Hà Nội

Chuyên gia đề xuất Hà Nội cho trẻ mầm non và tiểu học đến trường

23-03-2022 20:03 | Xã hội

SKĐS - Theo BS. Trương Hữu Khanh, Hà Nội cần mở cửa trường đón học sinh, đặc biệt là trẻ mầm non và tiểu học bởi các triệu chứng mắc COVID-19 ở trẻ rất nhẹ, số lượng trẻ đã là F0 hiện rất lớn.

Giáo viên, học sinh mắc COVID-19 giảm mạnh, nhiều địa phương điều chỉnh thời gian đến trườngGiáo viên, học sinh mắc COVID-19 giảm mạnh, nhiều địa phương điều chỉnh thời gian đến trường

SKĐS - Nhằm thích ứng với tình hình dịch COVID-19, một số tỉnh/thành đã điều chỉnh lịch học trực tiếp của học sinh từ ngày mai, 21/3.

Trẻ ở nhà vẫn mắc COVID-19

BS. Trương Hữu Khanh - Phó Chủ tịch thường trực Liên chi hội Truyền nhiễm TP.HCM cho rằng, đã đến lúc Hà Nội mở cửa trường học hoàn toàn, giống như TP.HCM. Có nhiều lý do để thực hiện điều này.

Thứ nhất, số lượng trẻ từng là F0 ở Hà Nội rất lớn, gần như nếu trong gia đình có người mắc COVID-19 thì trẻ cũng mắc.

Thứ hai, trẻ nhiễm COVID-19 do biến thể Omicron thường có triệu chứng rất nhẹ và nhanh hồi phục.

Ba là việc xử lý các trường hợp F0 xuất hiện trong nhà trường cũng rất đơn giản.

Chuyên gia đề xuất Hà Nội cho trẻ mầm non và tiểu học đến trường - Ảnh 1.

BS. Trương Hữu Khanh cho rằng, Hà Nội nên mở cửa trường mầm non và tiểu học.

Thông thường trẻ em sẽ mắc COVID-19 sau người lớn và chủ yếu là do người lớn lây sang, trong khi theo quan sát của BS. Khanh, trẻ em rất ít khi lây cho người khác. Nhiều trẻ mắc bệnh mà người mẹ chăm sóc, chỉ mang khẩu trang thôi nhưng hầu như không thấy trẻ lây cho mẹ. Nguyên nhân do người lớn thường xuyên khạc nhổ, trẻ con thì lại có xu hướng nuốt vào.

Ngoài ra, việc virus bám dính ở vòm họng của trẻ con rất ít, chủ yếu có trong đường ruột nên thường thải ra qua hệ thống ruột nhiều hơn là văng ra ngoài.

Trên thực tế, trẻ em ở nhà cũng nhiễm COVID-19 chứ không chỉ mắc bệnh ở trường. Lợi ích của việc cho trẻ đến trường như trẻ tập trung, tiếp thu tốt hơn, người lớn có thể chuyên tâm lao động, sản xuất, sinh hoạt ổn định.

Nếu tôi là phụ huynh, tôi sẵn sàng cho con đến trường mà không cần phải lo lắng thái quá. COVID-19 ở trẻ nhỏ bình thường, nên được coi như bệnh cúm thông thường.
BS. Trương Hữu Khanh nói.

Đối với trẻ nhỏ, sáu năm đầu đời (hệ mầm non), vấn đề quan trọng không phải là văn hóa, mà là cảm xúc, học làm việc nhóm, tương tác với môi trường bên ngoài… nên việc cho trẻ đi học là rất cần thiết.

Theo BS. Khanh, chỉ đối tượng nguy cơ như béo phì hoặc có bệnh nền nặng như suy thận, suy gan giai đoạn cuối, chậm phát triển nặng, tim bẩm sinh nặng… mới dễ chuyển biến nặng, do đó phụ huynh đừng quá sức lo lắng khi trẻ là F0.

