Nhập về giá cao, bán giá thấp khiến doanh nghiệp nản
Giải thích về sự đứt gãy nguồn cung xăng dầu, TS Đinh Trọng Thịnh, Giảng viên cao cấp Học viện Tài chính cho biết, trong quá trình điều chỉnh hoạt động của nền kinh tế từ thời gian tháng 1 đến tháng 6 năm 2022, giá xăng, dầu tăng quá cao và giá xăng, dầu này ở Việt Nam cũng tăng khoảng 54%. Trong khi các doanh nghiệp (DN) nhập xăng, dầu từ nước ngoài về thì thường theo kỳ hạn 1 tháng, 3 tháng, 6 tháng. Cũng có nhiều DN từ tháng 8 đã ký hợp đồng nhập khẩu cho tháng 7, tháng 8 thì họ phải chấp nhận giá rất cao vì giá xăng, dầu thời điểm đó trên toàn thế giới cao.
Khi nhập khẩu với giá cao như vậy, đương nhiên nếu giá xăng giảm thì họ lỗ. Từ tháng 7 trở đi, giá xăng, dầu thế giới liên tục giảm, giá xăng, dầu trong nước giảm đến 9 lần. Do vậy, các DN đầu mối nhập khẩu xăng, dầu giá cao bán với giá thấp hơn, họ chịu lỗ, từ đó gây khó khăn về cả nguồn vốn cũng như yếu tố tâm lý cho các DN xăng, dầu trong quá trình nhập khẩu hàng hóa.
Các doanh nghiệp xăng dầu không ai dự báo được giá sẽ giảm để có thể mua được giá thấp, mà có mua giá thấp thì họ cũng không bán. Do đó, họ phải trả giá cao, nhưng 3 tháng sau xăng dầu mới về, khi đó, giá xăng dầu thế giới hạ thấp. Rõ ràng, doanh nghiệp đầu mối phải mua giá cao và bán giá thấp dẫn đến thua lỗ.
Tuy vậy đó là nguyên tắc của thị trường, doanh nghiệp tham gia kinh doanh phải chấp nhận. Xăng, dầu là một mặt hàng chiến lược của nền kinh tế và kinh doanh xăng, dầu là kinh doanh có điều kiện. Các DN kinh doanh phải đảm bảo thực hiện đúng chỉ tiêu sản lượng cũng như yêu cầu quản lý của Nhà nước đối với thị trường xăng, dầu. Việc giá xăng dầu xuống thấp, DB không thực hiện đúng kế hoạch nhập khẩu sản lượng là vi phạm quy định về kinh doanh xăng, dầu.
Việc đứt gãy nguồn cung hiện nay theo TS Đinh Trọng Thịnh là trong tháng 7, tháng 8, gần như các doanh nghiệp ngưng nhập khẩu. Theo số liệu, mặc dù trong tháng 9, DN tổng nhập khẩu sản lượng xăng, dầu tăng rất cao khoảng 34,8%, nhưng tổng thể trong cả quý III, sản lượng dầu nhập khẩu giảm tới 35% so với quý II và xăng nhập khẩu giảm tới 40% so với quý II. Điều này là nguyên nhân dẫn đến tình trạng có những địa phương có thời điểm xăng dầu không đủ để cung ứng ra thị trường.
Đó là bất cập về thị trường, nhưng điểm bất cập nữa là khâu quản lý chưa tốt. "Theo tôi, điểm nghẽn ở đây là điều hành cung ứng xăng, dầu làm sao để đúng, đủ cho các DN phân phối, DN bán lẻ với một mức giá hợp lý, để từ đó họ có thể đảm bảo cung ứng ra thị trường. Rõ ràng từ khâu đầu mối đến khâu phân phối và bán lẻ đang có sự vênh nhau trong quá trình điều hành", TS Đinh Trọng Thịnh phân tích.
Về mặt nguyên tắc, trong quy định luật chỉ cho phép DN bán lẻ được ký hợp đồng ổn định với 1 DN đầu mối. Và thực tế, thường là DN bán lẻ ký hợp đồng 5 năm với DN phân phối. Tuy nhiên, khi DN phân phối bị rút phép đột ngột như một vài DN vừa qua thì DN bán lẻ khó có thể đi mua ở DN đầu mối. Và kể cả khi DN đầu mối (đã ký hợp đồng) có bán đắt, DN phân phối và DN bán lẻ cũng không có quyền nhập xăng, dầu giá rẻ ở địa chỉ DN đầu mối khác về. Đây cũng là bài toán mà cơ quan quản lý cần phải tính toán lại.
