Cơ chế mua bán điện trực tiếp có lợi cho người dùng
Bộ Công Thương vừa hoàn thiện dự thảo Nghị định của Chính phủ về cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện với khách hàng sử dụng điện lớn (DPPA), trong đó cho phép các nhà máy điện gió, điện mặt trời được phép bán trực tiếp cho khách hàng thông qua đường dây riêng hoặc lưới điện quốc gia.
Tại cuộc họp với Phó thủ tướng Trần Hồng Hà về dự thảo nghị định quy định cơ chế mua bán điện trực tiếp (DPPA) mới đây, Chủ tịch HĐQT EVN Đặng Hoàng An cho rằng có thể tạo thị trường mua bán điện trực tiếp không giới hạn người bán và người mua. Các bên tham gia sẽ chi trả toàn bộ chi phí cho EVN trong bảo đảm an toàn lưới điện, vận hành, truyền tải…
Chuyên gia năng lượng Đào Nhật Đình cho rằng chi phí truyền tải của Việt Nam hiện tại thấp so với các nước có hệ thống tương đương, nên cơ chế DPPA có thể vẫn giúp nhà đầu tư và người mua điện trực tiếp mua được điện giá tốt hơn là mua qua EVN. Hiện Việt Nam chưa áp dụng giá điện 2 thành phần, nên việc chuẩn bị và duy trì sẵn sàng công suất cung cấp cho trung tâm dữ liệu có DPPA với một số nhà máy năng lượng tái tạo có thể sẽ tăng chi phí lớn. Thế nên trong thỏa thuận bán dịch vụ, có thể cộng thêm phí công suất, lúc đó giá bán điện trực tiếp có thể cao hơn giá hiện tại.
Tuy nhiên ông Đình nhấn mạnh đó là giai đoạn đầu khi các cơ chế, chính sách chưa được hoàn thiện. Hiện tại, nguồn điện bổ sung vẫn rất cần thiết, đặc biệt những khu vực có nhu cầu sử dụng điện lớn. Về lâu dài, nếu có nguồn điện chạy nền tốt, nguồn năng lượng tái tạo vẫn đóng vai trò quan trọng khi Việt Nam đang tiến đến giảm phát thải ròng. Sau năm 2030 sẽ không có dự án điện than mới, sau 2035 không có nhà máy điện khí mới để bảo đảm giảm phát thải carbon và mục tiêu cam kết tại COP26 về trung hòa carbon vào năm 2050.
Công suất nguồn ĐMT mái nhà của Việt Nam hiện có khoảng 9.500 MW. Trong số này hệ thống điện đã huy động được 4.500 MW tại các khu công nghiệp. Tuy vậy, nguồn điện này hiện cũng còn nhiều thách thức trong phát triển, nếu nguồn xâm nhập nhiều vào hệ thống, đồng thời cần phải có dự phòng lớn để đảm bảo ổn định hệ thống điện. EVN rất cần các nguồn điện tái tạo để góp phần đảm bảo cung ứng điện do các nguồn điện truyền thống đầu tư cần thời gian, trong khi ĐMT mái nhà phát triển nhanh, lại huy động được nguồn lực xã hội, đáp ứng yêu cầu năng lượng xanh của người dùng.
Đề xuất lắp đồng hồ điện 2 chiều
Cho mua bán điện mặt trời (ĐMT) không giới hạn là quan điểm mới trong quá trình xây dựng dự thảo về cơ chế DPPA. Chuyên gia năng lượng, TS Trần Đình Bá, Hội Khoa học kinh tế Việt Nam, hoan nghênh tư duy mới trong làm chính sách về ĐMT của Bộ Công thương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).