Đi học nghĩa là hòa nhập, đến trường học trực tiếp, chơi với bạn bè, giao tiếp với cô giáo, nhìn thấy khuôn mặt của cô giáo, bạn bè. Chúng ta đã chích ngừa vaccine COVID-19 cho người lớn vậy là đã "hết chiêu" vì thế nên thuận theo thiên nhiên nhưng không lơ là, tuân thủ tốt quy tắc 5K và tiêm vaccine. "Đây là thời điểm tốt nhất để trẻ được hòa nhập và được phát triển", BS. Khanh nói.

Nhà trường sẵn sàng ứng phó với F0

PGS.TS Đinh Duy Kháng - Viện Công nghệ Sinh học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đồng tình với việc cho trẻ mầm non và tiểu học trở lại trường. Theo ông, hệ lụy của việc trẻ không được đến trước lớn hơn rất nhiều những rủi ro mà COVID-19 có thể đem lại. Các bệnh về tâm sinh lý, sự phát triển cảm xúc, trí tuệ, thể chất của trẻ… đều bị ảnh hưởng nếu trẻ không được đến trường, phải ở nhà quá lâu.

Cho rằng việc đóng cửa trường học hiện nay là cách phòng dịch "hơi thái quá", PGS.TS Đinh Duy Kháng cho rằng việc không chủ quan, lơ là với dịch bệnh là cần thiết, nhưng cần khôi phục lại cuộc sống bình thường. Hơn 2 năm qua, trẻ nhỏ bị xáo trộn, ảnh hưởng rất nhiều đến sự phát triển. Đến thời điểm này, nên thiết lập trạng thái bình thường, thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch bệnh...

Trẻ mắc COVID-19 dù có sốt cao, lạnh run, nhưng cũng không sốt quá 48 tiếng. Việc chăm sóc trẻ mắc COVID-19 không khác gì với sốt virus thông thường. Không nên lạm dụng xông, xịt mũi hay tự ý sử dụng thuốc điều trị COVID-19. Qua 48 giờ, trẻ sẽ lại ăn uống, vui chơi bình thường.
BS. Khanh lưu ý.

Các chuyên gia cho rằng, cần xác định khi cho trẻ đến trường, trong lớp vẫn sẽ xuất hiện các trường hợp F0 mới. Có thể chia lớp học thành nhóm nhỏ, nếu xuất hiện ca mắc, việc xử lý gói gọn trong nhóm đó. Nhà trường cần chuẩn bị các tình huống để xử lý nếu xuất hiện F0 trong trường học. Và cách xử lý đơn giản nhất là cho F0 đó nghỉ học, tự cách ly đến khi khỏi, lớp học vẫn được tổ chức bình thường. Giống như bệnh cúm mùa, các trường vẫn khuyến cáo không cho trẻ bị sốt hoặc có các dấu hiệu bệnh dễ lây lan đến trường như tay chân miệng, quai bị...

Trẻ nhỏ đến trường cần được rửa tay thường xuyên, vệ sinh sạch sẽ, không sử dụng đồ dùng như cốc uống nước, đồ ăn uống chung... Để cho trẻ đến trường, chính các bậc phụ huynh cũng phải chuẩn bị tâm lý, tinh thần vui vẻ, lạc quan, không sợ hãi và có các biện pháp phòng bệnh phù hợp cho trẻ nhỏ.

Trước đó, do diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, từ ngày 4/5/2021, UBND TP Hà Nội quyết định cho học sinh các cấp trên toàn thành phố nghỉ học tập trung. Trong thời gian học sinh tạm dừng đến trường, đề nghị các trường tổ chức dạy học trực tuyến qua internet. Gần một năm học trôi qua, trẻ mầm non ở Hà Nội cũng như học sinh từ lớp 1 đến lớp 6 ở 12 quận vẫn chưa được đến trường. Trong khi đó, học sinh tiểu học và lớp 6 ở 18 huyện, thị xã từng đến lớp song cũng chuyển lại học trực tuyến do dịch COVID-19.

Xem thêm video đang được quan tâm:

Hiểu đúng về sức đề kháng và cách tăng sức đề kháng

Tô Hội
Ý kiến của bạn