Trao đổi chất là một tập hợp các quá trình sinh học và hóa học, trong đó cơ thể biến đổi thức ăn và sử dụng chúng để duy trì các chức năng sống còn.
Chuyên gia dinh dưỡng Raphaël Gruman ở Paris và Cannes - Pháp cho biết: "Cơ thể đốt cháy calo cả ngày lẫn đêm để đảm bảo hoạt động của não, các enzym và các cơ quan".
Do đó, quá trình trao đổi chất hay chuyển hóa cơ bản đại diện cho lượng calo mà bạn đốt cháy mỗi ngày, không tính đến các hoạt động thể chất của bạn nhưng bao gồm cả số giờ ngủ.
Tỷ lệ trao đổi chất cơ bản được biểu thị bằng calo hoặc kilojun trên mét vuông bề mặt cơ thể và theo mỗi giờ. Ngoài calo trao đổi chất cơ bản, cơ thể tiêu thụ calo cho các hoạt động thể chất.
Tùy thuộc vào độ tuổi và giới tính, quá trình chuyển hóa cơ bản này hoạt động nhiều hơn hay ít hơn. Kích thước, khối lượng cơ và khối lượng xương cũng làm thay đổi quá trình trao đổi chất.
Bạn càng có cơ bắp săn chắc, sự trao đổi chất càng cao. Ngay cả khi nghỉ ngơi, cơ bắp vẫn tiếp tục đốt cháy calo.
Hoạt động thể chất cũng có tác động đến sự trao đổi chất cơ bản. Đôi khi sự trao đổi chất này bị chậm lại, đặc biệt là do dùng một số loại thuốc, mãn kinh, rối loạn tuyến giáp...
Chuyên gia Raphaël Gruman cho biết dấu hiệu phổ biến và rõ ràng nhất của quá trình trao đổi chất bị chậm lại là tăng cân.
Ngoài ra, còn có các nguyên nhân sau dẫn đến quá trình trao đổi chất trong cơ thể bị chậm lại:
1. Thiếu hoạt động trí não khiến tăng cân
Hoạt động trí não ảnh hưởng đến sự trao đổi chất. Raphaël Gruman cho biết: Những người hoạt động trí óc có sự trao đổi chất cao hơn. Não sử dụng một lượng glucose nhất định mỗi giờ để hoạt động. Ngược lại, những người có hoạt động trí não thấp thì quá trình trao đổi chất bị chậm lại.
2. Tuổi tác
Quá trình trao đổi chất diễn ra mạnh mẽ cho đến khi kết thúc quá trình tăng trưởng, tức là cho đến năm 18 tuổi. Sau 18 tuổi, chúng ta đốt cháy ít calo hơn. Người ta ước tính rằng tỷ lệ trao đổi chất cơ bản giảm từ 2 đến 3% sau mỗi 10 năm ở tuổi trưởng thành. Số lượng calo được tiêu thụ khi nghỉ ngơi giảm.
3. Di truyền
Raphaël Gruman giải thích: Một số người có sự trao đổi chất chậm về mặt di truyền. Những người khác, ngược lại, có một sự trao đổi chất nhanh chóng. Điều này giải thích tại sao một số người không tăng cân bằng cách ăn mọi thứ họ muốn và những người khác lại tăng cân với độ lệch nhỏ nhất. Sự trao đổi chất chậm về mặt di truyền này có thể được thực hiện nhờ hoạt động thể chất và bằng cách tăng khối lượng cơ.
4. Suy giáp
Tuyến giáp có ảnh hưởng đến quá trình trao đổi chất. Tuyến giáp kiểm soát sự trao đổi chất. Khi chức năng của nó bị rối loạn hoặc bị lỗi, quá trình trao đổi chất sẽ bị ảnh hưởng. "Suy giáp khiến quá trình trao đổi chất diễn ra chậm lại. Quá trình trao đổi chất đốt cháy ít calo hơn nên người đó sẽ tăng cân.
5. Dùng một số loại thuốc
Một số loại thuốc có thể làm chậm quá trình trao đổi chất cơ bản. Điều này đặc biệt đúng với thuốc giảm đau và thuốc chống trầm cảm. Thuốc lợi tiểu cũng có thể làm giảm sự trao đổi chất. Sự trao đổi chất chậm lại thường dẫn đến tăng cân.
Chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo: Khi bạn dùng những loại thuốc này, bạn nên giảm tiêu thụ carbohydrate (chất bột đường) và bù lại tăng chất béo và protein cũng như tăng cường hoạt động thể chất để thúc đẩy tăng khối lượng cơ bắp, từ đó có thể thúc đẩy trao đổi chất.
6. Thời kỳ mãn kinh
Raphaël Gruman cho biết: "Sự trao đổi chất cơ bản đột ngột chậm lại trong vài tháng hoặc vài năm vào thời kỳ mãn kinh". Sự sụt giảm này có liên quan đến việc giảm khối lượng cơ do thiếu hụt estrogen. Điều này giải thích tại sao mãn kinh thường đi kèm với tăng cân. Với cùng một lượng calo, chúng ta có thể có cân nặng ổn định ở tuổi 30 và tăng cân ở tuổi 50.
7. Chế độ ăn kiêng ít calo
Trong chế độ ăn ít calo, các cơ quan và não bộ hoạt động chậm lại, nhưng năng lượng tiêu thụ cũng giảm. Để khắc phục tình trạng không đủ calo, cơ thể thích nghi và tiêu ít hơn nhiều, dẫn đến quá trình trao đổi chất bị chậm lại. Raphaël Gruman khuyến cáo không nên theo một chế độ ăn kiêng quá khắc nghiệt, lặp đi lặp lại chế độ ăn kiêng.
8. Dừng hoạt động thể thao cường độ mạnh
"Một người đã tập luyện một môn thể thao chuyên nghiệp trong nhiều năm và dừng sự nghiệp của mình sẽ thấy sự trao đổi chất cơ bản của mình đột nhiên chậm lại", chuyên gia dinh dưỡng nêu rõ. Quá trình trao đổi chất chậm lại đi kèm với tăng cân. Không nên đột ngột ngừng hoạt động thể chất và luôn duy trì một cách cơ bản. đồng thời cũng phải giảm lượng calo tổng thể để thích nghi với hoàn cảnh mới và tiêu thụ nhiều thực phẩm có mật độ năng lượng thấp như rau (khối lượng lớn, ít calo) để không cảm thấy đói.
9. Căng thẳng
Trong tình trạng căng thẳng mạn tính, quá trình trao đổi chất cũng bị chậm lại. Chuyên gia dinh dưỡng chỉ ra đây có thể là do hiện tượng kháng insulin. Khi quá trình trao đổi chất bị chậm lại, bạn sẽ tăng cân vì quá trình trao đổi chất sẽ không sử dụng lượng calo ăn uống vào để hoạt động và sẽ đưa chúng trực tiếp vào "kho dự trữ".
Xem thêm video đang được quan tâm:
Chính phủ chỉ đạo xem xét cấp giấy lưu hành vaccine nội địa Nanocovax.