Thực tế, các chuyên gia, doanh nghiệp, người dân góp ý rất nhiều liên quan việc mua bán ĐMT trực tiếp và các nhà làm chính sách đã có sự thay đổi quan điểm và cầu thị rất đáng ghi nhận. Trong thực tế, việc mua bán ĐMT đã có từ năm 2017 qua hợp đồng mua bán điện giữa nhà đầu tư ĐMT và EVN. Người dân và doanh nghiệp chỉ mua điện qua EVN. Nay cũng theo cách làm đó, mua bán trực tiếp giữa nhà làm ĐMT với người dân, doanh nghiệp.
"Cách làm không khác nhau, vẫn chính sách lắp 2 đồng hồ mua và bán tích hợp trong 1 đồng hồ Netmetering - tức đo đếm ròng. Đây là một cơ chế thanh toán tiền điện cho phép người tiêu dùng tạo ra một phần hoặc toàn bộ lượng điện của chính họ sử dụng lượng điện đó bất cứ lúc nào, thay vì khi nó được tạo ra.
ĐMT được hòa vào lưới, bán trực tiếp cho bên thứ 2 và trả các loại phí vận hành, truyền tải, an toàn lưới… cho EVN. Chỉ khác là giá mua trước đây do EVN quy định và đã được Bộ Công thương chấp thuận, nay giá cả do nhà đầu tư điện tái tạo và người dùng điện tự thỏa thuận với nhau.
Trong trường hợp này, giá mua điện trực tiếp tuy không qua EVN, nhưng có thể cao hơn hoặc thấp hơn giá mua qua EVN do các chi phí đầu tư mới của nhà đầu tư, chi phí được tính đúng, tính đủ trong truyền tải", TS Trần Đình Bá cho hay.
Theo ông, nếu không mua ĐMT lúc này thì không biết mua lúc nào vì ngành điện luôn đối diện nguy cơ thiếu điện. Thủy điện khó khăn nguyên các tháng tới, điện than đã được huy động tối đa công suất và nguy cơ sự cố xảy ra đối với các tổ chạy máy nhiệt điện cũng rất lớn.
"Phải cho dân làm ĐMT áp mái không giới hạn. ĐMT và điện gió phải chiếm trên 70 % thị phần trở thành điện nền đảm bảo an ninh năng lượng. Vai trò của thủy điện, điện than - khí chỉ đóng vai trò điều tiết. Lúc đó Việt Nam sẽ thực hiện thành công an ninh điện năng, có dư điện sạch để xuất khẩu và kích cầu nền kinh tế", PGS.TS Trần Đình Bá nói.
Chuyên gia năng lượng Ngô Đức Lâm, nguyên Phó viện trưởng Viện Năng lượng (Bộ Công thương), nhận định, mấy năm qua, thị trường tồn tại nghịch lý là nhiều dự án điện tái tạo khắp cả nước vẫn chưa thể bổ sung nguồn. Không phải lỗi của EVN hay Bộ Công thương mà chủ yếu do cơ chế giá và chính sách của chúng ta đang vướng. Trong thực tế, luật Điện lực từ năm 2012 khi chưa có điện tái tạo đã cho mua bán điện trực tiếp rồi.
Với cơ chế thông thoáng, không chỉ mua điện trực tiếp từ các dự án ĐMT lớn, việc chia sẻ nguồn qua đấu nối công tơ điện 2 chiều của các hộ trong khu phố, trong tòa nhà, trong khu công nghiệp cũng sẽ thuận tiện hơn. Như vậy, giảm áp lực cho nguồn cung điện tiêu dùng, văn phòng. Song song đó là đường dây 500 kV mạch 3 đưa điện từ miền Trung ra miền Bắc theo kế hoạch hoàn thành vào cuối tháng 6 tới; rồi nguồn nhập khẩu thủy điện từ Lào về, dự kiến đóng điện vào cuối tháng 5, đầu tháng 6...
Như vậy, cùng với cơ chế DPPA, nguồn cung điện cho những tháng nắng nóng tới được bảo đảm phần nào, đáp ứng nhu cầu cầu phát triển kinh tế xã hội.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Bản tin dự báo thời tiết mới nhất hôm nay ngày 18/5.