Để tăng cường sức đề kháng sau mắc COVID-19, nhiều người đã tăng cường những thực phẩm bổ dưỡng. Nhưng dùng bao nhiêu, như thế nào thì không phải ai cũng biết. Dưới đây là lời khuyên của các chuyên gia dinh dưỡng.
1. Tổ yến tăng cường sức đề kháng
Chị Nguyễn Trà M. ( Ngô Quyền, Hải Phòng) tái mắc COVID lần thứ 2 trong vòng 6 tháng, lần nào chị cũng tích cực ăn tổ yến vì nghe nói tổ yến rất tốt, có thể giúp người ốm mau phục hồi sức khỏe. Rất nhiều người khác cũng tìm mua yến để mọi người trong nhà cùng ăn để nâng cao sức khỏe, cho dù người đó có sức khỏe tốt. Vậy, tổ yến có giá trị dinh dưỡng như thế nào?
Theo TS.BS Nguyễn Thị Vân Anh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển Y dược học cổ truyền dân tộc, nguyên Trưởng khoa Nội, Bệnh viện YHCT Trung ương: Yến sào có hàm lượng protein, axit sialic, 18 loại axit amin, nhiều nguyên tố vi lượng, khoáng chất, vitamin dồi dào. Do đó, tổ yến có tác dụng đối với sức khỏe toàn diện của cơ thể. Không những thế, loại thực phẩm này có thể sử dụng cho nhiều đối tượng khác nhau, từ trẻ em, người trưởng thành, người cao tuổi, người có bệnh lý nền.
Đối với những người hay mắc bệnh đường hô hấp như viêm phổi, ho có đờm, cảm cúm, hen suyễn thì tổ yến chính là phương thuốc tuyệt vời. Chính vì vậy, ăn yến giúp tăng cường sức đề kháng, tốt cho người bị tổn thương phổi do COVID-19, giúp giảm ho, tiêu đờm, khó thở, phục hồi chức năng phổi, chống suy nhược cơ thể… Nếu trong gia đình có người mắc COVID-19, để phục hồi sức khỏe, tổ yến là một lựa chọn hiệu quả.
2. Không nên tẩm bổ quá nhiều trong thời gian mắc COVID-19
Được người quen gửi biếu ít đông trùng hạ thảo, anh Đỗ Hồng K. ( Hà Nam) rất chịu khó ăn trong suốt thời gian mắc COVID và sau khi đã khỏi bệnh. Ngoài ngâm nước nóng để uống rồi nhai, anh thậm chí còn thả cả đông trùng hạ thảo vào nồi lẩu để cả nhà đều là F0 từ người lớn đến trẻ nhỏ cùng ăn.
Theo TS.BS Ngô Quang Hải, nguyên Phó Giám đốc Trung tâm đào tạo và chỉ đạo tuyến, Bệnh viện Châm cứu Trung ương thì tổ yến hay đông trùng hạ thảo đều là những loại thuốc bổ, có tác dụng nâng cao thể trạng.
Tuy nhiên, trong giai đoạn mắc COVID-19 người bệnh không nên ăn những loại thực phẩm quá nhiều chất bổ vì việc bồi bổ làm cho tà khí và thời khí bị giữ lại trong cơ thể lâu hơn, bệnh sẽ lâu khỏi. Người bệnh chỉ cần ăn uống tăng cường dinh dưỡng, điều trị triệu chứng. Nếu cơ thể mệt mỏi, chán ăn, F0 nên chia nhỏ bữa ăn với hàm lượng vừa đủ, lựa chọn các món ăn mình yêu thích, hạn chế các món chiên xào, nhiều dầu mỡ, những món nhiều đạm như thịt đỏ, tôm, cua, nội tạng... để tránh đầy bụng, khó tiêu.
Sau khi khỏi COVID-19, việc ăn tổ yến hay đông trùng hạ thảo sẽ phát huy tác dụng tốt hơn, giúp cơ thể phục hồi nhanh.
