Theo quyết định của Bộ GD&ĐT, từ năm 2025, thí sinh sẽ chỉ thi 4 môn tốt nghiệp THPT. Trong đó, có 2 môn thi bắt buộc là Ngữ văn, Toán; 2 môn lựa chọn (trong số các môn còn lại được học ở lớp 12 gồm: Ngoại ngữ, Lịch sử, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ).
Cần khống chế về phần trăm dành cho xét tuyển sớm
Dự báo về các phương thức tuyển sinh trong năm 2025, PGS.TS Nguyễn Phong Điền - Phó Giám đốc ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết, các trường đại học được quyền tự chủ tuyển sinh nên dự báo sẽ bùng nổ các phương thức tuyển sinh. Thực tế này cũng xảy ra ở nhiều trường trên thế giới.
Theo PGS.TS Nguyễn Phong Điền, lý do bởi các trường muốn yên tâm về việc tuyển đủ chỉ tiêu, vì thế cần có thêm một số phương thức tuyển sinh; thậm chí có phương thức không tuyển được thí sinh nhưng sử dụng để tạo sự yên tâm nhất định cho bộ phận tuyển sinh, nhất là với lãnh đạo trường.
Tuy nhiên, cần xem xét đến tính công bằng giữa các phương thức tuyển sinh. Khi thực hiện xét tuyển, lọc ảo thì các phương thức xét tuyển sớm, nhất là xét tuyển bằng học bạ THPT đã chiếm rất nhiều chỉ tiêu. Vì thế, chỉ tiêu dành cho phương thức xét bằng điểm thi tốt nghiệp THPT còn ít nên điểm chuẩn được đẩy lên cao.
Với phương án này, thí sinh nằm trong diện đủ điều kiện xét tuyển sớm sẽ an tâm về mặt tâm lý nhưng gây ra sự bất bình đẳng về cơ hội cho thí sinh khác và một số hệ lụy khác. "Cần khống chế về phần trăm, dưới 50% tổng chỉ tiêu dành cho xét tuyển sớm", PGS.TS Nguyễn Phong Điền đề xuất.
Về công tác tuyển sinh năm 2025, Phó Giám đốc ĐH Bách khoa Hà Nội băn khoăn, kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ có 2 môn bắt buộc là Toán, Văn và hai môn tự chọn. Từ đây, có thể sinh ra rất nhiều tổ hợp xét tuyển. "Bộ GD&ĐT cần có định hướng cho các cơ sở đào tạo về xây dựng phương thức xét tuyển nếu không sẽ hỗn loạn. Ngoài ra, cần xem xét các phương thức xét tuyển sớm, nhất là phương thức xét tuyển bằng học bạ THPT để tránh mất công bằng cho thí sinh".
Bộ GD&ĐT sẽ xem xét điều chỉnh quy chế tuyển sinh
Hiện có rất nhiều phương thức xét tuyển nhưng Bộ GD&ĐT phân loại thành 20 nhóm phương thức, sắp xếp theo căn cứ, tiêu chí để xét tuyển, phương pháp đánh giá…
Theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn, trong những năm qua, việc đa dạng phương thức xét tuyển giúp các trường đại học có thêm sự lựa chọn các tiêu chí đánh giá phù hợp hơn với đặc điểm ngành nghề đào tạo của mình. Thí sinh cũng có thêm lựa chọn để phù hợp với năng lực, sở trường của từng em.
Tuy nhiên, như chúng ta đã nhận thấy vấn đề được đặt ra là làm thế nào để đảm bảo sự công bằng giữa các phương thức xét tuyển. Đây là vấn đề quan trọng nhất mà chúng ta phải quan tâm trong công tác tuyển sinh.
Để có căn cứ đánh giá sự công bằng khi một ngành của một trường đại học đồng thời sử dụng nhiều phương thức tuyển sinh, Bộ GD&ĐT đã yêu cầu các trường xây dựng, thực hiện phân tích dữ liệu để đánh giá mối tương quan giữa tuyển sinh đầu vào với kết quả học tập của các em. Quy định này có sẵn trong quy chế. Vì quy chế cũng chỉ mới ban hành năm 2022, đến giờ trường mới có sinh viên năm 2 kể từ khi thực hiện quy chế. Tuy nhiên, hầu hết các trường cũng đã đánh giá, có báo cáo về việc này.
Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cho biết, thời gian tới, Bộ GD&ĐT cùng các trường đại học sẽ thảo luận về việc điều chỉnh quy chế tuyển sinh để thống nhất toàn hệ thống có cách làm tốt hơn, để có sự công bằng cho thí sinh.
Sớm công bố đề minh họa kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025
Năm 2025 là năm đầu tiên kỳ thi tốt nghiệp THPT được tổ chức theo Chương trình GDPT 2018, số lượng môn thi và định dạng cấu trúc đề thi có sự thay đổi lớn theo hướng đánh giá năng lực.
Bộ GD&ĐT cho biết, Bộ đã công bố phương án thi từ năm 2025, ban hành văn bản chỉ đạo, hướng dẫn để triển khai; xây dựng công bố cấu trúc định dạng đề thi làm căn cứ để các sở GD&ĐT, các cơ sở giáo dục tổ chức dạy học, ôn tập cho học sinh. Bên cạnh đó, Bộ cũng thành lập ban soạn thảo, tổ biên tập thông tư ban hành quy chế thi tốt nghiệp THPT áp dụng từ 2025.
Thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục rà soát và ban hành hệ thống văn bản quy phạm pháp luật để các địa phương chủ động triển khai. Trong đó, sớm ban hành quy chế thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025; sớm công bố đề thi minh họa để các địa phương, giáo viên và học sinh chuẩn bị ôn tập cho kỳ thi.