- 1. Dễ bị đau bụng khi uống giấm táo
- 2. Giấm táo kích thích nhu động ruột
- 3. Uống giấm táo có thể gây hại thận
- 4. Uống nhiều giấm táo gây đầy hơi khó chịu
- 5. Giấm táo làm trầm trọng thêm triệu chứng trào ngược acid dạ dày
- 6. Uống giấm táo làm tăng cảm giác thèm ăn
- 7. Giấm táo gây hại men răng
- 8. Uống giấm táo dễ tương tác với một số loại thuốc
- 9. Sử dụng giấm táo làm giảm mức kali trong cơ thể
Eliza Savage - chuyên gia dinh dưỡng được cấp phép có trụ sở tại New York (Hoa Kỳ) lưu ý rằng việc tiêu thụ giấm táo được quảng cáo là một biện pháp thực hành sức khỏe tích cực có khả năng giúp điều chỉnh lượng đường trong máu và giảm cholesterol, nhưng việc lạm dụng giấm táo gây ra tình trạng khó tiêu hóa nghiêm trọng ở một số người.
Dưới đây là 9 tác dụng phụ bạn có thể gặp nếu tiêu thụ quá nhiều giấm táo, theo các chuyên gia dinh dưỡng được cấp phép tại Hoa Kỳ:
1. Dễ bị đau bụng khi uống giấm táo
Leslie Bonci - chuyên gia dinh dưỡng có trụ sở tại Pittsburgh cho biết: Vì giấm táo có tính acid nên một số người không dung nạp tốt với giấm. Không phải ai cũng gặp phải vấn đề này nhưng người bị viêm loét đại tràng, viêm đường tiêu hóa hoặc dễ bị đau bụng nên tránh xa giấm táo.
2. Giấm táo kích thích nhu động ruột
Eliza Savage cho biết, vì giấm táo được làm từ táo lên men nên nó có chứa pectin - là một chất xơ hòa tan hoạt động như một chất tạo gel tự nhiên. Pectin trong giấm táo giúp làm tăng khối lượng phân, thúc đẩy sự phát triển của vi khuẩn tốt trong ruột và giúp giảm viêm. Nhưng những người tiêu thụ quá nhiều giấm táo dễ gây kích thích nhu động ruột quá mức dẫn đến tiêu chảy.
3. Uống giấm táo có thể gây hại thận
Chuyên gia dinh dưỡng có trụ sở tại Chicago, Amanda Baker Lemein cảnh báo những người có vấn đề về thận không nên tiêu thụ giấm táo.
Theo chuyên gia Amanda, thực phẩm có hàm lượng acid cao hơn có liên quan đến sự tiến triển của bệnh suy thận. Nếu vẫn muốn thử giấm táo, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ chăm sóc khi có vấn đề về thận.
4. Uống nhiều giấm táo gây đầy hơi khó chịu
Chuyên gia Eliza Savage giải thích: Tiêu thụ nhiều giấm táo sẽ làm chậm quá trình làm rỗng dạ dày. Điều này làm giảm tốc độ thức ăn rời khỏi dạ dày và đi vào đường tiêu hóa dưới, nghĩa là bạn sẽ cảm thấy no lâu hơn. Savage cho biết đôi khi việc làm rỗng dạ dày chậm có thể gây giảm cân tạm thời nhưng nó cũng gây đầy hơi và buồn nôn nghiêm trọng trong một số trường hợp.
5. Giấm táo làm trầm trọng thêm triệu chứng trào ngược acid dạ dày
Amanda Baker Lemein khuyến cáo: Bất kỳ ai bị trào ngược acid đều phải thận trọng với những thực phẩm có tính acid quá cao, bao gồm cả giấm táo. Theo chuyên gia dinh dưỡng, giấm táo nằm trong khoảng từ 2-3 trên thang độ acid từ 0-7 (0 là mức acid cao nhất).
