Chuyên gia Đông y bật mí cách bảo vệ dạ dày không phải ai cũng biết

PGS.TS. Đậu Xuân Cảnh

PGS.TS. Đậu Xuân Cảnh

Chủ tịch Hội Đông Y Việt Nam - Nguyên Giám đốc Học viện Y Dược học cổ truyền Việt Nam

23-09-2017 13:00 | Phòng mạch online
google news

SKĐS - TS. Đậu Xuân Cảnh, Giám đốc Học viện Y dược học cổ truyền Việt Nam bật mí nguyên tắc bảo vệ hệ tiêu hóa nói chung và dạ dày nói riêng – tuy đơn giản nhưng không phải ai cũng biết và nhớ để thực hiện.

Theo TS. Đậu Xuân Cảnh, trong y học cổ truyền, bệnh dạ dày được mô tả lâu đời được gọi là Vị quản thống. Bệnh do một số nguyên nhân chính gây nên, nguyên nhân từ bên ngoài do bị nhiễm lạnh (hàn). Nếu ban đêm người bệnh nằm ngủ quên đắp chăn, hở bụng sẽ làm cho dạ dày không thực hiện chức năng tốt làm cho người bệnh không cảm thấy thoải mái.

Hoặc do nguyên nhân ăn uống, người bệnh ăn no quá hay đói quá, hay nóng quá, lạnh quá hoặc căng thẳng trong công việc đều ảnh hưởng đến dạ dày. Hoặc do suy nhược bệnh lý hoặc do cơ thể lao động quá mệt mỏi cũng làm cho dạ dày bị ảnh hưởng…

TS. Đậu Xuân Cảnh.


Điều trị bệnh dạ dày ngoài thuốc Tây y thì Y học cổ truyền cũng có nhiều bài thuốc giúp ích rất nhiều cho người bệnh. Người bệnh cần tuân thủ theo sự tư vấn của các bác sĩ.

Dạ dày trống rỗng – Điều tối kỵ

TS. Cảnh tư vấn, trong Đông y thì tối kỵ là để dạ dày trống không vì sẽ không có gì để bảo vệ dạ dày. Do đó, bạn không nên để đói quá, nếu không kịp ăn gì thì cũng nên uống một ly nước để trung hòa axit dạ dày.

Để phòng bệnh dạ dày người dân cần chú ý ăn đúng bữa, đúng giờ, không nên ăn thức ăn quá lạnh sẽ gây nên bệnh dạ dày, hoặc gây rối loạn dạ dày. Chức năng dạ dày là “hòa” và “giáng”, nó làm trào trộn thức ăn và giáng xuống tiếp tục tiêu hóa. Đặc biệt là tá tràng, nếu dạ dày không thực hiện được công năng hòa trộn thức ăn. Hiện y học hiện đại đã chứng rõ được quá trình tiết dịch vị của dạ dày liên quan đến vấn đề dạ dày. Không nên ăn quá no để dạ dày còn có thể co bóp. Còn nếu đói quá không có gì để tiêu hóa thì chính điều đó sẽ làm tổn thương dạ dày.

Nhai kỹ khi ăn

Một trong những vấn đề được Đông y rất quan tâm đó là vấn đề ăn uống. Khi bạn bị đau dạ dày thì dinh dưỡng Đông y nói rằng tỳ vị là cội nguồn của khí huyết mà khí huyết là cội nguồn của sức khỏe. Nếu ăn uống không tốt thì sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe.

Theo TS. Cảnh, thức ăn đưa vào cơ thể cần nhai kỹ, cẩn thận để thức ăn nhuyễn, để làm cho "ăn mà như uống", chính điều này giúp cho dạ dày tiêu hóa tốt hơn. Khi tiêu hóa tốt hơn thì làm cho chứng tích trong dạ dày không tồn tại khiến cho không bị trào ngược. Với các thức ăn trong để trong tủ lạnh mà mang ra ăn sẽ không tốt, do đó bạn cần làm thức ăn nóng lên.

TS. Cảnh cũng cho hay, nghệ có tác dụng rất tốt với sức khỏe. Tác dụng nghệ trong y học cổ truyền là hoạt huyết, chống viêm, giảm đau, giúp quá trình trong tiêu hóa... Nên dùng nghệ hằng ngày để làm gia vị nấu ăn hàng ngày.

Người bệnh dạ dày trong sinh hoạt hàng ngày nếu còn cảm thấy chưa được thoải mái như ăn chưa ngon miệng, bụng sình hơi... thì có thể đến các cơ sở y học cổ truyền để chẩn trị thêm xem bạn ở thể nào để có thể dùng thêm thuốc khác. Nếu dạ dày bạn còn nóng rát trong đó thì vi khuẩn đã hết nhưng tính nhiệt trong dạ dày chưa trở lại bình thường thì bác sĩ đông y thì có thể kê bài thuốc cụ thể theo thể trạng từng người.

Luôn giữ ấm bụng

Một điều tưởng chừng đơn giản nhưng không phải ai cũng biết là cần luôn giữ ấm bụng kể cả trong lúc ngủ.

“Khi ngủ, bao giờ cũng phải đắp chăn mỏng trên bụng để giữ ấm bụng. Đó là nguyên tắc quan trọng bảo vệ hệ tiêu hóa, không chỉ đơn giản cho dạ dày, tá tràng mà toàn bộ hệ tiêu hóa, đảm bảo thân nhiệt cơ thể 37 độ, chỉ cần lạnh một chút nó ảnh hưởng tới dạ dày, hệ tiêu hóa, men gan,... Vì vậy, vào mùa hè khi gia đình bạn dùng điều hòa, đừng quên đắp chăn mỏng trên bụng”- TS. Cảnh khuyến cáo.

Bệnh viêm loét dạ dày - tá tràng là một bệnh phổ biến. Theo Hội khoa học Tiêu hóa, tại Việt Nam, có tới 26% dân số mắc bệnh viêm loét dạ dày tá tràng, 70% dân số nước ta có nguy cơ mắc bệnh dạ dày, nguy cơ mắc viêm loét dạ dày ở nam giới gấp 4 lần so với nữ. Đây là căn bệnh không nguy hiểm đến tính mạng nếu phát hiện sớm, điều trị kịp thời và đúng phác đồ. Tuy nhiên nếu để bệnh viêm loét dạ dày tá tràng kéo dài sẽ ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống của người bệnh, thậm chí dẫn tới các biến chứng nguy hiểm như loét dạ dày, thủng dạ dày hay ung thư dạ dày.

Theo thống kê, số người tử vong mỗi năm vì bệnh ung thư dạ dày tại Việt Nam lên tới 11.000 người. Đáng chú ý là 70% số người bị ung thư dạ dày được phát hiện ở giai đoạn tiến triển do không có triệu chứng rõ rệt và dễ nhầm lẫn với bệnh viêm dạ dày hay loét dạ dày. Đặc biệt, tuổi bệnh nhân ung thư dạ dày dưới 40 chiếm tỉ lệ khoảng 20 - 25% là một con số rất cao.

Những đối tượng thường xuyên bị áp lực, căng thẳng trong công việc hay ăn uống thất thường, thường sử dụng rượu bia... là những nhóm có nguy cơ cao mắc bệnh dạ dày. Nhưng nhiều người bệnh không biết rằng cần phải tuân thủ tuyệt đối việc điều trị căn bệnh này nếu không bệnh rất hay tái phát.

Dương Hải


Ý kiến của bạn