh sỏi thận – tiết niệu. Nên các bác sĩ khuyến cáo người dân nên lựa chọn canxi từ thực phẩm như: canxi trong sữa và chế phẩm từ sữa, trong cá nhỏ kho nhừ ăn cả xương, trứng so với canxi phải uống. Trong bệnh lý xương khớp uống canxi hằng ngày thì liều lượng canxi trong một lần uống không vượt quá 500mg. Nếu cao hơn thì khả năng hấp thu canxi của cơ thể thay đổi vì lượng thừa sẽ bị đảo thải ra ngoài và chính cái này làm tăng hàm lượng canxi trong nước tiểu.

PGS. Mai cũng lưu ý, khi uống canxi cần uống nhiều nước, canxi sủi thì kèm nước, canxi viên nên uống từ 100-150ml nước cần uống buổi sáng và cần lao động bình thường để đảo thải qua nước tiểu bình thường thuận lợi nhất tránh ứ đọng. Nên uống sau bữa ăn không sát bữa ăn vì axit hữu cơ hoặc thành phần oxalat, axit oxalic, đặc biệt trong một số rau nhiều axit oxalic thì nó có thể kết hợp với canxi tạo sỏi.


Dương Hải
Ý kiến của bạn