Chuyên gia giải đáp về thuốc kháng Histamine thế hệ mới trong chữa trị bệnh viêm mũi dị ứng

14-11-2019 17:14 | Phòng mạch online
google news

SKĐS - Thời tiết thay đổi vào thời điểm cuối năm và đầu xuân thường làm tăng tỷ lệ trẻ em mắc các bệnh dị ứng như viêm mũi dị ứng, mày đay, viêm da cơ địa… mà nguyên nhân chính là do histamine – chất gây nên những triệu chứng ngứa, sưng đỏ ở các bộ phận khác nhau trên cơ thể trẻ.

Tỷ lệ trẻ bị viêm mũi dị ứng ngày càng gia tăng, đặc biệt trong bối cảnh ô nhiễm môi trường như hiện nay

Viêm mũi dị ứng là phản ứng của cơ thể khi gặp các vật lạ như bụi, khói thuốc, phấn hoa, lông chó, mèo, bào tử nấm, nhiệt độ, độ ẩm thay đổi… Khi tiếp xúc với các tác nhân dị ứng, cơ thể sẽ giải phóng histamine, gây ngứa, sưng và tích tụ chất lỏng bên trong mũi.

Trẻ em bị viêm mũi dị ứng thường có các triệu chứng như hắt xì, nghẹt mũi, nhiều lúc phải thở bằng miệng, sổ mũi, ngứa mũi, họng, mắt và tai và dễ bị nhầm lẫn với cảm lạnh. Bệnh thường kéo dài theo đợt từ 5-14 ngày, nặng vào ban đêm khiến cho trẻ khó chịu, quấy khóc. Đáng nói, viêm mũi dị ứng có thể kèm theo những bệnh lý dị ứng khác như hen suyễn, hay viêm da cơ địa (chàm thể tạng). Các nghiên cứu cho thấy 40-50% trẻ bị viêm mũi dị ứng có kèm với hen, 80% trẻ em bị hen suyễn có kèm theo viêm mũi dị ứng1.

Ảnh minh hoạ

Theo Ban Khoa học – Hội Tai Mũi Họng Tp. HCM, trẻ em là một trong những đối tượng dễ mắc các bệnh lý dị ứng, đặc biệt là viêm mũi dị ứng do đây là nhóm đối tượng có sức đề kháng yếu, cơ địa dễ bị dị ứng. Những nghiên cứu gần đây cho thấy tại TP.HCM, tỉ lệ trẻ em mắc viêm mũi dị ứng lên đến 39-52%2, con số này ở Hà Nội là 27,6%3. Điều này có thể giải thích là do nước ta là quốc gia có khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa, nên vào thời điểm giao mùa, thời tiết và độ ẩm không khí thay đổi thất thường chính là môi trường thuận lợi cho vi rút, vi khuẩn gây bệnh hoạt động mạnh. Bên cạnh đó, các đô thị lớn ở nước ta đang phải đối mặt với tình trạng ô nhiễm không khí ngày càng gia tăng, đặc biệt là ô nhiễm bụi mịn. Ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu đã mang lại nhiều tác động xấu lên đời sống người dân, đặc biệt là sức khỏe của trẻ nhỏ.

Các giải pháp để chữa trị viêm mũi dị ứng

Để điều trị bệnh viêm mũi dị ứng, trẻ có cơ địa dị ứng cần tìm ra nguyên nhân gây dị ứng. Sau đó, cách ly trẻ với tác nhân gây bệnh và điều trị theo lời khuyên của bác sĩ. Dựa trên tình trạng bệnh thực tế của trẻ, bác sĩ sẽ có phác đồ điều trị phù hợp. Thông thường, các nhóm thuốc được các bác sĩ khuyến cáo để điều trị bệnh viêm mũi dị ứng bao gồm:

● Nhóm kháng histamine

● Nhóm corticoid xịt mũi

● Nhóm chống nghẹt mũi

Trên thực tế, một nghiên cứu ở châu Á đã chỉ ra rằng 50% người bệnh bị viêm mũi dị ứng thường được điều trị bằng thuốc kháng histamine, 30% tiếp theo là thuốc xịt mũi4. Tác dụng chính của thuốc kháng histamine là nhằm giảm tính thấm thành mạch, ngăn chặn co cơ trơn, giảm ngứa mũi, ngăn chặn ngứa và nổi mẫn đỏ ở da.

Ảnh minh hoạ

Các thuốc kháng histamine thế hệ cũ có tác dụng an thần nên hiện đang được thay thế bởi các thuốc kháng histamin thế hệ mới, có tác dụng nhanh hơn, hiệu quả kéo dài hơn và đặc biệt ít gây tác dụng phụ hơn.

Tác dụng của thuốc histamine thế hệ mới

Theo Ban Khoa học – Hội Tai Mũi Họng Tp. HCM - các thuốc kháng histamine thế hệ mới có ưu điểm là tác dụng nhanh, kéo dài từ 12 – 24 giờ. Bên cạnh đó, các loại thuốc thế hệ mới này còn có thể sử dụng cho trẻ từ 6 tuổi trở lên, không gây buồn ngủ cho trẻ và ít gây ra tác dụng phụ nhằm tránh gây ảnh hưởng đến việc học tập và sinh hoạt thường ngày của trẻ.

Thuốc kháng histamine thế hệ mới là các sản phẩm có chứa các hoạt chất như Fexofenadine, Loratadine, Acrivastine, Cetirizine… Tuy nhiên không phải hoạt chất nào cũng có tác dụng và hiệu quả giống nhau. Một nghiên cứu của Mỹ cho thấy, mặc dù các hoạt chất kháng histamine thế hệ mới đều có hiệu quả và kéo dài hơn so với thế hệ cũ nhưng, trong đó nổi bật có Fexofenadine và Cetirizine là hoạt chất cho thấy có tác dụng kiểm soát các triệu chứng viêm mũi dị ứng sau khi uống, và an toàn.

Do đó, để có phác đồ điều trị phù hợp nhằm giúp kiểm soát các triệu chứng viêm mũi dị ứng hiệu quả, các phụ huynh cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để thăm khám càng sớm càng tốt để bác sĩ chỉ định các loại thuốc điều trị phù hợp. Đặc biệt, đối với trẻ từ 6 tuổi trở lên, để thuận tiện trong việc lưu trữ và mang theo trong các hoạt động học tập và sinh hoạt thường ngày của trẻ, phụ huynh nên tìm kiếm lời khuyên và tuân thủ chỉ định của bác sĩ để có thể sử dụng các sản phẩm dưới dạng viên dễ uống.

Nguồn thông tin:

(1) http://www.hoihendumdlstphcm.org.vn/index.php/kien-thuc-y-khoa/299-viem-mui-va-viem-mui-di-ung-o-tre-em

(2) Cam Bach Van and al, (2003)” prevalence and severity of asthma and allergies in schoolchildren of  HCM City “, medical researches in cooperation with  international organizations, Chlidren ‘s hospital

(3) Nga N N and al(2003) ISAAC- based  asthma and atopic symptoms among Hanoi scholl children “, Pediatric Allrgy Immunol 14

(4) https://www.nps.org.au/australian-prescriber/articles/antihistamines-and-allergy

(5) https://www.mayoclinicproceedings.org/article/S0025-6196(11)61964-2/pdf


Ý kiến của bạn