Theo quan niệm của nhiều người, nước hầm xương rất giàu chất bổ dưỡng và nhiều canxi. Các bà các mẹ thường mách nhau hầm một nồi nước xương để nấu bột, nấu cháo cho trẻ ăn cho "đủ chất" và thậm chí còn nấu cho cả gia đình vì nước hầm xương rất ngon, ngọt.
Nước dùng từ xương hầm tạo cảm giác ngon miệng hơn, kích thích cả trẻ em và người lớn ăn ngon, ăn nhiều hơn. Tuy nhiên, bài viết dưới đây sẽ giúp bạn cân nhắc khi muốn sử dụng nước hầm xương cho con mình.
1. Nước hầm xương có thực sự bổ dưỡng?
Các bà nội trợ cho rằng, hầm xương cho ngọt nước và khi nước ngọt nghĩa là các chất bổ trong xương đã ra nước canh hoặc xương chứa nhiều canxi, hầm lâu thì canxi sẽ tan vào nước, dùng nước đó sẽ rất bổ cho xương.
ThS. BS. Đặng Ngọc Hùng - Viện Nghiên cứu và tư vấn dinh dưỡng cho biết: Chẳng biết quan điểm này có từ bao giờ nhưng thực tế lại không được như vậy. Hàm lượng dinh dưỡng trong nước hầm xương khá nghèo nàn.
Đầu tiên, vị ngọt của nước hầm xương không phải thể hiện sự bổ dưỡng mà đó là sự kết hợp của acid amin tên là glutamin có trong thịt và xương. Sau khi nấu một thời gian nó sẽ kết hợp với muối natri có sẵn trong thực phẩm tạo ra một chất có vị ngọt đặc biệt tên là monosodium glutamate (MSG). Chất tạo ngọt này có cấu trúc như bột ngọt tạo vị ngon và đây là vị thứ 5 có tên là umami mà lưỡi chúng ta cảm nhận được.
Tiếp theo, trong nước hầm xương có tìm thấy một số lượng ít các chất khoáng như: canxi, magie... Tuy nhiên, so với thực phẩm khác như sữa, trứng, cá, các loại hạt... thì nghèo nàn hơn nhiều. Mà bên cạnh đó các chất như photpho, cholesterol trong nước xương hầm lại cao và điều này không tốt cho sức khỏe một số đối tượng như: trẻ nhỏ, người mỡ máu cao, người bệnh vẩy nến, bệnh nhân suy giảm chức năng thận…
BS. Hùng cũng cho biết, nếu chỉ cho bé ăn nước hầm xương sẽ không đủ dinh dưỡng hàng ngày. Các loại thực phẩm giàu đạm như thịt, cá, xương dù ninh hầm nhừ thì các chất dinh dưỡng cũng không hòa tan được hết vào nước. Vì vậy bạn vẫn nên cho con ăn cả phần cái đã ninh nhừ.
Trong nước hầm xương chứa rất ít đạm và canxi. Lượng canxi trong nước hầm xương lại ở dạng vô cơ khiến cơ thể bé không thể hấp thụ được. Nếu thường xuyên cho con ăn nước hầm xương, bé sẽ bị thiếu canxi dẫn đến còi xương, chậm mọc răng…
Mặc dù trong tủy xương có nhiều chất béo, nhưng đây là chất béo động vật, khó tiêu hóa. Khi trẻ ăn thường xuyên, nó sẽ bám lại ở thành ruột và dạ dày của bé, gây đầy bụng, chán ăn. Lâu dài dẫn đến mất cân bằng hệ vi khuẩn đường ruột gây tiêu chảy hoặc phân sống, hấp thu dinh dưỡng kém.
ThS. BS. Đặng Ngọc Hùng kết luận, nước hầm xương không phải là loại nước bổ như chúng ta nghĩ. Việc ăn nước hầm xương giúp tạo vị ngon, chất lượng món ăn và hãy sử dụng như thực phẩm thông thường chứ đừng xem là loại quý hiếm mà thay thức ăn cho người bệnh hoặc trẻ em, điều này sẽ làm cho họ thiếu dinh dưỡng mà chính chúng ta không biết.
2. Lưu ý khi dùng nước hầm xương nấu ăn cho trẻ
- Việc dùng nước hầm xương nấu cháo cho trẻ là không cần thiết vì bản thân các nhóm thực phẩm cơ bản như thịt, cá, tôm, rau củ… đã có vị ngon và độ ngọt tự nhiên.
- Nếu cha mẹ muốn dùng nước hầm xương để nấu bột, cháo cho trẻ thì nên cho bé ăn cả phần xác đạm (thịt, cá, tôm…) thay vì chỉ lọc mỗi phần nước hầm xương. Xay nhuyễn phần cái của các thực phẩm cùng nước hầm xương không những cung cấp vitamin, sắt, các chất khoáng khác cần thiết cho cơ thể, mà còn cung cấp chất xơ giúp bé tránh được táo bón.
- Nên thay đổi đa dạng các loại thực phẩm mỗi ngày để đảm bảo đủ 4 nhóm thực phẩm cung cấp đầy đủ dinh dưỡng cho trẻ. Mỗi tuần chỉ nên cho bé ăn1-2 lần nước hầm xương, và nên thay đổi các loại như xương hom, xương sườn heo, xương gà, đầu tôm… chứ không nhất thiết là xương ống.
- Nên bổ sung vào chế độ ăn các loại chất béo tốt như dầu mè, dầu đậu nành, dầu ôliu... để cung cấp thêm năng lượng cho sự phát triển của trẻ.
Xem thêm video đang được quan tâm
5 thói quen đơn giản có thể giúp bạn giảm nguy cơ ung thư.