Chuyên gia di truyền lý giải bí mật của mã gen vi rút

06-05-2021 09:22 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Trong cuộc chiến phòng, chống dịch COVID-19, giải mã gen không chỉ góp phần minh bạch hóa bản chất “kẻ thù” mà còn giúp chúng ta hiểu rõ hơn vai trò, vị thế của mỗi cá thể trong cuộc chiến này.

COVID-19 vẫn đang có những diễn biến phức tạp trên thế giới

Tại sao phải giải mã gene vi rút?

Theo GS Trương Nam Hải - nhà nghiên cứu di truyền và tin sinh học tại Viện Công nghệ sinh học (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam): “Hệ gen của virus SARS-CoV-2 không quá phức tạp so với hệ gen người và không lớn hơn 30.000 cặp base nucleotide (ký tự). Nhưng những gì chúng ta biết về loại virus này vẫn chưa thực sự nhiều”.

Thông qua việc giải mã bộ gen virus, chúng ta sẽ có những sự hiểu biết tường tận. Giúp mang đến những giải pháp hiệu quả và toàn diện trong công tác kiểm soát và ngăn ngừa bệnh dịch COVID-19.

Theo các chuyên gia, cũng như hệ gen người, những thông tin mà chúng ta cần tìm hiểu về virus SARS-CoV-2 nằm trong chính hệ gen của nó. Một hệ gen – vật chất di truyền của một sinh vật sống, được ví như một cuốn sổ tài liệu thiết yếu, trong đó chứa đựng những thông tin cần thiết về sinh vật đó.

Hệ gen của một sinh vật sống, chứa đựng những thông tin cần thiết về sinh vật đó.

Vì vậy, với một bộ “sưu tập” kết quả giải trình tự gen, chúng ta có thể sử dụng các mô hình tiến hóa trình tự gen để kiểm chứng và dự đoán lịch sử phát triển của virus theo phạm vi không gian – nơi xuất hiện, con đường lây nhiễm…Cũng như theo quỹ đạo thời gian: quá khứ, hiện tại và tương lai.

Có thể sử dụng kết quả giải mã gen để trả lời cho những câu hỏi thiết yếu như “vi rút gây ra bệnh dịch thuộc loại nào, từ đâu ra?”, “các đột biến xuất hiện nhanh như thế nào?”, “nơi nào trong hệ gen này có những đột biến xuất hiện?”…

Việc phân tích kết quả giải trình tự gen còn mở ra cho chúng ra biết rất nhiều điều hữu ích khác. Nhờ đó, có thể nhận biết vi rút lan truyền như thế nào, tốc độ lan truyền tại các thời điểm và ước tính được số lượng người có thể bị nhiễm bệnh.

Giải mã cấu trúc vi rút còn giúp các nhà khoa học hiểu rõ hơn về cơ chế lây nhiễm, gây hại… để làm cơ sở cho các nghiên cứu về thuốc, vắc xin trúng mục tiêu và hiệu quả hơn.

Những biến thể mới của vi rút được phát hiện tại Việt Nam

Tại nước ta, ngay từ những ngày đầu tiên trong cuộc chiến chống dịch, các nhà khoa học đã tiến hành nhiều nghiên cứu liên quan như gỉai trình chế tạo ra các bộ xét nghiệm, nhằm phát hiện vi rút trong các mẫu bệnh phẩm. Nghiên cứu sản xuất vắc xin và cả việc giải trình tự toàn bộ hệ gen của vi rút từ các chủng đang lan truyền tại nhiều nước trên thế giới và xác định các biến thể của chúng.

Trong thời gian qua, khi tình hình dịch COVID-19 ở các nước xung quanh Việt Nam đang diễn biến phức tạp, một số địa phương đã xuất hiện các chùm ca bệnh. Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã chỉ đạo các viện nghiên cứu y khoa đầu ngành tiến hành giải trình tự gene của những người mới bị mắc COVID-19 để đánh giá các yếu tố nguy cơ. Để từ đó có các biện pháp ngăn ngừa, phòng, chống dịch phù hợp.

Việc phát hiện các biến thể mới, nhất là các biến thể nguy hiểm hơn một cách kịp thời cũng giúp các cơ quan chức năng xây dựng chiến lược phản ứng phù hợp, để kịp thời bảo vệ sức khỏe cộng đồng và ngăn chặn dịch bệnh

Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đã tiến hành lấy mẫu ở những bệnh nhân mắc COVID-19 tại Vĩnh Phúc, Hà Nam, Hưng Yên, Hà Tĩnh để làm xét nghiệm giải trình tự gene, giúp xác định nguồn gốc.

Tại Vĩnh Phúc lấy 3 mẫu của 3 bệnh nhân mắc COVID-19 là những nhân viên quán Bar Sunny, cho kết quả thuộc chủng B.1.617.2, là biến thể của Ấn Độ.

Tại Hà Nam lấy 6 mẫu, Hưng Yên lấy 2 mẫu, Hà Tĩnh lấy 2 mẫu (2 bệnh nhân mắc COVID từ Lào sang Việt Nam qua đường bộ) đều cho kết quả thuộc chủng B.1.1.7, là biến thể của Anh

Trước đó nhiều kết quả giải trình tự gene của các biến thể SARS-CoV-2 mới tại nước ta cũng đã được thực hiện như: Phát hiện chủng biến thể Anh trên bệnh nhân nhập cảnh từ Anh ngày 22/12/2020; Chủng A.23.1 (phát hiện lần đầu tiên ở Rwanda, Châu Phi vào khoảng tháng 10/2020) trên chuỗi lây nhiễm tại sân bay Tân Sơn Nhất.

Theo các chuyên gia dịch tễ, việc thực hiện giải mã trình tự gen của vi rút không chỉ giúp hiểu rõ hơn bản chất của vi rút, quá trình biến chủng. Việc phát hiện các biến thể mới, nhất là các biến thể nguy hiểm hơn một cách kịp thời cũng giúp các cơ quan chức năng xây dựng chiến lược phản ứng phù hợp, để kịp thời bảo vệ sức khỏe cộng đồng và ngăn chặn dịch bệnh. Như việc phát hiện biến thể B.1.1.7 ở phía Bắc đã dẫn đến việc tăng cường giám sát ở phía Nam và phát hiện chuỗi lây nhiễm tại cụm sân bay Tân Sơn Nhất.

Tính đến ngày 27 tháng 4, WHO đã xác định được ba “biến thể đáng lo ngại” là B.1.1.7 (ở Anh), 501Y.V1 (ở Nam Phi) và P.1 (Brazil/NhậtBản) và 7 “biến thể cần quan tâm” gồm Cal.20C (California),  B.1.525 (Anh, Nigeria), B.1.1.28.2 (Braxin), B.1.526 (Mỹ), B.1.1.28.3 (Philippines, Nhật Bản), B.1 (Pháp) và B.1.617 (Ấn Độ).

 


Khôi Nguyễn
Ý kiến của bạn