3. Có nên cho trẻ mắc COVID ăn đông trùng hạ thảo và sâm?
TS.BS Trương Thị Ngọc Lan, Phó Viện trưởng Viện Y dược học dân tộc TP.HCM cho rằng, khi trẻ đang mắc COVID-19, không nên tẩm bổ bằng đông trùng hạ thảo và sâm mà chỉ nên cho trẻ ăn uống tăng cường dinh dưỡng, ăn thêm các bữa phụ. Tăng cường cho trẻ uống sữa, nước hoa quả…
Ngay cả khi trẻ đã khỏi COVID-19, cha mẹ cũng không nên dùng đông trùng hạ thảo và sâm vì có thể khiến trẻ dễ bị chảy máu cam. Nguyên nhân là do cơ thể trẻ em có tính nhiệt nhiều hơn so với hàn, người rất nóng, trong khi sâm và đông trùng hạ thảo đều là những bài thuốc nóng nên không phù hợp để tẩm bổ cho trẻ.
4. Sau mắc COVID, không phải càng tẩm bổ nhiều càng bổ
Nhiều người cho rằng, thực phẩm bổ dưỡng thì càng ăn nhiều càng bổ, sức khỏe nhanh hồi phục. Nhưng đây là quan niệm hoàn toàn sai lầm. Theo các chuyên gia, nên sử dụng điều độ, đúng liều lượng sẽ tốt cho sức khỏe.
Đối với trẻ em 1-3 tuổi chỉ nên dùng 1-2g tổ yến tinh mỗi lần, một tuần dùng 2-3 lần. Không nên dùng quá nhiều khiến hệ tiêu hóa của trẻ không tiêu hóa được.
Trẻ từ 3-12 tuổi, có thể dùng 3-4g tổ yến tinh chế mỗi lần, 3 lần/tuần.
Người lớn nên ăn hàng ngày với liều 3-4g yến tinh mỗi ngày nếu có điều kiện bởi tổ yến tốt cho da và sự hồi phục sau COVID-19.
Đông trùng hạ thảo có tác dụng bồi bổ cơ thể cho người ốm, ích phế, bổ thận, bổ tinh tủy, cầm máu, hóa đờm, dùng chữa hư hao sinh ho, ho ra máu, liệt dương, lưng đau mỏi gối, di tinh, đau tim. Việc sử dụng đông trùng hạ thảo sẽ tùy thuộc vào tuổi, thể trạng... của từng người. Tuy nhiên trẻ em không nên sử dụng đông trùng hạ thảo.
5. Người bệnh sau mắc COVID-19 nên ăn gì?
Theo ThS. BS Nguyễn Văn Tiến (Trung tâm Giáo dục Truyền thông dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng), dinh dưỡng cho người sau điều trị COVID-19 rất quan trọng. Chế độ dinh dưỡng hợp lý sẽ nhanh chóng giúp cải thiện tình trạng dinh dưỡng, cải thiện các chức năng cho cơ thể.
Người bệnh cần ăn đa dạng, phối hợp từ 15-20 loại thực phẩm và thay đổi thường xuyên các loại thực phẩm trong ngày. Khẩu phần ăn hàng ngày nên có sự phối hợp ở tỷ lệ cân đối giữa giữa nguồn chất đạm động vật và thực vật (thịt, cá, trứng, sữa, tôm, cua, hải sản, đậu, đỗ...).
Người sau điều trị COVID-19 thường mệt mỏi, chán ăn, vì vậy, cần ăn thành nhiều bữa nhỏ, khoảng 5 bữa/ngày, tránh ăn quá no có thể gây khó thở. Các món ăn chế biến ở dạng mềm, thái nhỏ, hầm kỹ để dễ tiêu hóa và hấp thu. Tăng cường rau xanh và hoa quả. Thay đổi món ăn thường xuyên, tránh đơn điệu để bữa ăn sẽ ngon hơn. Tăng cường bổ sung sữa và các sản phẩm của sữa 2 cốc/ngày.
Người mắc bệnh COVID-19, thường bị mất nước và một số chất điện giải như natri, kali do sốt, viêm phổi và nhiễm trùng, vì thế tăng cường bổ sung nước để bù lại lượng nước đã mất giúp cho cơ thể mau phục hồi là rất cần thiết.
Các loại nước sinh tố hoa quả như nước chanh, nước cam, nước bưởi ép, nước xoài, rau má… ngoài cung cấp nước còn cung cấp các vitamin và khoáng chất cần thiết cho cơ thể.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Hiểu đúng về sức đề kháng và cách tăng sức đề kháng.