Chuyên gia Eliza Savage giải thích, việc bổ sung nhiều acid hơn vào chế độ ăn uống sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến vấn đề sẵn có. Nhiều giấm táo tương đương với nhiều acid dạ dày hơn và lượng acid dạ dày nhiều hơn làm tăng cảm giác nóng rát đối với những người đã từng bị ợ nóng hoặc trào ngược.
6. Uống giấm táo làm tăng cảm giác thèm ăn
Người ta cho rằng giấm táo là một chất ức chế sự thèm ăn và dẫn đến giảm cân. Nếu bạn thay thế một loại gia vị chứa nhiều calo như mayonaise bằng giấm táo sẽ giúp bạn cắt giảm một số calo.
Nhưng theo chuyên gia dinh dưỡng Leslie Bonci, những người uống nhiều giấm táo pha loãng thay cho một bữa ăn nhẹ thực sự có thể đói hơn vì giấm có lượng calo quá thấp.
7. Giấm táo gây hại men răng
Giấm táo được truyền tai nhau về tác dụng làm sạch răng miệng và giúp tẩy trắng răng. Tuy nhiên, các nghiên cứu cho thấy chế độ ăn nhiều thực phẩm có tính acid như nước ép trái cây và trái cây họ cam quýt, đã được chứng minh là có thể gây tổn thương men răng.
Tiến sĩ Soma Mandal, bác sĩ nội khoa tại Summit Medical Group ở Berkeley Heights, New Jersey cho biết, vì giấm táo có tính acid nên việc tiêu thụ quá mức dễ dẫn đến mòn men răng. Sẽ tốt hơn cho răng của bạn nếu bạn chỉ uống giấm táo hoặc nước ép trái cây trong bữa ăn. Tốt nhất hãy pha loãng chúng với nước theo tỷ lệ 1 phần nước trái cây/giấm táo với 10 phần nước và nhớ là không thêm đường.
8. Uống giấm táo dễ tương tác với một số loại thuốc
Tiến sĩ Mandal cho biết, vì giấm táo khiến dạ dày chậm rỗng nên sẽ có vấn đề lớn nếu bạn dùng một số loại thuốc cần đi qua cơ thể và được hấp thụ trong một khung thời gian nhất định. Do đó, cần hết sức thận trọng nếu bạn đang dùng thuốc lợi tiểu, insulin, thuốc huyết áp và thuốc nhuận tràng. Điều này đặc biệt liên quan đến những người mắc bệnh đái tháo đường cả type 1 và 2, vì liệt dạ dày có thể dẫn đến khó kiểm soát lượng đường trong máu.
9. Sử dụng giấm táo làm giảm mức kali trong cơ thể
Cũng theo Tiến sĩ Mandal, một tác dụng phụ tiềm ẩn khác cần lưu ý là hạ kali máu, xảy ra khi nồng độ kali giảm quá thấp. Hạ kali máu dẫn đến rối loạn nhịp tim hoặc nhịp tim không đều. Tiến sĩ Mandal cho biết: Khi lượng kali thấp, bạn cũng có thể bị chuột rút, yếu cơ và mệt mỏi. Điều này thậm chí còn đáng lo ngại hơn đối với những người đang dùng thuốc hạ huyết áp như thuốc lợi tiểu, loại thuốc cũng làm giảm lượng kali.
Erin Palinski-Wade chuyên gia dinh dưỡng có trụ sở tại Sparta, New Jersey cho biết thêm rằng giấm táo có khả năng làm giảm mức kali của bạn đặc biệt nếu bạn lạm dụng nó. Nếu bạn lo lắng hoặc có các triệu chứng của lượng kali thấp như co giật cơ, chuột rút, chóng mặt, đi tiểu nhiều,... tốt nhất bạn nên ngừng tiêu thụ giấm táo và đến gặp bác sĩ để kiểm tra.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Giảm cân và kiểm soát đường huyết nhờ đi bộ sau bữa ăn.