Giải pháp tháo điểm nghẽn
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh phân tích, trong thời gian tới, 2 bộ cần tiếp tục rà soát, xem xét có thể điều chỉnh các khoản chi phí liên quan đến chi phí vận chuyển xăng, dầu từ nước ngoài về hoặc chi phí trong nước cho phù hợp. Từ đó, tác động làm cho giá xăng, dầu đảm bảo ở mức bình thường trên thị trường, song vẫn đảm bảo chi phí kể cả cho DN đầu mối, DN phân phối và DN bán lẻ tiêu dùng.
Việc kiến nghị DN bán lẻ có thể mua hàng từ nhiều các DN đầu mối khác nhau. "Theo tôi, việc này là không thể. Bởi DN bán lẻ không có đủ các bể chứa, việc mua xăng của nhiều DN đầu mối rồi đổ chung vào một bể chứa thì liệu chất lượng xăng dầu có đảm bảo không, nguồn gốc xuất xứ có truy cập được không và chất lượng, mức mua, mức bán cơ quan quản lý nhà nước có quản lý được không?", TS Thịnh nêu.
Khi có 1 thị trường xăng dầu thực thụ, có được sự cạnh tranh công bằng, bình đẳng, người muốn nhập khẩu xăng dầu từ nước ngoài về cũng tự do, DN muốn thành lập DN bán lẻ xăng dầu trong nước cũng tự do kể cả FDI. Khi đó, nhà nước không cần quản lý đầu vào đầu ra, định giá, nghĩa là giá cả theo cơ chế thị trường. Khi đó, không cần lợi nhuận định mức, không cần chi phí kinh doanh định mức, không cần quỹ bình ổn.
Về đề xuất rút ngắn thời gian điều chỉnh giá, TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng việc này cũng có lợi cho DN theo hướng DN đi theo thị trường nhiều hơn, đồng thời lợi cho nhà nước, nhà nước yên tâm hơn trong điều chỉnh. Nhưng với điều kiện không có sự biến động quá lớn. Phải xây dựng một thị trường xăng dầu cạnh tranh công bằng, bình đẳng, tự do. Bộ Công thương cần có chiến lược để từ đó xây dựng một thị trường xăng dầu mang tính thị trường thực thụ. Khi đó, các doanh nghiệp làm ăn với nhau lời ăn lỗ chịu, đàm phán mua bán theo hợp đồng.
Thứ nhất, Nhà nước cần cân đối lại lượng cung, lượng cầu, làm sao để các đầu mối nhập khẩu xăng dầu bình ổn. Nhiều DN bán lẻ mong muốn có thể tìm được nhiều đầu mối nhưng thực sự như vậy thì rất khó quản lý. Vai trò quản lý nhà nước với việc quản lý chất lượng cũng như khối lượng mua bán của các chủ thể rất khó. Do đó, cần phải xem để cân đối, tránh những cú sốc như vừa rồi như thu hồi giấy phép của 1 số DN đầu mối.
Thứ hai, cần xem xét tính lại các giá trên cơ sở hình thành lên giá xăng dầu cơ sở 1 cách chính xác, không để DN đầu mối chịu thiệt.
Thứ ba, kiểm tra giám sát các DN đầu mối kinh doanh xăng dầu một cách thường xuyên liên tục chứ không phải khi khó, khi thiếu, khi DN kêu thì mới đi kiểm tra. Từ đó vừa đảm bảo giá bán, chất lượng hàng hóa,…Về dài hạn, làm sao để xây dựng và phát triển một thị trường xăng dầu thực thụ, theo đúng kinh tế thị trường.
Thời gian vừa qua khi mà giá xăng, dầu tăng rất cao thì rõ ràng định mức cho vay các DN xăng, dầu bị ảnh hưởng vì định mức cho vay đã đưa ra từ tháng 10/2021, vì vậy, phía ngân hàng cần xem xét mức tín dụng cho phù hợp.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Sáng 7/11: Phát Hiện Mới Trong Vụ Giẫm Đạp Ở Itaewon Qua Dữ Liệu Của Cảnh Sát Seoul Hàn Quốc | SKĐS