PGS. Lâm cũng chia sẻ, người Việt Nam hiện ăn quá nhiều thịt, ănhàng trăm gram thịt /người/ngày, trong khi Nhật Bản là đất nước phát triển họ ăn ít thịt chỉ khoảng 65g thịt/người/ngày. Thức ăn chủ yếu của họ là cá, rong biển và đậu phụ. Những thói quen trong ăn uống và sinh hoạt như nhiều thịt, vận động ít là nguyên nhân gây ra bệnh tật, đặc biệt là THA, ĐTĐ, Tim mạch, COPD.
Cũng theo PGS. Lâm, để phòng ngừa các bệnh mạn tính thì dinh dưỡng chính cũng là một biện pháp cần phải quan tâm để hỗ trợ và dự phòng bệnh. PGS. Lâm lấy ví dụ, với người bệnh Đái tháo đường tuýp 2, nếu được tư vấn chế độ dinh dưỡng từ sớm thì 15 năm sau cũng chưa có biến chứng, ngược lại nếu những người này không được tư vấn về dinh dưỡng thì chỉ 5 năm sau khi mắc bệnh đã có thể có biến chứng của bệnh đái tháo đường.
Với người đái tháo đường chúng ta vẫn phải cung cấp cho cơ thể đầy đủ các thành phần dinh dưỡng, nhưng cách ăn khác nhau, người tiểu đường ăn nhiều rau xanh. Ăn khoảng 100-300g quả chín ở dạng miếng, không ăn dạng ép, sinh tố. Với người tiểu đường việc chia nhỏ bữa ăn rất quan trọng, bữa phụ có thể sử dụng các chế phẩm dành cho tiểu đường, bánh quy, ăn ngô, chuối, táo chấp nhận được.
Nhiều người cho rằng bị đái tháo đường không ăn tinh bột nhưng đó là nhận thức sai, người đái tháo đường vẫn ăn tinh bột, bây giờ có gạo lức, gạo nẩy mầm rất tốt cho người đái tháo đường vì nó giúp kiểm soát đường máu.
Cùng quan điểm trên, PGS.TS. BS Vũ Thị Thanh Huyền - Trưởng khoa Nội tiết Cơ xương khớp, Bệnh viện Lão khoa trung ương cũng chia sẻ, chúng ta đang chuyển đổi mô hình bệnh tật từ lây nhiễm sang không lây nhiễm. Bệnh không lây nhiễm gồm các bệnh mạn tính THA, ĐTĐ, Tim mạch, bệnh COPD... Các bệnh này làm gia tăng tỷ lệ tử vong hàng đầu. Vì thế, chúng ta phải kiểm soát tịch cực BKLN. Nếu chưa có bệnh thì phòng bệnh bằng chế độ dinh dưỡng khoa học và lối sống lành mạnh. Không sử dụng thực phẩm có chất béo, có chứa đường cao.
Chia sẻ về bí quyết của cá nhân mình, PGS. Lâm cho biết, năm nay bà bước sang tuổi 60 nhưng vẫn làm việc và duy trì sức khoẻ tương đối tốt. Mỗi ngày bà tập luyện ít nhất là 60 phút với các hình thức khác nhau từ đạp xe, đi bộ, yoga, bơi lội…
Ăn nhiều rau xanh, cá kết hợp với vận động có lợi cho sức khoẻ (ảnh minh hoạ)
Về dinh dưỡng, nguyên tắc ăn là nhiều rau xanh, hoa quả, giảm muối, chọn chất béo tốt cho sức khỏe, ăn vừa phải để dự phòng tăng cân không gầy quá, không béo quá. Trong chế biến thì chọn thực phẩm sạch an toàn, đảm bảo bữa ăn lành mạnh cho gia đình.
Hiện nay có chế độ ăn Địa Trung Hải mọi người có thể tham khảo, chế độ ăn này tốt cho người tim mạch. Bởi họ ăn nhiều cá, do protein của cá dễ hấp thu, chất béo của cá tốt cho sức khỏe. Cá còn giàu chất béo DHA omega 3… đây là các chất chống oxi hoá rất có lợi cho sức khoẻ. Nó giúp giảm mỡ máu cao, giảm tăng huyết áp, có tác dụng chống viêm, và cũng tốt cho sức khỏe sinh sản ở cả nam và nữ.
Ngoài ra, tảo biển cũng nhiều vi chất, chất xơ. Ngoài cá, chế độ ăn của họ có nhiều rau xanh giúp ích sức khỏe, chống lão hóa tốt. Họ không ăn thịt vì trong thịt có nhiều chất béo bão hòa, dẫ đến nguy cơ rối loạn lipid máu.
Để phòng bệnh và sống khoẻ, theo PGS Lâm mỗi người phải kiểm soát tích cực bệnh của mình bằng cách, tự kiểm tra huyết áp của mình thật tốt nhằm giảm nguy cơ biến cố tim mạch, kiểm soát đường máu với người bệnh đái tháo đường tránh các biến chứng của bệnh... Những người chưa có bệnh thì dự phòng bệnh bằng cách không sử dụng thực phẩm có chất béo, chất đường cao…tăng cường luyện tập thể lực...